KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 31/05/2023 - Lượt xem: 202
Tiện ích mô hình chợ 4.0

Không cần mang theo ví tiền vẫn có thể đi chợ truyền thống, mua đủ loại hàng hóa chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại. Đây là mô hình chợ 4.0 đang được áp dụng tại một số chợ lớn trên địa bàn tỉnh, được tiểu thương và người dân hưởng ứng, đánh giá cao, góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số.

Gần 1 năm nay, chị Bùi Thị Thu Thủy ở phường Hiến Nam (thành phố Hưng Yên) thường không mang theo ví tiền khi đi chợ mua thức ăn và đồ dùng cho gia đình. Chị Thủy cho biết: Những cửa hàng tôi hay mua sắm tại chợ như: quầy rau, thịt, tạp hóa… đều thực hiện số hóa trong thanh toán. Sau khi lựa chọn hàng hóa, tôi chỉ cần sử dụng điện thoại quét mã QR tại cửa hàng để chuyển khoản thanh toán. Ngoài ra, nhờ các tiện ích của công nghệ số, tôi chi trả các hóa đơn dịch vụ thiết yếu hằng ngày như tiền điện, tiền nước, tiền mạng Internet, đóng học phí cho con… rất nhanh chóng và thuận tiện. 
Thanh toán không dùng mặt bằng hình thức quét mã QR khi mua sắm tại chợ Phố Hiến
(thành phố Hưng Yên)  
Cũng như nhiều tiểu thương khác, thời gian qua, chị Đặng Thị Tươi, kinh doanh thời trang ở chợ Phố Hiến đã quen với việc nhận tiền từ khách hàng bằng hình thức chuyển tiền qua số tài khoản, chuyển tiền bằng mã QR. Hình thức giao dịch này giúp chị tiết kiệm được thời gian, không lo tính nhầm, tính thiếu, hay tiền giả, tiền rách... Chị Tươi cho biết: Từ khi triển khai mô hình chợ 4.0 đến nay, hơn 60% lượng khách hàng của tôi sử dụng hình thức này để thanh toán. Bản thân tôi cũng đỡ hẳn khâu đếm tiền, trả lại khách, nhiều khi phải chạy sang cửa hàng khác để đổi tiền.
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Tỉnh ủy về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030, tháng 4/2022, Sở Công thương phối hợp với Viettel Hưng Yên triển khai mô hình chợ 4.0 – mua sắm không dùng tiền tại 7 chợ trên địa bàn tỉnh, gồm: chợ Phố Hiến và chợ Gạo (thành phố Hưng Yên); chợ Phủ và chợ Đông Tảo (huyện Khoái Châu); chợ Mễ Sở và chợ Văn Giang (huyện Văn Giang); chợ Đình Trà (xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ). Mỗi mô hình có từ 50 đến 100 tiểu thương tham gia thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt thông qua ứng dụng thanh toán của Viettel và các tài khoản ngân hàng khác. Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay mô hình chợ 4.0 phát huy hiệu quả cao, giúp tiểu thương và người dân tận dụng các lợi ích của xu hướng thanh toán số, góp phần tích cực hưởng ứng chuyển đổi số trong các hoạt động giao thương.
Ông Trần Thế Anh, Trưởng phòng Dịch vụ số (Viettel Hưng Yên) cho biết: Để tham gia mua bán tại chợ 4.0, tiểu thương chỉ cần chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, số điện thoại chính chủ, sẽ có nhân viên của Viettel Hưng Yên hỗ trợ tạo tài khoản Viettel Money để giao dịch, việc lập tài khoản chỉ trong vài phút. Các điểm kinh doanh được trang bị bảng quét mã QR để khách hàng dễ thanh toán. Ngay cả khi điện thoại của khách hàng không có kết nối internet cũng vẫn có thể thanh toán được thông qua việc nhập mã trên điện thoại. Hiện nay, tại các chợ triển khai mô hình, 80 – 90% tiểu thương sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. 
Là một trong những chợ đầu mối lớn của tỉnh, mỗi ngày, chợ Đông Tảo, xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu) tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản các loại phục vụ thị trường. Chợ gồm 2 khu vực: Khu vực kinh doanh hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng, dân sinh có 141 ki ốt với 181 hộ, hằng ngày họp từ 5 giờ sáng đến 11 giờ trưa; khu vực chợ đầu mối chủ yếu kinh doanh rau, củ, quả và hàng nông sản, hoạt động từ 16 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Anh Nguyễn Văn Ngạn, Trưởng Ban quản lý chợ Đông Tảo cho biết: Hiện nay, phần lớn các tiểu thương kinh doanh tại chợ mở tài khoản ngân hàng để khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Với đặc thù khách hàng đến chợ mua buôn với số lượng lớn hàng nông sản nên cơ bản lựa chọn thanh toán bằng hình thức chuyển tiền qua số tài khoản hoặc chuyển bằng mã QR. Ban quản lý chợ đẩy mạnh tuyên truyền đến các tiểu thương và người dân hiểu được những tiện ích mà hình thức thanh toán không dùng tiền mặt mang lại. 
Chị Nguyễn Thị Hường, tiểu thương tại chợ Đông Tảo chia sẻ: Tôi khuyến khích khách hàng của mình thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, khách mua hàng xong mở điện thoại, quét mã QR của các ngân hàng mà mình đã cài đặt thẻ để thanh toán. Nhờ vậy, cuối ngày bán hàng tôi không phải dồn tiền để vào ngân hàng gửi chuyển trả tiền hàng cho các đối tác, tiết kiệm thời gian, đồng thời kiểm soát được thu, chi trong ngày dễ dàng. 
Theo đánh giá của Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương): Mô hình chợ 4.0 là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng chủ trương chuyển đối số của tỉnh, góp phần tạo nền tảng phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh. Mô hình chợ 4.0 tuy mới được triển khai thực hiện song đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người sử dụng, góp phần thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân… Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, đặc biệt là các tiểu thương hiểu được những lợi ích mang lại khi thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, lựa chọn các chợ bảo đảm đủ điều kiện để triển khai nhân rộng mô hình chợ 4.0, tiến tới mục tiêu “phủ sóng” toàn bộ 104 chợ trên địa bàn tỉnh… 
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan