Nhãn lồng Hưng Yên được xếp hạng 13 trong số 50 trái cây nổi tiếng của Việt Nam, được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là loại trái cây ngon nhất và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa “Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến vua”, được công nhận chỉ dẫn địa lý giúp khách hàng nhận biết và thưởng thức sản phẩm chính hiệu nhãn lồng Hưng Yên. Để phát huy những ưu điểm trên, ngành chức năng, các địa phương và nông dân đã không ngừng nâng cao chất lượng, lưu giữ và nhân rộng giống nhãn quý.
Ông Bùi Xuân Sử, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) lựa chọn nhãn canh tác theo hướng hữu cơ phục vụ xuất khẩu
Toàn tỉnh có gần 5 nghìn héc – ta sản xuất nhãn, tập trung ở các địa phương như: Khoái Châu, Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên. Với việc đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật trong thâm canh, đến nay, nhãn trong tỉnh được chia làm 3 trà vụ gồm: Nhãn trà sớm cho thu hoạch trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 7; nhãn chính vụ cho thu hoạch từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8; nhãn chín muộn cho thu hoạch từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 10. Cơ cấu trà vụ được phân bổ trong khoảng thời gian dài đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến và là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu.
Thời điểm hiện nay đang vào giai đoạn thu hoạch nhãn chính vụ. Trước đó, nông dân trong tỉnh đã hoàn thành thu hoạch trà nhãn sớm, với giá bán cao hơn 2 - 3 lần so với nhãn chính vụ, góp phần nâng cao hiệu quả canh tác nhãn. Hiện nay, nhãn trà sớm chỉ chiếm 5 - 7% tổng diện tích nhãn toàn tỉnh. Mặc dù giá bán cao, dễ tiêu thụ nhưng sản xuất nhãn trà sớm gặp một số khó khăn do phụ thuộc nhiều vào thời tiết đòi hỏi người dân phải có kinh nghiệm chăm sóc, áp dụng biện pháp kỹ thuật để “thúc” cây ra hoa, đậu quả rải vụ. Do nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường nên nhãn trà sớm của tỉnh chủ yếu được dùng làm quà biếu, sử dụng quả tươi, chưa đủ sản lượng để phục vụ chế biến.
Thành phố Hưng Yên được ví như “thủ phủ” nhãn của tỉnh với nhiều giống nhãn ngon, nhãn quý. Thành phố hiện nay có hơn 1 nghìn héc-ta trồng nhãn, tập trung tại các xã, phường như: Hồng Nam, Tân Hưng, Phương Chiểu, Quảng Châu, Lam Sơn… Thời điểm này, nhãn chính vụ đang cho thu hoạch, sản lượng nhãn quả tươi của thành phố năm nay ước đạt trên 10 nghìn tấn. Hiện nay, thành phố Hưng Yên có hơn 500 héc-ta trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, hơn 10 điểm trồng nhãn đã được cấp mã số vùng trồng OTAS.
Năm nay là năm thứ 3 ông Bùi Xuân Sử ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) trồng nhãn theo quy trình hữu cơ. Ông Sử cho biết: Vườn nhãn hơn 200 cây hiện nay đều được chăm sóc theo quy trình hữu cơ. Vụ nhãn năm 2022, tôi thu được 13 tấn nhãn quả tươi. Nhãn trồng theo quy trình hữu cơ được xuất khẩu đi châu Âu thông qua một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Năm nay, mặc dù sản lượng thấp hơn, song lượng nhãn quả tươi trồng theo quy trình hữu cơ của ông Sử đã được doanh nghiệp lựa chọn để kiểm tra các chỉ tiêu, xuất sang thị trường Pháp. Ông Sử cho biết thêm: Việc chăm cây nhãn theo phương pháp hữu cơ tốn nhiều công sức và thời gian hơn so với nhãn trồng đại trà. Phân bón cho cây chủ yếu từ các sản phẩm ngâm ngô, đỗ, cá… ủ sinh phẩm khử mùi hôi tanh rồi hòa tưới gốc cây. Phòng trừ sâu bệnh không dùng chất hoá học, ngoài phun nano bạc, phải xay gừng, tỏi, ớt phun trên lá, trên thân cây nhãn.
Huyện Khoái Châu có hơn 1,3 nghìn héc-ta nhãn đang cho thu hoạch, trong đó chủ yếu là nhãn muộn có quy mô tập trung khoảng 900 héc-ta ở các xã Hàm Tử, Đông Kết, Bình Kiều, An Vĩ, Ông Đình... Bên cạnh giống nhãn chủ đạo là Miền Thiết, những năm gần đây, nông dân trong huyện trồng thêm một số giống mới có chất lượng cao như: Nhãn siêu ngọt, nhãn T1, T2, T6... Toàn huyện có 42 mô hình sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP với tổng diện tích gần 600 héc-ta.
Tại xã Hàm Tử (Khoái Châu), nông dân đã thành lập Hợp tác xã (HTX) nhãn Miền Thiết với mô hình thâm canh cao, xây dựng chuỗi sản xuất nhãn theo hướng an toàn; thường xuyên tiếp cận với các doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu rau quả ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội để mở rộng thị trường xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Thuý ở thôn An Cảnh, xã Hàm Tử cho biết: Những năm gần đây, vườn nhãn của gia đình tôi luôn trong tình trạng không đủ để cung ứng. Từ năm 2015, gia đình tôi chuyển dần từ giống nhãn Miền Thiết sang trồng nhãn siêu ngọt. Do thời gian chín muộn hơn các giống khác, chất lượng quả ngon nên giá nhãn siêu ngọt bán thường cao gấp 2 - 3 lần so với nhãn Miền Thiết. Với 2 héc-ta nhãn, năm 2022, gia đình bà Thúy thu được hơn 10 tấn quả với giá từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg. Năm 2023, sản lượng nhãn của gia đình bà mặc dù giảm nhưng vẫn đạt khoảng gần 10 tấn.
Ông Đỗ Bá Nghĩa, Giám đốc Hợp tác xã nhãn lồng Khoái Châu cho biết: Việc canh tác nhãn chín muộn đang là cách làm hiệu quả, điển hình là biện pháp giãn vụ vì nhãn chín muộn Khoái Châu có thời gian thu hoạch dài, tránh được tình trạng quả chín đồng loạt dẫn đến nguồn cung tăng cục bộ.
Mặc dù sản xuất nhãn an toàn, chất lượng đòi hỏi người dân phải nâng cao trình độ canh tác, áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt, lựa chọn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng… nhưng thực tế sản xuất cho thấy, diện tích nhãn được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP vẫn được các HTX, nhà vườn trong tỉnh mở rộng qua từng năm. Điều này cho thấy những giá trị về kinh tế, sức khỏe, môi trường và tính bền vững của mô hình này mang lại.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 1,7 nghìn héc–ta sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, chiếm khoảng 34% diện tích nhãn toàn tỉnh. Có khoảng gần 10 héc–ta nhãn ở thành phố Hưng Yên đã nâng cấp từ quy trình VietGAP sang canh tác theo hướng hữu cơ. Nhiều sản phẩm nhãn, long nhãn của HTX, tổ hợp tác được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh. Hằng năm, nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP của một số HTX tại thành phố Hưng Yên và huyện Khoái Châu có sản lượng xuất khẩu ổn định sang thị trường Anh, EU, Nhật Bản… Để nâng cao chất lượng nông sản nói chung, nhãn quả tươi nói riêng, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách; xây dựng các đề án, mô hình phát triển nông nghiệp sạch theo hướng VietGAP, hữu cơ.
Nguồn: https://baohungyen.vn