KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 15/12/2023 - Lượt xem: 381
Tiên Lữ sản xuất vụ đông theo hướng hàng hóa

Vụ đông năm 2023, huyện Tiên Lữ gieo trồng 795 héc-ta. Để nâng cao giá trị cây trồng và bảo đảm tiêu thụ sản phẩm, ngay từ đầu vụ, huyện định hướng, tuyên truyền để nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây ngắn ngày, dễ tiêu thụ và có giá trị cao vào gieo trồng.

Nông dân xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) chăm sóc cây cà chua vụ đông
Nông dân xã Nhật Tân những năm gần đây chú trọng chuyển đổi từ nhóm cây trồng vụ đông có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị cao hơn, đầu ra tương đối ổn định, từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân. Vụ đông năm nay, toàn xã trồng trên 50 héc-ta, trong đó, chủ yếu là cây dưa chuột, ngô, rau màu các loại.
Tại cánh đồng thôn Cao Đông, từ sáng sớm nông dân đã tập trung chăm sóc, thu hoạch cây vụ đông, khắp cánh đồng phủ kín màu xanh của dưa chuột, ngô, rau màu các loại. Ông Nguyễn Khắc Tuấn ở thôn Cao Đông cho biết: Gia đình tôi trồng 1,6 mẫu cây vụ đông gồm 1 mẫu dưa chuột, 6 sào cần tây, tỏi tây. Từ nhiều năm nay, gia đình tôi trồng dưa chuột 2 vụ chính là vụ xuân hè và vụ đông. Dưa chuột vụ đông dễ trồng, dễ chăm sóc, năng suất cao, giá trị thu nhập cao hơn so với trồng các loại rau màu khác. Mỗi sào dưa chuột cho thu hoạch 1,5 tấn/vụ, với giá bán 5.000 - 10.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận trên 5 triệu đồng. Các loại rau như cần tây, tỏi tây cũng tiêu thụ thuận lợi, được thương lái đến tận ruộng thu mua. Năm nay, gia đình tôi ước thu khoảng 100 triệu đồng từ cây vụ đông.
Cùng với xã Nhật Tân, hiện nay, nông dân các xã: Thiện Phiến, Hưng Đạo, Ngô Quyền... cũng đang tích cực ra đồng chăm sóc, thu hoạch cây vụ đông. Với lợi thế nằm ven sông Luộc, xã Thiện Phiến duy trì hiệu quả sản xuất vụ đông, nhất là phát triển các loại cây trồng có giá trị hàng hóa. Đây là hướng đi giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động tại địa phương. Đồng chí Đào Tân Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Phiến cho biết: Giá trị thu nhập trên 1 héc-ta canh tác cây vụ đông đạt trên 110 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa, do vậy nhiều năm trở lại đây, nông dân trong xã tích cực duy trì sản xuất. Năm nay, nông dân trong xã trồng khoảng 60 héc-ta cây vụ đông, chủ yếu là cà chua, ngô, khoai tây, rau màu các loại.
Bà Trần Thị Điều ở thôn Toàn Tiến, xã Thiện Phiến cho biết: Làm vụ đông tuy vất vả nhưng thu nhập trung bình cũng được 5 - 10 triệu đồng/sào. Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng 6 sào gồm: Cà chua, cải bắp, su hào… Để bảo đảm năng suất, tôi áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật như lên luống cao, bổ sung phân ủ hoai mục và xuống giống đúng thời vụ. So với một số cây trồng khác, cây cà chua có ưu thế vượt trội trên đồng đất tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với những loại cây trồng khác.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiên Lữ, vụ đông năm nay, toàn huyện gieo trồng 140 héc-ta ngô; 100 héc-ta bí các loại; 30 héc-ta khoai tây; 515 héc-ta rau màu; dược liệu, hoa cây cảnh 10 héc-ta. Hiện nay, các loại cây vụ đông đang sinh trưởng, phát triển tốt, một số loại đang thu hoạch, đạt giá trị kinh tế bước đầu khá cao. Sản xuất vụ đông hàng hóa đã tạo việc làm và thu nhập khá cho người dân khu vực nông thôn. Với cây ngô, hay bí xanh, bí đỏ cho giá trị thu nhập đạt 3 - 3,5 triệu đồng/sào/vụ. Những loại cây này người dân có thể trồng với diện tích lớn do không cần quá nhiều công lao động. Cây dưa chuột, cà chua cho giá trị thu nhập cao gấp 2 – 3 lần trở lên so với ngô, bí xanh, bí đỏ, tương đương 6 - 10 triệu đồng/sào/vụ, có vụ đạt 10 - 15 triệu đồng/sào.
Để nâng cao giá trị kinh tế cho các loại rau màu vụ đông, huyện Tiên Lữ khuyến khích nông dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng nông sản thông qua các mô hình sản xuất rau màu an toàn đồng thời tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, nông dân nhiều địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tham gia trồng khảo nghiệm và lựa chọn các giống mới cho năng suất, chất lượng tốt, phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện canh tác, để dần thay thế các giống cũ bị thoái hóa.
Ngoài ra, huyện tuyên truyền nông dân ứng dụng các biện pháp kỹ thuật vào canh tác, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Thực hiện tốt công tác dự báo tình hình phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh, đồng thời hướng dẫn nông dân tổ chức phòng, trừ kịp thời; khuyến khích các hợp tác xã chủ động cung ứng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân. Ngoài các cây trồng chủ lực như ngô, rau các loại, các địa phương tiếp tục mở rộng diện tích những cây có thị trường tiêu thụ tốt như: cà chua, dưa chuột, khoai tây... Tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, trồng rau trong nhà lưới theo quy trình VietGAP. Duy trì ổn định việc sản xuất của các vùng trồng cây vụ đông chuyên canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại các xã: Nhật Tân, Hưng Đạo, Thiện Phiến... Hiện nay, UBND huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm bảo vệ thực vật, UBND các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ và thông báo diễn biến tình hình sâu bệnh hại để kịp thời có biện pháp phòng trừ, không để sâu bệnh làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng các loại cây trồng vụ đông...
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan