Ngày 24/5/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 194-KH/TU thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 (Kế hoạch 194).
Ngay sau đó, UBND tỉnh đã nghiên cứu, ban hành các văn bản xây dựng kế hoạch, lộ trình, biện pháp thực hiện; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cập nhật, tuyên truyền các văn bản của Trung ương, của tỉnh về sắp xếp ĐVHC, các quy định của pháp luật về tiêu chí, tiêu chuẩn ĐVHC và chuẩn bị các bước rà soát, xây dựng kế hoạch, biện pháp thực hiện theo quy định.
Sau sắp xếp đơn vị hành chính, địa phương sẽ có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triểnTrong ảnh: Một góc khu dân cư xã Đức Hợp (Kim Động)
Bài 1: Nhận thức đầy đủ, chính xác thông tin về sắp xếp đơn vị hành chính
Sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm bảo đảm tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi ngân sách để ưu tiên đầu tư cho phát triển. Vì vậy, đòi hỏi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân nhận thức đầy đủ, chính xác thông tin về sắp xếp đơn vị hành chính.
Sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm tiêu chí, tiêu chuẩn
Thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã nhưng người dân chưa nắm rõ quy định của Nhà nước về ĐVHC chuẩn và ĐVHC như thế nào thì trong diện sắp xếp. Ông Nguyễn Quang Huân, xã Trung Hưng (Yên Mỹ) băn khoăn: Tôi mới chỉ thấy các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về chủ trương của Đảng, Nhà nước và các kế hoạch của tỉnh về sắp xếp ĐVHC nhưng quy định ĐVHC thế nào sẽ phải sắp xếp thì tôi không nắm được. Khi tiếp nhận thông tin, tôi băn khoăn, nếu sáp nhập xã mình với một xã lân cận sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, đời sống Nhân dân và khó khăn cho việc giải quyết thủ tục hành chính...
Suy nghĩ của ông Huân là tâm lý chung của không ít người dân ở cơ sở, mà nguyên nhân chủ yếu là do chưa được cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin. Về vấn đề này, đồng chí Lê Quang Hòa, Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định: Sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giảm sự cồng kềnh của hệ thống chính trị, giảm chi ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước, đồng thời tạo không gian phát triển thuận lợi hơn cho các địa phương. Theo Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 (Kết luận số 48) và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 (Nghị quyết 35) thì tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 - 2025 đối với cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định, nghĩa là xã có diện tích dưới 14,7km2, dân số dưới 5.600 người; thị trấn có diện tích dưới 9,8km2, dân số dưới 5.600 người; phường thuộc thị xã có diện tích dưới 3,85km2, dân số dưới 3.500 người; phường thuộc thành phố có diện tích dưới 3,85km2, dân số dưới 4.900 người. Hoặc ĐVHC có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định, nghĩa là diện tích dưới 4,2km2, dân số dưới 24.000 người. Cụ thể, thị trấn diện tích dưới 2,8km2, dân số dưới 24.000 người; phường thuộc thị xã diện tích dưới 1,1km2, dân số dưới 15.000 người; phường thuộc thành phố diện tích dưới 1,1km2, dân số dưới 21.000 người. Sau khi sắp xếp, ĐVHC mới hình thành phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, trừ trường hợp sáp nhập từ 3 ĐVHC trở lên.
Cũng theo Nghị quyết số 35, không bắt buộc sắp xếp khi ĐVHC có yếu tố đặc thù như: Vị trí biệt lập với ĐVHC khác; hình thành ổn định từ năm 1945 đến nay; có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục riêng biệt mà nếu sắp xếp với ĐVHC liền kề sẽ dẫn tới mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội; ĐVHC nông thôn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch định hướng phát triển thành ĐVHC đô thị cùng cấp trong giai đoạn 2023 - 2030 có diện tích tự nhiên, quy mô dân số đạt tiêu chuẩn của ĐVHC đô thị.
Sắp xếp đơn vị hành chính là nhiệm vụ chính trị, yêu cầu cấp thiết để tinh gọn bộ máy
Qua rà soát, đối chiếu với các tiêu chí, tiêu chuẩn quy định, giai đoạn 2023 - 2025, toàn tỉnh có 35 ĐVHC cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới tiêu chuẩn quy định, bao gồm 3 phường, 1 thị trấn và 31 xã. Số ĐVHC thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù là 10 đơn vị (9 xã, 1 phường). Dự kiến, sau giai đoạn sắp xếp này, tỉnh sẽ giảm 22 ĐVHC (1 phường, 21 xã) và có 20 ĐVHC cấp xã hình thành mới sau sắp xếp. Khi đó, toàn tỉnh sẽ có 139 ĐVHC cấp xã (13 phường, 8 thị trấn và 118 xã); dự kiến giảm tối thiểu 100 cán bộ, công chức cấp xã theo lộ trình giảm các ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2026 và giảm 62 đơn vị sự nghiệp công lập do thực hiện việc sáp nhập các trường tiểu học, trường THCS thành trường phổ thông có nhiều cấp học trên cùng một địa bàn do đồng thời thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Ghi nhận thực tế cho thấy đa số cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã nhận thức rõ việc sắp xếp ĐVHC là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là yêu cầu cấp thiết để tinh gọn bộ máy, nên đã chủ động rà soát, đối chiếu các tiêu chí, tiêu chuẩn ĐVHC; tìm tài liệu kiểm chứng về điều kiện đặc thù; dự kiến phương án nếu địa phương phải thực hiện sắp xếp sẽ bố trí các điều kiện về cơ sở vật chất, người làm việc như thế nào để bảo đảm tối tưu nhất hiệu quả hoạt động và quyền, lợi ích hợp pháp cho cả đội ngũ cán bộ, các tầng lớp Nhân dân.
Phòng Nội vụ huyện Tiên Lữ những ngày qua, bên cạnh giải quyết các nhiệm vụ công tác chuyên môn, còn tập trung nhân lực cùng các xã, thị trấn rà soát thông tin, số liệu, tìm các tài liệu kiểm chứng về thành lập ĐVHC, địa giới hành chính, quy hoạch, nhất là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị; cân nhắc các phương án sắp xếp ĐVHC phù hợp với quy định của pháp luật và lộ trình sắp xếp của Trung ương, của tỉnh bảo đảm vừa tạo không gian phát triển tốt nhất cho huyện, vừa tạo động lực cho người dân đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Sau khi rà soát, đối chiếu theo quy định về quy mô diện tích, dân số, xã Vũ Xá (Kim Động) nằm trong diện phải sáp nhập ĐVHC giai đoạn 2023 - 2025. Tại các cuộc họp Đảng ủy xã hằng tháng, Ban Thường vụ Đảng uỷ xã đã lồng ghép quán triệt nội dung các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về sắp xếp ĐVHC cho cán bộ, đảng viên như: Kết luận số 48, Kế hoạch số 194 và gần đây nhất là Chỉ thị số 51-CT/TU ngày 28/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 - 2025. Đồng thời, bàn bạc, lựa chọn và kiến nghị cơ quan chức năng phương án sắp xếp, chọn địa điểm đặt trụ sở làm việc của xã sau sáp nhập và làm công tác tư tưởng, định hướng cho cán bộ, công chức, người làm việc không chuyên trách sẵn sàng chấp hành quyết định bố trí, sắp xếp cán bộ của cơ quan chức năng; phối hợp với Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã và các tổ chức chính trị - xã hội, các chi bộ trực thuộc tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân kịp thời, chính xác thông tin.
Nguồn: https://baohungyen.vn