Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trang sử vẻ vang, chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Với sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Ðảng, cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, đã đập tan ách phát - xít Nhật, lật đổ sự thống trị của thực dân Pháp, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Ðình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Tuyên ngôn độc lập khẳng định đanh thép: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Khu công nghiệp Thăng Long II thu hút nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản đầu tư sản xuất, kinh doanh
Với truyền thống của miền quê cách mạng và văn hiến, hòa chung khí thế sôi sục của cả nước trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ở Hưng Yên, lực lượng Việt Minh đã lãnh đạo Nhân dân vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền thành công. Trải qua các giai đoạn cách mạng, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh ra sức thi đua yêu nước, khai thác tốt mọi tiềm năng, tranh thủ những điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Ðảng, tỉnh vận dụng sáng tạo, phù hợp tình hình thực tiễn, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, đồng lòng thực hiện khát vọng phát triển, từng bước vươn lên trở thành tỉnh mạnh trong cả nước. Nếu ai đó lâu ngày có dịp trở lại Hưng Yên thì sẽ không khỏi ngạc nhiên vì sao một tỉnh có điểm xuất phát thấp, sau 27 năm tái lập lại đổi thay một cách mạnh mẽ đến vậy. Trong xu thế hội nhập, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Hưng Yên “mở cửa” mời gọi đầu tư, ban hành những quy định ưu đãi thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Các khu công nghiệp tập trung hình thành, hàng loạt nhà máy, công ty đua vai san sát, hiển hiện sức sống hiện đại. Toàn tỉnh có 15 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam, trong đó có một số khu công nghiệp hiện đại mang tính kiểu mẫu. Sự góp mặt của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trên địa bàn không chỉ tăng thêm nguồn thu ngân sách nhà nước mà còn làm thay đổi cơ bản cơ cấu lao động. Nhiều lao động nông nghiệp đã được chuyển đổi việc làm, từng bước thích nghi với tác phong công nghiệp. Bên cạnh đó, với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bức tranh nông thôn mới đã hiển hiện sắc nét, sinh động. Hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Tỉnh đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Ðiểm nổi bật mà bất kỳ ai khi đến Hưng Yên cũng đều cảm nhận rõ là hạ tầng giao thông thuận lợi. Mạng lưới giao thông được đầu tư xây dựng, các tuyến đường phẳng phiu, rộng rãi, là động lực cho sự phát triển. Ðây là kết quả rõ nét của khâu “đột phá” trong thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh khoá XVIII, khoá XIX. Từ các tuyến quốc lộ qua địa phận tỉnh, tuyến đường tỉnh đến các tuyến đường thôn, xóm, đường ra đồng đều được kiên cố hóa, không chỉ thuận lợi cho Nhân dân đi lại mà còn thúc đẩy giao thương, thu hút đầu tư vào địa bàn.
Ðánh giá sự phát triển của Hưng Yên trong thời gian qua, có người đã nói một cách hình ảnh rằng: Không vươn vai mạnh mẽ như Phù Ðổng, sự phát triển của Hưng Yên tự nhiên như quá trình từ chiếc nụ trở thành bông hoa rồi kết trái. Sự phát triển tương đối vững chắc, toàn diện, hợp với quy luật. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 10,05%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 9%), đưa tỉnh Hưng Yên vươn lên mức tăng trưởng cao thứ 4/11 tỉnh đồng bằng sông Hồng, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mức tăng trưởng này đã vượt mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (mục tiêu tăng từ 7,5 đến 8%/năm). Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm, Nhân dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ðặc biệt, ngày 10/6/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 489/QÐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên; bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Tầm nhìn đến năm 2050: Tỉnh Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là nơi đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; là trung tâm kết nối giữa các địa phương trong vùng và cả nước… Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hưng Yên bồi đắp thêm tinh thần yêu nước, đoàn kết vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương giàu đẹp, thực hiện có hiệu quả công cuộc đổi mới do Ðảng khởi xướng và lãnh đạo. Các ngành, địa phương chủ động thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành các nhiệm vụ của năm 2024, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX, xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nguồn: https://baohungyen.vn