Thời gian qua, huyện Kim Động tích cự, hỗ trợ các chủ thể xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế về sản phẩm nông sản và các sản phẩm truyền thống của địa phương. Qua đó, góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân.
Xác định xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP là một trong những tiêu chí bắt buộc trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện Kim Động đã ban hành kế hoạch, triển khai hiệu quả, đồng bộ các nội dung Chương trình OCOP theo từng giai đoạn; định hướng sản xuất, hỗ trợ đào tạo, tập huấn về kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu cho các chủ thể; tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm; hỗ trợ các chủ thể tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm ở trong và ngoài tỉnh. Từ đó, tạo thêm động lực để hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện tích cực xây dựng, phát triển, chuẩn hóa các sản phẩm đặc trưng của địa phương thành sản phẩm OCOP.
Sản xuất tại Công ty TNHH Cộng Đồng 18/4, xã Thọ Vinh (Kim Động)
Công ty TNHH Cộng Đồng 18/4, xã Thọ Vinh (Kim Động) có 5 sản phẩm OCOP được xếp hạng 4 sao. Với việc được công nhận sản phẩm OCOP đã giúp công ty khẳng định chất lượng sản phẩm, có điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh, hướng đến xuất khẩu, góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho lao động khuyết tật. Ông Trương Huy Hợi, Giám đốc Công ty cho biết: Tham gia Chương trình OCOP, công ty được tạo điều kiện tham gia giới thiệu sản phẩm ở các hội chợ, hội nghị ở trong và ngoài tỉnh; nâng cao kỹ năng chụp ảnh sản phẩm, livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Năm 2023, điểm bán hàng của công ty ở xã Thọ Vinh được lựa chọn làm điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh, đến nay, cửa hàng có trên 10 nhóm sản phẩm OCOP của tỉnh được bày bán, thu hút nhiều khách hàng đến mua sắm, lựa chọn các sản phẩm OCOP của công ty nói riêng và của tỉnh nói chung.
Năm 2023, sản phẩm nhãn quả tươi của Hợp tác xã (HTX) sản xuất nhãn lồng Kim Động, xã Vĩnh Xá (Kim Động) được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Anh Nguyễn Công Hoan, Giám đốc HTX sản xuất nhãn lồng Kim Động khẳng định: Quá trình tham gia Chương trình OCOP, HTX nhận được sự hỗ trợ của phòng chuyên môn trong tư vấn, hướng dẫn quá trình sản xuất cây ăn quả, hỗ trợ thực hiện hồ sơ công nhận sản phẩm, giới thiệu sản phẩm để hình thành các chuỗi sản xuất, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh. Sản phẩm sau khi công nhận đạt chuẩn OCOP đã nâng cao giá trị kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ vào hệ thống cửa hàng, bếp ăn doanh nghiệp, trường học…
Với sự nỗ lực của các chủ thể và sự đồng hành của các cấp chính quyền, ngành chức năng, đến nay, huyện Kim Động có 37 sản phẩm của 15 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP; trong đó, 25 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 12 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Hằng năm, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện rà soát, nhắc nhở các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận lại sản phẩm đối với các sản phẩm OCOP sắp hết thời gian công nhận (36 tháng). Đồng chí Nguyễn Thế Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Động cho biết: Tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể đã đổi mới tư duy, cách thức sản xuất, mạnh dạn đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học, công nghệ để làm ra sản phẩm chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, quảng bá hình ảnh, nâng cao thương hiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương. Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn do số lượng sản phẩm đặc trưng của huyện còn ít; quy mô sản xuất chưa lớn; quy trình chăm sóc, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật thâm canh chưa đồng đều khiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đồng nhất ở các thời điểm; các chuỗi liên kết sản xuất còn hạn chế...
Giai đoạn 2023 – 2025, huyện phấn đấu có thêm 10 – 15 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP sau chế biến; có ít nhất 50% số chủ thể sản xuất tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử)… Để đạt được mục tiêu đó, thời gian tới, huyện tăng cường công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của Chương trình OCOP; chú trọng phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác truyền thông về Chương trình OCOP; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp. Từ đó, nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu…
Nguồn: https://baohungyen.vn