KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 28/01/2024 - Lượt xem: 872
Thưởng tết

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần, thời điểm này, bên cạnh việc đẩy mạnh thi đua sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đang tập trung triển khai các hoạt động chăm lo Tết chu đáo cho người lao động.

Nhanh tay lựa chọn những phần quà Tết để biếu hai bên nội, ngoại của gia đình, chị Nguyễn Thị Na, Công ty cổ phần Đức Thắng (phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên) cho biết: Công ty tôi đang làm chuyên sản xuất hàng may mặc. Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, tình trạng đơn hàng giảm nhưng công ty vẫn tìm mọi cách duy trì sản xuất và bảo đảm thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, công ty đã công bố mức thưởng Tết cho người lao động. Tuy mức thưởng không bằng Tết năm ngoái nhưng đây cũng là sự cố gắng của doanh nghiệp chăm lo đời sống cho người lao động. Với chúng tôi, khoản thưởng này rất có ý nghĩa để sắm Tết thêm tươm tất…
Sản xuất tại Công ty cổ phần sản xuất dịch vụ thương mại sản phẩm da LADODA (Văn Lâm)
(Ảnh minh hoạ)
Những ngày này, tại Công ty TNHH YURA CORPORATION VINA (xã Trưng Trắc, Văn Lâm) không khí lao động sản xuất thêm khẩn trương, nhộn nhịp. Hiện nay, công ty đang tạo việc làm cho trên 1,4 nghìn người lao động. Chị Vũ Thị Quyền, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Tuy hoạt động sản xuất của công ty trong năm 2023 gặp khó khăn nhưng với mong muốn ghi nhận những đóng góp, cống hiến người lao động sau một năm gắn bó, đồng hành cùng doanh nghiệp, Công đoàn đã chủ động đề xuất Ban Giám đốc công ty xây dựng kế hoạch trả lương, thưởng, các khoản phúc lợi cho công nhân, người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tết Nguyên đán Giáp Thìn, mỗi người lao động ở bộ phận sản xuất được thưởng tháng lương thứ 13, bình quân từ 4,7 đến 8 triệu đồng/người. Công đoàn công ty tặng mỗi người lao động một suất quà cùng 500 nghìn đồng tiền mặt… Những phần quà là lời tri ân gửi đến người lao động đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong một năm đầy khó khăn, thách thức, đồng thời cũng là chính sách để “giữ chân” người lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024.
Chị Nguyễn Thị Hoa làm việc ở công ty cho biết: Việc bố trí thưởng Tết thể hiện trách nhiệm của công ty đối với người lao động. Chúng tôi rất phấn khởi. Tôi mong muốn, năm 2024 công ty ngày càng phát triển để người lao động được làm việc và gắn bó lâu dài…
Sản xuất tại Công ty cổ phần ống đồng Toàn Phát (Văn Lâm). (Ảnh minh hoạ)
Thưởng Tết luôn là vấn đề được nhiều người lao động cũng như cả xã hội quan tâm. Tuy nhiên, đây không phải là quy định bắt buộc, thưởng hay không thưởng, mức thưởng ra sao tùy thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thỏa thuận của người sử dụng lao động với người lao động thông qua hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Năm 2023 được đánh giá có nhiều biến động với cả doanh nghiệp và người lao động, tình hình lao động, việc làm, sản xuất, kinh doanh có nhiều khó khăn. Vì thế, việc thưởng Tết vẫn là bài toán khó của nhiều doanh nghiệp trong thời điểm này. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, với tinh thần vượt khó, không để người lao động không có Tết, các doanh nghiệp nỗ lực bố trí thưởng Tết cho người lao động. Đại diện nhiều doanh nghiệp đều cho rằng, duy trì lương, thưởng Tết cũng là cách để “giữ chân” người lao động, ổn định lao động sau kỳ nghỉ Tết. Anh Lương Quang Bắc, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Bảo Hưng (thành phố Hưng Yên) cho biết: Công ty cố gắng bảo đảm đầy đủ các chế độ, quyền lợi để người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Với phương châm tất cả đoàn viên và người lao động đều có Tết, Ban Chấp hành Công đoàn đã đề xuất với Ban Giám đốc công ty về mức thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động. Hiện nay, lãnh đạo công ty căn cứ kết quả sản xuất, kinh doanh để bố trí nguồn thưởng Tết cho người lao động.
Để chăm lo đời sống cho người lao động, nhất là dịp Tết Nguyên đán, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đôn đốc, yêu cầu doanh nghiệp rà soát chế độ lương, kế hoạch thưởng và công khai sớm để người lao động yên tâm sản xuất. Đồng thời phối hợp với các ngành liên quan nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết; quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, kinh doanh... Theo kết quả tổng hợp của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại 125 doanh nghiệp, cho thấy, các doanh nghiệp đều có kế hoạch thanh toán đầy đủ các khoản trả lương, thưởng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cho người lao động. Dự kiến mức thưởng Tết Nguyên đán 2024 như sau: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng bình quân 500 nghìn đồng/người; công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, mức thưởng bình quân 15 triệu đồng/người; doanh nghiệp dân doanh mức thưởng bình quân 7 triệu đồng/người (cao nhất 300 triệu đồng/người, thấp nhất là 1 triệu đồng/người); doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mức thưởng bình quân 5,5 triệu đồng/người (cao nhất 57,1 triệu đồng/người và mức thấp nhất là 200 nghìn đồng/người). Từ đầu tháng 1 đến nay, nhiều doanh nghiệp tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhằm tri ân sự đóng góp của người lao động sau một năm làm việc và hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, xa quê có thêm điều kiện đón xuân như: Tổ chức tiệc tất niên, tổ chức chương trình Tết sum vầy...
Người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được nhận quà Tết của LĐLĐ huyện Văn Lâm
Thưởng Tết là khoản không bắt buộc, tùy vào khả năng của mỗi doanh nghiệp. Thưởng Tết, chăm lo Tết dù nhiều hay ít vẫn là sự cố gắng, nỗ lực, là tình cảm, sự sẻ chia của doanh nghiệp với người lao động. Trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp mong muốn người lao động đồng hành, gắn bó cùng doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để thu hút đơn hàng và tạo việc làm ổn định…
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan