Trong khuôn khổ chuyến công tác đến Bulgaria, ngày 14/5/2024, tại Thủ đô Sofia, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác Bộ Công Thương đã tham dự Tọa đàm Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Bulgaria.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chào mừng và cảm ơn ngài Thứ trưởng, lãnh đạo Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Bulgaria, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp hai nước đã tới dự Tọa đàm.
Thông tin về tình hình phát triển kinh tế, thương mại của Việt Nam trong những năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay Việt Nam đang là một trong 40 quốc gia có quy mô nền kinh tế lớn trên thế giới. Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đã đạt tới mức trên 700 tỷ USD, là một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn lên trên thế giới.
Đặc biệt, năm 2022, tốc độ tăng trưởng ngoạn mục đạt 8,03%. 4 tháng đầu năm 2024, bất chấp khó khăn chung của kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn là 6,6%.
Cùng với đó, Việt Nam cũng là 1 trong 15 quốc gia có môi trường thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tốt nhất và tốc độ thu hút FDI hàng năm của Việt Nam tăng trưởng trung bình từ 5 - 6%/năm. Lũy kế nguồn vốn FDI vào Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại là 469 tỷ USD, với trên 141 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới có nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khuyến nghị, nếu đầu tư sang Việt Nam thời điểm này, các doanh nghiệp Bulgaria nên đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh...
Về công tác hội nhập, Bộ trưởng cũng cho biết, Việt Nam đang là một nền kinh tế vô cùng mở khi sở hữu đến 16 các Hiệp định Thương mại tự do và có quan hệ với gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việt Nam là cũng là quốc gia có dân số đông với trên 100 triệu người, trong đó 65% người trong độ tuổi lao động. Việt Nam đã và đang là công xưởng của thế giới, vì thế rất cần sự hợp tác với các nước khác để nghiên cứu đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhận lực, đầu tư kinh doanh cùng phát triển...
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thông qua Việt Nam, các doanh nghiệp Bulgaria có thể tiếp cận đến thị trường khu vực các nước ASEAN, hay các đối tác quốc tế khác mà Việt Nam cũng là thành viên trong các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu đầu tư ra nước ngoài, trong có các nước tại khu vực châu Âu, châu Mỹ trong các lĩnh vực mới như: Công nghệ thông tin, sản xuất xe điện, chế biến sữa và các loại nông sản thực phẩm... Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn Chính phủ Bulgaria tạo những điều kiện thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận và thâm nhập sâu hơn vào thị trường Bulgaria. “Mục tiêu cuối cùng là để chúng ta cùng hợp tác và phát triển” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và cho biết, nếu đầu tư sang Việt Nam thời điểm này, các doanh nghiệp Bulgaria nên đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh...
Nhất trí với những phát biểu kiến nghị, đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Bulgaria Nikolay Pavlov cũng khẳng định, Bulgaria là một trong những quốc gia có môi trường đầu tư hấp dẫn các doanh nghiệp Việt Nam. Bulgaria luôn dành cho các doanh nghiệp Việt Nam những ưu đãi đặc biệt trong quá trình hợp tác, đầu tư.
Kỳ họp năm 2024 là kỳ họp lần thứ 24 của Ủy ban Liên chính phủ giữa hai được triển khai sau 9 năm gián đoạn vì những lý do khách quan. Do vậy, Thứ trưởng Nikolay Pavlov kỳ vọng, thông qua Biên bản của kỳ họp, hai nước sẽ đón những nhận những làn sóng đầu tư mạnh mẽ, nhất là trong những lĩnh vực hợp tác mới mà hai nước có nhiều tiềm năng và có nhu cầu.
Đông đảo doanh nghiệp Bulgaria tham dự Tọa đàm (Ảnh: CXT)
Thứ trưởng Nikolay Pavlov cho biết, trên đất nước Bulgaria hiện đang có khoảng 350.000 người lao động Việt Nam sinh sống và làm việc. Các doanh nghiệp tại Bulgaria đang có nhu cầu mở rộng quy mô kinh doanh. Tuy nhiên, lực lượng lao động sẵn có không đáp ứng đủ nhu cầu, do vậy, hợp tác lao động sẽ là lĩnh vực tiềm năng của hai nước. Bên cạnh hợp tác về lao động, Thứ trưởng Nikolay Pavlov cũng chỉ ra những lĩnh vực mà hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác như: Nông nghiệp, công nghệ cao, năng lượng... Thứ trưởng Nikolay Pavlov tin tưởng, Tọa đàm Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Bulgaria sẽ tạo ra cơ hội để doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi và tìm hiểu nhau, từ đó mở ra những thiết chế hợp tác mới mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và nền kinh tế mỗi bên.
Thông tin rõ hơn về những cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Việt Nam đã và đang tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, 16/19 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu...
“Đây cũng chính là cơ sở, là nền tảng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương” - Cục trưởng Vũ Bá Phú khẳng định và cho biết, điều này đã và đang đưa Việt Nam trở thành cửa ngõ quan trọng bậc nhất thế giới khi giờ đây đầu tư vào Việt Nam là có thể tiếp cận được với hầu hết các thị trường lớn của thế giới, thúc đẩy trao đổi hàng hóa, dịch vụ, xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước trên thế giới phát triển đa dạng.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Vũ Bá Phú, hàng hóa trao đổi giữa hai nước mang tính bổ trợ cao cho nhau và còn rất nhiều dư địa để khai thác. Để tăng cường kim ngạch xuất nhập khẩu và đầu tư giữa hai quốc gia, ông Vũ Bá Phú cho rằng, vai trò của các cơ quan liên quan tới thương mại, đầu tư là vô cùng quan trọng. “Bộ Công Thương có Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Bulgaria, phụ trách theo dõi thị trường, tìm kiếm các cơ hội xuất - nhập khẩu/đầu tư song phương, hỗ trợ doanh nghiệp 2 nước kết nối, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác... Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương Việt Nam phụ trách theo dõi chung về mặt chính sách thương mại, thị trường EU trong đó có Bulgaria. Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương Việt Nam phụ trách thực hiện đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại như cung cấp thông tin thị trường phục vụ xúc tiến thương mại thông qua các sự kiện hội nghị, hội thảo, tổ chức, tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm, tổ chức các phái đoàn giao dịch thương mại và đầu tư, đào tạo nâng cao năng lực thực hành xúc tiến thương mại và đầu tư cho các tổ chức, doanh nghiệp...” - ông Vũ Bá Phú thông tin và nhấn mạnh, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công Thương sẽ nỗ lực hết mình để kết nối giao thương, xây dựng mối quan hệ kinh doanh hợp tác cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Trong khi đó, giới thiệu, quảng bá về môi trường đầu tư kinh doanh tại Bulgaria, ông Julian Balchev - Tổng Thư ký Cục Xúc tiến đầu tư Bulgaria nhận định, Việt Nam - Bulgaria có tiềm năng lớn, cần tận dụng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước hợp tác và đầu tư sang nhau. Hiện nay, Chính phủ Bulgaria và các cơ quan đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài. “Trong năm 2023, Cục Xúc tiến Đầu tư Bulgaria đã hỗ trợ 51 công ty lớn tại Việt Nam đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư” - đại diện cơ quan này thông tin và cho biết, Bulgaria còn là cửa ngõ để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang châu Âu.
Tuy nhiên, theo ông Julian Balchev thách thức của doanh nghiệp hai nước hiện nay là rào cản ngôn ngữ. Dù vậy, đây không phải là vấn đề quá khó khăn, vì người dân hai nước đều có thể trao đổi với nhau bằng tiếng Anh hoặc sử dụng phiên dịch. Cục Xúc tiến đầu tư Bulgaria có số lượng lớn chuyên gia về công nghệ thông tin, phần mềm mới và cơ quan này đang đẩy mạnh phát triển công nghệ vũ trụ. Doanh nghiệp Việt Nam thông qua EVFTA có thể nghiên cứu hợp tác đầu tư với Bulgaria trong lĩnh vực này.
Cùng với việc mở cửa thị trường, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cạnh tranh theo hướng tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, không phân biệt đối xử cho các doanh nghiệp trên thị trường. Ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam cho biết, trong quá trình thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh, Việt Nam luôn đặt ra định hướng, mục tiêu tạo lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho tất cả các doanh nghiệp trên thị trường; từ đó thúc đẩy sự đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, cũng như giảm giá cả và tăng cường lợi ích cho người tiêu dùng...
Ông Lê Triệu Dũng kỳ vọng Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam sẽ có thể tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác với cơ quan cạnh tranh của Bulgaria để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và học hỏi từ nhau. Qua đó, giúp tăng cường môi trường cạnh tranh bình đẳng, hiệu quả và thúc đẩy các cơ hội thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp của cả hai nước.
Nguồn: dangcongsan.vn