KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 30/07/2023 - Lượt xem: 238
Tiếp tục khơi thông dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh

Sáu tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình, gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3,0%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới. Với nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành ngân hàng, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm, góp phần làm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, nền kinh tế.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng BIDV.
Đáng chú ý, sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng, và có các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, nhiều ngân hàng thương mại đã thông báo cam kết giảm tiếp lãi suất cho vay với mức lãi suất giảm từ 0,5-1,5%/năm. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022. Dự báo mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Tăng cơ hội tiếp cận vốn
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm tới nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã liên tục điều chỉnh giảm bốn lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2%/năm. Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình, gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới.
Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tăng khả năng hấp thụ vốn là một trong những mục tiêu trọng tâm trong điều hành chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nhiều giải pháp, chính sách đã được nhà điều hành đưa ra để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Theo đó, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng và chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Tiếp đến, nhằm cung ứng thêm vốn tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. “Đây là nỗ lực của ngành ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm thấp hơn so với kịch bản đề ra, các nguồn vốn trong nền kinh tế khó khăn”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Tính đến cuối tháng 6/2023, đã có hơn 18.800 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; tổng dư nợ (gốc, lãi) được cơ cấu giữ nguyên nhóm là gần 62.500 tỷ đồng. Mặc dù sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang yếu, nhưng với sự “chia lửa” của ngành ngân hàng thông qua triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, tín dụng đang dần cải thiện. Đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt hơn 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022.
Giảm tiếp lãi suất
Có thể thấy, trong bối cảnh khó khăn chung, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Đặc biệt, hai tháng gần đây ngành ngân hàng đã có rất nhiều đợt giảm lãi suất. “Những động thái như vậy đã góp phần tích cực vào việc giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh nhìn nhận.
Tuy nhiên, do tác động chung của nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, cầu tín dụng giảm và sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế khó khăn, khiến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thấp hơn so cùng kỳ năm 2022. Để nỗ lực khơi thông dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú cho biết, trong sáu tháng đầu năm, BIDV đã rà soát thủ tục cấp tín dụng, đơn giản hóa và áp dụng công nghệ vào quy trình cấp tín dụng, tích cực nghiên cứu phát triển các sản phẩm ứng dụng kỹ thuật số hóa, đặc biệt xây dựng cơ chế cấp tín dụng theo phương thức, phương tiện điện tử,…
Đồng thời, BIDV đã đưa ra 25 gói tín dụng ưu đãi với tổng quy mô 484.000 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp 0,5-2%/năm, đối với khách hàng cá nhân 1-1,5%/năm để hỗ trợ phục hồi kinh tế. “Sáu tháng cuối năm, BIDV tiếp tục tập trung vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; rà soát các quy trình, nghiệp vụ, gia tăng hạn mức công nghệ, tiếp tục hạ lãi suất cho vay, thực hiện các chương trình hỗ trợ lãi suất,…”, ông Phan Đức Tú nêu rõ.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh, thời gian tới, Vietcombank sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc đơn giản hóa và số hóa quy trình cho vay, tiếp tục tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thể triển khai tốt hơn các chủ trương, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Tùng đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét điều chỉnh giảm chỉ tiêu “tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập” trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm, miễn phí dịch vụ cho khách hàng, tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, đề nghị xem xét ghi nhận lợi nhuận giảm do thực hiện các chương trình giảm lãi suất, giảm và miễn phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khi đánh giá việc thực hiện kế hoạch lợi nhuận hằng năm của các ngân hàng thương mại nhà nước, trong đó có Vietcombank.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết thêm, với tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, hiện nay, Ngân hàng đang khẩn trương rà soát thủ tục, quy trình cho vay và các loại phí, lệ phí tổ chức tín dụng đang áp dụng để xem xét, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết.
Định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Ngoài ra, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; chú trọng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, các chương trình tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội…
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan