Từ ngày 20/7/2023, Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế (Nghị định số 29) chính thức có hiệu lực. Nghị định số 29 quy định rõ chính sách tinh giản biên chế (TGBC) đối với các trường hợp: Nghỉ hưu trước tuổi; chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước; thôi việc; nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi và thấp hơn tối thiểu trên 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; chính sách đối với đối tượng TGBC dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền đến trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp.
Ngành giáo dục vừa phải giải quyết vấn đề thiếu giáo viên vừa phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định. Trong ảnh: Cô và trò Trường THPT Đức Hợp (Kim Động)_Ảnh minh họa
Nghị định số 29 cũng quy định rõ có 3 nhóm đối tượng thực hiện chính sách TGBC gồm: Cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC); cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn, nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập dôi dư do sắp xếp lại tổ chức. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp thôn, tổ dân phố.
Cuối tháng 10 vừa qua, chị Nguyễn Thị The, Trường mầm non Bần Yên Nhân (thị xã Mỹ Hào) được Sở Nội vụ thẩm định hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định cho nghỉ công tác theo diện “nghỉ hưu trước tuổi”. Cùng với chị The còn có 3 trường hợp khác được xem xét TGBC theo Nghị định số 29 của Chính phủ đợt 2 năm 2023. Các trường hợp có đơn đề nghị xin nghỉ công tác đều được cơ quan chức năng xem xét kỹ lưỡng từ độ tuổi, số năm công tác, số năm đóng bảo hiểm xã hội, năng lực công tác… để làm căn cứ tính toán mức hỗ trợ và mức tiền lương hằng tháng nếu có.
Nghị định số 29 giúp các cơ quan, đơn vị tuyên truyền, vận động CB,CC,VC và bố trí, sắp xếp nhân lực hợp lý; giúp các ngành, địa phương thuận lợi hơn trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ TGBC, tinh gọn bộ máy và tiết kiệm nguồn ngân sách nhà nước.
Nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng về TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CB,CC,VC, đặc biệt là khi Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về TGBC được ban hành, việc TGBC trên địa bàn tỉnh nhận được sự thống nhất về nhận thức và hành động nhất quán trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện từ tỉnh đến các cơ quan, đơn vị, địa phương. Quá trình thực hiện bảo đảm công khai, dân chủ, chặt chẽ. Chế độ, chính sách TGBC được chi trả kịp thời, đúng quy định.
Theo tổng hợp của Sở Nội vụ, từ khi thực hiện Đề án TGBC trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các hội Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo số lượng người làm việc của tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2015 - 2021 theo Quyết định số 956/QĐ-UBND ngày 13/4/2018 đến nay, toàn tỉnh tinh giản được 2.339 biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đạt tỉ lệ 10,47%. Trong đó, sự nghiệp giáo dục - đào tạo giảm 295 biên chế (bao gồm chuyển sang hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp 102 biên chế; cắt giảm 193 biên chế); sự nghiệp y tế 1.727 biên chế (bao gồm chuyển sang tự chủ 140 người; thực hiện cắt giảm 177 người); sự nghiệp khác giảm 317 người, trong đó thực hiện cắt giảm 177 biên chế. Qua đó, đội ngũ CB,CC,VC của tỉnh từng bước nâng lên về chất lượng, đạt chuẩn theo quy định. Tỉ lệ CB,CC,VC hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm đạt trên 12%; hoàn thành tốt nhiệm vụ trên 80,6%... Tuy nhiên, việc TGBC chưa được như kỳ vọng và còn những bất cập, nhất là đối với các ngành y tế, giáo dục liên quan đến định mức, quy định về số lượng người làm việc đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, chất lượng dạy và học.
Để việc TGBC được thực hiện đúng với ý nghĩa và mục tiêu xây dựng bộ máy cơ quan, đơn vị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, ngoài việc quán triệt, tuyên truyền Nghị định số 29 cần có sự nhận thức đúng về TGBC; các ngành, địa phương xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức chặt chẽ, gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, khối lượng công việc, phạm vi, tính chất phức tạp của công việc đối với các vị trí việc làm; không tùy tiện trong cắt giảm, TGBC. Đổi mới thực chất công tác đánh giá CB,CC,VC bảo đảm đánh giá đúng, khách quan, trung thực, khắc phục tình trạng cào bằng, nể nang trong đánh giá. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong TGBC. Người đứng đầu phải thực sự công tâm, khách quan trong đánh giá CB,CC,VC dám làm, dám chịu trách nhiệm, không vụ lợi, không tùy tiện, biết vì mục tiêu chung trong xây dựng cơ quan, tổ chức và nền hành chính vững mạnh. Mặt khác, trong bối cảnh tỉnh còn thiếu nhiều biên chế giáo viên và nhân viên y tế so với định mức như hiện nay, nhưng vẫn phải thực hiện việc cắt giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách theo chỉ tiêu Trung ương giao và lộ trình, kế hoạch của tỉnh thì Sở Nội vụ cùng với các sở, ban, ngành, địa phương cần phối hợp tính toán thật kỹ lưỡng để phân bổ chỉ tiêu TGBC phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành nghề, để chính sách TGBC thực sự phù hợp với cuộc sống, đạt hiệu quả cao.
Nguồn: https://baohungyen.vn