KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 15/09/2023 - Lượt xem: 442
Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước về các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển

Ngày 14/9, tại Trụ sở Chính phủ diễn ra hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước về các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính  phủ. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối với 63 tỉnh, thành phố. Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh Hưng Yên có đồng chí Nguyễn Lê Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số ban, sở, ngành của tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong thực hiện phát triển kinh tế, xã hội. Để DNNN thực sự trở thành "lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước" dẫn dắt các thành phần kinh tế khác, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tập trung đánh giá tình hình, những thành tựu, đóng góp của DNNN, những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân chủ quan và khách quan, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực doanh nghiệp này, từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tại các DNNN.  Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); tiếp tục củng cố, phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ; vực dậy lĩnh vực công nghiệp, trong đó tập trung cho lĩnh vực chế biến, chế tạo, tháo gỡ khó khăn thị trường, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng... Cùng với đó, cần nhận định, đánh giá đúng, sát vị thế, vai trò của DNNN hiện nay, từ đó làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực DNNN phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có gần 680 DNNN (trong đó, có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chiếm gần 6% số doanh nghiệp cả nước và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, chiếm gần 2,4%) với tổng tài sản hơn 3,8 triệu tỷ đồng (trong đó, vốn Nhà nước đầu tư gần 1,7 triệu tỷ đồng; riêng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng vốn trên 1,55 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của toàn bộ doanh nghiệp cả nước).
Tại hội nghị, đại diện các DNNN đã báo cáo tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian qua; đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Trong đó, tập trung vào vấn đề cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực DNNN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển. Trong đó: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, gồm luật, nghị định, thông tư để tháo gỡ khó khăn, huy động nguồn lực, phát huy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Các DNNN phải tăng cường xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm; đồng thời căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để cụ thể hóa bằng các đề án, dự án cụ thể. Tái cơ cấu DNNN cần sát tình hình thực tế, không chỉ tập trung tái cơ cấu vốn, mà phải nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Các DNNN phải tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa vào các chương trình, dự án lớn của Nhà nước, đặc biệt là 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, các chương trình, dự án lớn đang triển khai…
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tập trung giải quyết các khó khăn, vượt qua thách thức, thực sự chia sẻ, khích lệ, khuyến khích những người làm đúng, làm tốt và cương quyết xử lý những người vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm….
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan