KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 20/09/2023 - Lượt xem: 285
Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

Những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) của tỉnh có sự phát triển đáng ghi nhận, tham gia vào các quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, vận tải, thương mại, dịch vụ, xây dựng...

Sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kim Tương (thành phố Hưng Yên)
Đến hết tháng 8 năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 14,8 nghìn doanh nghiệp ngoài nhà nước đăng ký thành lập, với tổng số vốn khoảng 192,7 nghìn tỷ đồng chiếm 92,9% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng hơn 1 nghìn doanh nghiệp so với năm 2022. Theo đánh giá của Sở Công Thương, KTTN đã có những đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh. KTTN đang đóng góp gần 45% vào GDP của tỉnh, một phần ba thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% số lao động toàn tỉnh. Đến hết tháng 8/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng hơn 6,03% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với đó là giá trị xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp đều tăng trưởng cao qua từng năm… Những kết quả trên đã cho thấy vai trò, vị trí và sự lớn mạnh của KTTN đang ngày càng được khẳng định, đặc biệt, trong việc góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi diện mạo của tỉnh, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của tỉnh.
Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng hiệu quả hoạt động của khu vực KTTN chưa thật sự được cải thiện, còn một số hạn chế. Trong tổng số các doanh nghiệp ngoài nhà nước đang hoạt động trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Do đó, trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của số doanh nghiệp này còn thấp, cơ cấu ngành nghề bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác. Khu vực KTTN dù lớn về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế. Xét về khía cạnh phát triển bền vững, vẫn còn khá nhiều vấn đề đặt ra, nhất là vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội và môi trường. Sau dịch Covid-19, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn. Giai đoạn 2020-2022, mỗi năm toàn tỉnh có khoảng hơn 1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, nhưng tỉ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động cũng chiếm tới 50%. 8 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 611 doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động. Doanh nghiệp ngoài nhà nước luôn ở trong tình trạng thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp ở quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải chủ yếu liên quan đến việc tiếp cận gói chính sách hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng và giãn thời gian cho vay; tiếp cận đất đai, thị trường, khách hàng; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế...
Tại Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 15/6/2023 của UBND tỉnh, KTTN được tỉnh định hướng phát triển trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế với mục tiêu: Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 18 nghìn doanh nghiệp, năm 2030 có ít nhất 24 nghìn doanh nghiệp.
Để đạt các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển KTTN; mở rộng khả năng tham gia thị trường của KTTN và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của KTTN; tiếp tục tập trung hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển KTTN. Tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy nhanh tiến độ công tác quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huy động tổng hợp các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, xã hội hoá nhằm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đáp ứng yêu cầu về mặt bằng sản xuất, kinh doanh và các hạ tầng kỹ thuật cần thiết với chi phí hợp lý, bảo đảm kết nối thuận tiện với giao thông, tăng cường liên kết giữa khu, CCN. Trước mắt ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, CCN tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như KCN số 05, KCN Sạch, CCN Phạm Ngũ Lão - Nghĩa Dân… Hoàn thành các thủ tục để sớm khởi công xây dựng KCN số 03, CCN Quảng Lãng – Đặng Lễ và một số KCN quy mô lớn theo quy hoạch. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh doanh thương mại, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, nhất là các doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt, chủ đạo để định hướng sản xuất và tiêu dùng; quan tâm phát triển hệ thống chợ, mạng lưới thương mại truyền thống.
Đẩy mạnh triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trước mắt ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, đào tạo, tư vấn cho doanh nghiệp; hỗ trợ để từng bước hình thành các mô hình KTTN quy mô lớn có vai trò dẫn dắt ở một số lĩnh vực hoặc chuỗi giá trị. Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ (sáng chế/giải pháp hữu ích, nhãn hiệu hàng hóa, quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc…) phục vụ sản xuất, kinh doanh; tích cực tiến hành các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình, dự án, các hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ (đăng ký xác lập quyền và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong nước và nước ngoài, cam kết về sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, kỹ năng quản lý, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ)…
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan