KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 11/09/2023 - Lượt xem: 214
Tiên Lữ: Chăn nuôi an toàn sinh học hướng đến phát triển bền vững

Hiện nay, huyện Tiên Lữ có hơn 2.000 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó, hình thành 48 điểm chăn nuôi tập trung xa khu dân cư đã được quy hoạch ở 12/15 xã, thị trấn. Thời gian qua, với việc áp dụng phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, lĩnh vực chăn nuôi của huyện đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.
Chị Lê Thị Nguyệt, xã Hải Triều (Tiên Lữ) chăn nuôi gà khép kín
Nhằm thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học hướng đến phát triển bền vững, từ đầu năm đến nay, huyện đã tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi khoảng 100 triệu đồng trong công tác phòng, trừ dịch bệnh, hỗ trợ về con giống, thức ăn và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phối hợp cùng các đơn vị liên quan triển khai, hỗ trợ nông dân thực hiện nhiều đề án, mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, áp dụng quy trình VietGAHP như: Đề án giống vật nuôi; xây dựng quy hoạch chăn nuôi; thực hiện các dự án, đề án, mô hình phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP; hỗ trợ xây dựng hầm khí sinh học, đệm lót sinh học… Các mô hình khi thực hiện đều thành công, được nông dân ngày càng phát triển, nhân rộng.
Với mục tiêu giảm tỉ trọng chăn nuôi nông hộ, tăng tỉ trọng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP, huyện khuyến cáo hộ chăn nuôi cần lưu ý một số kỹ thuật như: Các hộ nuôi cần kiểm soát chặt chẽ mối nguy, mầm bệnh từ bên ngoài, khu vực chăn nuôi cách xa nhà ở, có hàng rào ngăn cách với các khu vực khác; hạn chế ra vào khu vực chăn nuôi; trước cổng khu vực chăn nuôi và ở mỗi dãy chuồng phải có hố sát trùng; thường xuyên, định kỳ tiêu độc, khử trùng dụng cụ chăn nuôi và khu vực chăn nuôi; chất thải chăn nuôi phải được thu gom và xử lý bằng các biện pháp thích hợp; chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý tốt đàn vật nuôi thông qua việc cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch cho vật nuôi; chuồng nuôi bảo đảm đúng quy cách, mật độ nuôi hợp lý và vật nuôi được tiêm phòng định kỳ; con giống phải có nguồn gốc, giấy kiểm định chất lượng, trước khi nhập vật nuôi phải nuôi cách ly theo quy định...
Năm 2017, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ chăn nuôi Đức Thắng, xã Đức Thắng từng bước chuyển đổi chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi an toàn sinh học. Anh Vũ Minh Chiến, Giám đốc HTX Dịch vụ chăn nuôi Đức Thắng cho biết: Từ khi áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đàn lợn của HTX được phòng, chống dịch tốt và chất lượng thịt xuất chuồng luôn bảo đảm, đồng đều, được các công ty chế biến thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh đến tận nơi thu mua. Trong quá trình sản xuất, thành viên của HTX luôn theo dõi sát sao, đánh giá chi tiết, ghi chép đầy đủ các giai đoạn phát triển của lợn, đồng thời, bảo đảm tuân thủ các quy định vệ sinh chuồng trại, kiểm soát dịch bệnh.
Chị Lê Thị Nguyệt ở xã Hải Triều là một trong những hộ có nhiều năm kinh nghiệm trong chăn nuôi gà với quy mô chuồng nuôi rộng trên 1.500 m2, số lượng 8.000 con gà đẻ siêu trứng. Để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường, đồng thời, tạo ra những sản phẩm sạch, phục vụ người tiêu dùng, chị Nguyệt đã áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng VietGAHP, mô hình chăn nuôi được tách biệt với nhà dân và đầu tư khép kín. Quy trình chăn nuôi được chị ghi chép, theo dõi hằng ngày, bảo đảm 3 tiêu chí: Con giống an toàn, thức ăn an toàn, an toàn dịch bệnh. Chị Nguyệt cho biết: Trước kia, khi tôi chăn nuôi theo phương pháp truyền thống, gà rất dễ bị bệnh về đường hô hấp, đường ruột, tăng trọng thấp... Tuy nhiên, từ khi tuân thủ theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, tôi nhận thấy đàn gà có sức đề kháng tốt hơn, giảm tỉ lệ mắc các bệnh đường tiêu hóa. Tôi đã đầu tư hệ thống chuồng nuôi khép kín, mái che được thiết kế cách nhiệt, giúp nhiệt độ trong chuồng luôn ổn định theo mùa, nền chuồng được rải một lớp trấu dày sử dụng thêm chế phẩm vi sinh để tạo độ tơi xốp, hạn chế tối đa việc gà bị dịch bệnh, tạo môi trường phát triển tốt nhất cho đàn gà.
Thực tế tại các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm đang áp dụng theo hướng an toàn sinh học, quy trình VietGAHP cho thấy, việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đang trở thành hướng đi tất yếu, hiệu quả và thân thiện với môi trường, điển hình như: Ứng dụng công nghệ chuồng kín; sử dụng hệ thống máng ăn tự động cho lợn; sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc xử lý chất thải và xây dựng bể biogas; mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh giúp tăng sức đề kháng, giảm khẩu phần thức ăn, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, khử mùi hôi, nâng cao sản lượng, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trên thị trường… được các hộ chăn nuôi địa phương áp dụng thực hiện.
Đồng chí Trần Văn Hạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiên Lữ cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ chăn nuôi an toàn sinh học cho các cơ sở chăn nuôi, tạo điều kiện nhằm thúc đẩy xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi an toàn, khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chú trọng phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị hướng đến an toàn, bền vững… Từ đó, tạo cơ sở để các hộ chăn nuôi yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm các tiêu chí về vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan