Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, công tác phòng, chống lãng phí trở thành một nhiệm vụ cấp bách, khẩn trương để bảo đảm sự bền vững và hiệu quả trong quản lý, sử dụng nguồn lực quốc gia. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, ngành Xây dựng đã xác định: “Phòng, chống lãng phí không chỉ là trách nhiệm chính trị, mà còn là nghĩa vụ đạo đức, biểu hiện của sự tận tâm và trách nhiệm với nhân dân”.
Ngành Xây dựng góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng hiện đại, phát triển. (Ảnh THẾ ĐẠI)
Trong bài viết với nhan đề: “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, các đoàn thể cần triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để việc chống lãng phí lan tỏa mạnh mẽ, trở thành sự tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân; trở thành văn hóa ứng xử trong thời đại mới, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh chóng. Tại bài viết này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp…
Từ nhận thức đó, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã hành động mạnh mẽ, quyết tâm thực hiện phòng, chống lãng phí. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, quyết định của Đảng, Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hằng năm, Bộ trưởng Xây dựng đã ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ, xác định rõ trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện từ lãnh đạo Bộ đến thủ trưởng các đơn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp, các Sở Xây dựng, Quy hoạch kiến trúc địa phương để chủ trì, phối hợp thực hiện. Mục tiêu chính là triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nhằm thực hiện hiệu quả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Xây dựng đã cụ thể hóa, đặt ra mục tiêu, kế hoạch trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, trong đó:
Thứ nhất, về hoàn thiện thể chế pháp luật - nền tảng của phòng chống lãng phí, Bộ xác định việc hoàn thiện thể chế pháp luật là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Thời gian qua, Bộ đã tham mưu, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các văn bản quan trọng, cũng như chủ động ban hành nhiều văn bản theo thẩm quyền nhằm tăng cường hiệu quả việc quản lý và sử dụng nguồn lực, tiêu biểu là: Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (2024), một bước tiến lớn trong việc định hướng, phát triển hệ thống đô thị bền vững, minh bạch; Nghị định số 175/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xây dựng về quản lý hoạt động xây dựng cũng đã được ban hành nhằm hỗ trợ hiệu quả trong việc giảm thiểu rủi ro, lãng phí sử dụng nguồn lực.
Bên cạnh đó, thông qua Chỉ thị số 02/CT-BXD năm 2024, tập trung vào tăng cường phòng, chống lãng phí trong toàn ngành cũng như Thông tư số 09/2024/TT-BXD bổ sung, điều chỉnh các định mức dự toán xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã khẳng định: “Hoàn thiện thể chế pháp luật là yếu tố then chốt để tăng hiệu quả quản lý và ngăn chặn lãng phí từ gốc rễ. Các văn bản chúng ta ban hành không chỉ hướng tới giải quyết vấn đề hiện tại mà còn phục vụ mục tiêu phát triển dài hạn của ngành”.
Những văn bản này không chỉ tạo dựng hành lang pháp lý chặt chẽ mà còn thúc đẩy sự công khai, minh bạch, hạn chế thất thoát, lãng phí nguồn lực trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng.
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số được coi là một trụ cột khác trong công tác phòng, chống lãng phí của Bộ Xây dựng. Năm 2024 đã ghi nhận những kết quả ấn tượng của ngành. Bộ đã hoàn thành việc số hóa hơn 3.000 đồ án quy hoạch, tích hợp dữ liệu lên Cổng Thông tin quốc gia, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin một cách minh bạch và dễ dàng hơn. Đồng thời, kết quả xử lý trực tuyến thủ tục hành chính đạt 85%, góp phần kéo giảm đáng kể chi phí và thời gian cho các bên liên quan. Chuyển đổi số không chỉ là công cụ mà còn là chiến lược để chúng ta quản lý hiệu quả hơn, chống lãng phí tốt hơn và đáp ứng kỳ vọng của người dân.
Thứ ba, về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, Bộ đã chủ động thực hiện các giải pháp tinh gọn bộ máy, cải tổ cơ cấu tổ chức. Vừa qua, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải đã rất khẩn trương phối hợp hoàn thành Đề án hợp nhất hai Bộ, dự kiến giảm hơn 45% đầu mối quản lý, đồng thời tinh giản 19,3% đầu mối cấp phòng. Những cải cách này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước.
Thứ tư, nghiên cứu và xây dựng dự thảo Luật Quản lý, phát triển đô thị - bước đi chiến lược để chống lãng phí, đây chính là một trong các mục tiêu quan trọng trong chiến lược dài hạn của Bộ Xây dựng. Dự thảo Luật Quản lý, phát triển đô thị đã được trình và thẩm định vào ngày 3/1/2025, đặt mục tiêu đưa hoạt động phát triển đô thị, hạ tầng đô thị theo quy hoạch và chương trình, kế hoạch, nhằm chấm dứt tình trạng phát triển tự phát. Đây là giải pháp quan trọng để chống lãng phí tài nguyên đất và nguồn vốn xã hội.
Dự thảo Luật nhấn mạnh về một số nội dung cốt lõi bao gồm, chống lãng phí tài nguyên đất: chương trình phát triển đô thị sát với nhu cầu tại từng giai đoạn phát triển, tránh tình trạng khu đô thị không có người ở; chống lãng phí nguồn vốn: tập trung nguồn lực vào các khu vực có tiềm năng và nhu cầu thật sự; hướng tới đô thị bền vững: đưa ra các tiêu chí phát triển đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị không chỉ là giải pháp chiến lược để chống lãng phí mà còn là công cụ định hướng tương lai phát triển đô thị bền vững của Việt Nam.
Thứ năm, công tác tuyên truyền và thanh tra được Bộ Xây dựng chú trọng và triển khai nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm phòng, chống lãng phí trong toàn ngành. Thông qua các hội thảo, hội nghị và truyền thông báo chí, tinh thần thực hành tiết kiệm đã được lan tỏa rộng rãi. Bên cạnh đó, công tác thanh tra của Bộ cũng tiếp tục đạt nhiều kết quả nổi bật thông qua việc phát hiện và xử lý hàng chục tỷ đồng sai phạm trong năm 2024.
Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống lãng phí của Bộ Xây dựng đã góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Ngành Xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời tích cực đổi mới, sáng tạo để bảo đảm nguồn lực quốc gia được sử dụng hiệu quả nhất, vì một Việt Nam phát triển bền vững và thịnh vượng.
Nguồn: https://nhandan.vn