Với những tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước được kỳ vọng sẽ tạo thêm một kênh cung ứng vốn đầu tư hấp dẫn đối với các chủ dự án có nhu cầu đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực hoặc địa bàn được Chính phủ khuyến khích.
Việc cơ cấu lại các khoản vay đã tạo điều kiện cho Đạm Hà Bắc sản xuất, kinh doanh ổn định.
Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 7/11/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/12/2023. Theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP, nhiều nội dung quan trọng như: Lãi suất cho vay, thời hạn cho vay, giới hạn tín dụng, xử lý rủi ro,… đã được điều chỉnh theo hướng giao quyền tự chủ nhiều hơn cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Đòn bẩy vốn hấp dẫn
Có thể nói, nhiều năm qua, dòng vốn tín dụng Nhà nước đầu tư kịp thời cũng như các chính sách giãn hoãn nợ của VDB không chỉ giúp các doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội đầu tư, mà còn vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực phá sản, nhưng nhờ nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đã phục hồi, sản xuất ổn định.
Trước năm 2021, cả ba dự án sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là: Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2-Lào Cai đều nằm trong các dự án kém hiệu quả của Bộ Công thương. Theo chia sẻ của Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem Nguyễn Phú Cường, đây là ba đơn vị âm vốn chủ sở hữu, thua lỗ nhiều năm, rất khó đáp ứng các yêu cầu về tín dụng để được cấp vốn.
Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại đã tham gia hỗ trợ rất nhiều để ba đơn vị này hoạt động ổn định, duy trì được dòng tiền. Đặc biệt, VDB đã cơ cấu lại các khoản vay của ba đơn vị này, đồng thời kéo dài thời gian trả nợ thêm và xóa lãi phạt trên lãi chậm trả, nhờ đó, các đơn vị này trong ba năm gần đây đã sản xuất, kinh doanh có lãi. Năm 2022, tổng lợi nhuận của ba đơn vị đạt 2.700 tỷ đồng; năm 2023 đạt 1.300 tỷ đồng, riêng hai tháng đầu năm 2024, các đơn vị cũng hoạt động ổn định và có lãi, công suất sản xuất đạt hơn 90%. Tính đến ngày 29/2/2024, cả ba đơn vị đã trả nợ cả gốc và lãi cho VDB được 12.138 tỷ đồng trên tổng nợ vay ban đầu là 10.600 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (Hansiba), Chủ tịch Tập đoàn N&G cũng cho biết, cùng với ngành công nghiệp, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chịu ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi sản xuất, thanh khoản tài chính nguồn vốn-hoàn vốn với ngân hàng và chi phí cho sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Các ngân hàng thương mại hầu hết không mặn mà với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cũng như công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. “Vì vậy, là công cụ quan trọng của Nhà nước, VDB đang phát huy vai trò “bà đỡ” cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, giúp phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, đáp ứng chuỗi sản xuất toàn cầu.
Từ nền tảng ủng hộ tài chính của VDB, đến nay chúng tôi đã vượt qua khó khăn mà nhiều người nghĩ không vượt qua được. Điển hình như Khu công nghiệp Hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) đã trở thành điểm sáng trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành các tổ hợp Technopark Việt Nam-Nhật Bản, Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam-Đài Loan, Trung Quốc và tới đây sẽ là Việt Nam với các cường quốc đã là đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam”, ông Hoàng khẳng định.
Tiếp tục tháo gỡ cơ chế, chính sách
Với tổng lượng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cung ứng cho nền kinh tế đạt hơn 200 nghìn tỷ đồng, thời gian qua, VDB đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội cũng như nâng cao năng lực sản xuất của các ngành kinh tế thông qua việc tài trợ, cho vay gần 200 dự án trọng điểm (nhóm A) trên phạm vi cả nước, trong đó hầu hết các dự án đều thuộc lĩnh vực công nghiệp cơ bản (xi-măng, thép, ngành điện, giấy, phân bón, chế biến cao su, cơ khí, vệ tinh viễn thông…). Các dự án đã đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, đồng thời, tạo tiền đề quan trọng để phát triển các ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền cần ưu tiên theo đúng chủ trương định hướng của Đảng, Chính phủ qua từng thời kỳ.
Không chỉ tập trung vốn tín dụng đầu tư phát triển kinh tế-xã hội trong nước, nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cũng dành hỗ trợ các dự án đầu tư ra nước ngoài, góp phần khẳng định sự hợp tác chặt chẽ cùng có lợi trong phát triển kinh tế giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng, đồng thời bảo đảm an ninh-quốc phòng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, Tổng Giám đốc VDB Đào Quang Trường cũng thẳng thắn nhìn nhận, những năm qua, VDB đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, những vướng mắc về cơ chế chính sách, sự thiếu hụt về nguồn lực tài chính, nhân sự,… làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả và hiệu quả hoạt động của hệ thống.
Từ thực tế đó, ngày 7/11/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước và có hiệu lực thi hành từ ngày 22/12/2023. Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho VDB, là bước tiến quan trọng để khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước. Đáng chú ý, theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP, mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước do VDB quyết định, bảo đảm nguyên tắc đủ bù đắp chi phí huy động vốn, chi hoạt động bộ máy và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ vay, nhưng không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ. Với cơ chế xác định lãi suất được điều chỉnh nêu trên, ngay sau khi Nghị định số 78/2023/NĐ-CP có hiệu lực, VDB đã nhanh chóng tính toán các chi phí cần thiết (chi phí huy động vốn, chi hoạt động bộ máy và chi phí trích lập dự phòng rủi ro) làm cơ sở xác định lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước phù hợp nguyên tắc mà nghị định này đưa ra và bám sát diễn biến tình hình lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trong nước.
Trên cơ sở số liệu lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước tháng 11/2023 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp, lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước được VDB công bố là 8,4%/năm. Tiếp đến vào đầu tháng 2/2024, khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản cung cấp số liệu lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trong nước tháng 12/2023 với mức giảm 0,35 điểm phần trăm so với lãi suất tương ứng tháng 11/2023, VDB cũng điều chỉnh lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước xuống còn 7,72%/năm, thấp hơn 0,68 điểm phần trăm so với mức lãi suất đã được VDB công bố trước đó.
Với sự thay đổi phương pháp xác định lãi suất cho vay, cùng với những quy định cởi mở hơn về một số điều kiện tín dụng liên quan cũng như thẩm quyền của VDB theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước được đánh giá thuận tiện hơn đối với các khách hàng có dự án đầu tư thuộc danh mục được Chính phủ quy định. Theo thống kê sơ bộ, đến tháng 2/2024, đã có 104 dự án tiếp cận với các chi nhánh, sở giao dịch của VDB để thực hiện quy trình vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với nhu cầu vay vốn 67.430 tỷ đồng (trong đó nhu cầu giải ngân năm 2024 là 18.018 tỷ đồng).
Ngoài ra, với cơ chế, chính sách về tín dụng của Nhà nước ngày càng được hoàn thiện, đi vào cuộc sống, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng sẽ tạo ra một kênh cung ứng vốn đầu tư hấp dẫn để thực hiện hiệu quả hơn nữa các chương trình, dự án quan trọng, hỗ trợ phát triển các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, bảo đảm an ninh-quốc phòng, an sinh xã hội góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm, giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra ■
Nguồn: https://nhandan.vn