KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 04/12/2023 - Lượt xem: 488
Tiên Lữ: Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn

Thời gian gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Tiên Lữ có bước phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, gắn với nhu cầu thị trường, trong đó ưu tiên phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP.

Nông dân xã Thiện Phiến ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất
Thực hiện Đề án số 01-ĐA/HU, ngày 28/11/2021 của Huyện ủy Tiên Lữ về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2021-2025; nhiệm vụ tái cơ cấu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hàng hóa, hiện đại hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có nhiều đổi mới tích cực.
Ông Nguyễn Văn Uyển, nông dân xã Ngô Quyền cho biết: Năm 2019, tôi áp dụng trồng cây ăn quả theo quy trình VietGAP. Áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất giúp giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật; năng suất, chất lượng sản phẩm sau thu hoạch tăng lên. Nhờ sản xuất an toàn nên bưởi quả khi thu hoạch được giá, đắt hàng hơn. Với 2 mẫu trồng bưởi Diễn theo hướng VietGAP, mỗi năm, tôi thu lãi trên 200 triệu đồng.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn ở huyện Tiên Lữ hiện nay phát triển ngày càng đa dạng. Mỗi mô hình đều gắn với phát triển bền vững, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, gắn với bảo vệ môi trường. Không chỉ đem lại nguồn thực phẩm an toàn, đây đều là mô hình kinh tế hiệu quả để tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân. Để nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn, từ năm 2021 đến nay, huyện đã tổ chức 21 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ 2.750 hộp đựng nhãn quả tươi, kích hoạt hơn 600.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các hợp tác xã, tổ hợp tác có sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm OCOP tham gia xúc tiến thương mại; hỗ trợ 253 tấn phân hữu cơ vi sinh cho nông dân có diện tích cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận VietGAP; hỗ trợ ghép mắt, cải tạo nhãn được 31,82 héc-ta, trồng mới 1.679 cây vải trứng; hỗ trợ cấp chứng nhận mới lần đầu VietGAHP cho 4 trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt sinh sản ở các xã: Đức Thắng, Thiện Phiến, Hưng Đạo, Lệ Xá, Trung Dũng... Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đã áp dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất như: Nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống camera...
Ông Phạm Quốc Vượng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Bình Minh (xã Thiện Phiến) cho biết: Mục tiêu của HTX là thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, để mỗi thành viên tham gia sản xuất tại HTX đều hiểu và tạo ra sản phẩm tốt cho cộng đồng, hướng tới sản xuất bền vững. Để sản xuất rau an toàn, HTX đã đầu tư xây dựng hơn 10 nghìn m2 nhà lưới, nhà màng và trên 15 héc-ta đất sản xuất tự nhiên. Bên cạnh đó, HTX liên kết hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với hơn 15 hộ nông dân trong xã. Để điều hành và quản lý quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên tất cả diện tích sản xuất, các thành viên của HTX và các hộ nông dân tham gia liên kết với HTX đều được tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất rau an toàn từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch… Đặc biệt, HTX luôn kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm theo nguyên tắc “4 đúng”. Nhờ đó, đến nay, HTX đã sản xuất ổn định với nhiều loại rau, củ, quả đa dạng, chất lượng; sản lượng đạt hơn 30 tấn rau các loại/tháng, doanh thu đạt 3-4 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt 10-15%.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất, nhiều HTX, trang trại, cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đang từng bước gây dựng và khẳng định được thương hiệu sản phẩm. Đến nay, giá trị thu trên 1 héc-ta đất canh tác của huyện đạt 242 triệu đồng/năm. Toàn huyện đã chứng nhận mới và chứng nhận lại VietGAP cho 23 tổ chức, cá nhân. Nhiều mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản chất lượng cao và an toàn được xây dựng; đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung như: Vùng sản xuất rau xã Thiện Phiến; vùng cây ăn quả ở các xã: Nhật Tân, Thủ Sỹ, Hải Triều, Ngô Quyền, Hưng Đạo; vùng trồng hoa, cây cảnh xã Thụy Lôi… Qua đó, không chỉ đem đến cho người tiêu dùng nhiều sản phẩm nông nghiệp tốt mà còn góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp của huyện.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan