Hội nghị đã dành một phút mặc niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nhà lãnh đạo có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc; Nhà văn hóa lớn, nhân cách văn hóa lớn hết lòng vì Đảng, vì dân.
Tại cuộc họp, đại diện Ban cán sự Đảng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã báo cáo tình hình, kết quả thực hiện đường lối phát triển văn hoá của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đánh giá khái quát kết quả thực hiện công tác xây dựng thể chế văn hoá; kết quả triển khai Chiến lược phát triển Văn hoá đến năm 2030; công tác xây dựng và triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; đồng thời đề xuất những chủ trương, chính sách, giải pháp định hướng chiến lược phát triển văn hoá, thể thao, du lịch trong giai đoạn mới.
|
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL phát biểu tại buổi làm việc
|
Sau khi đại diện Ban cán sự đảng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch báo cáo, hội nghị đã thảo luận, trao đổi ý kiến. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Ban cán sự Đảng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển ngành theo nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Mặc dù trong điều kiện khó khăn, thách thức bởi bối cảnh trong nước và quốc tế đang đặt ra nhưng ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống pháp luật về văn hóa đã từng bước được thể chế hóa, tạo khung khổ pháp lý cho sự phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam theo đường lối, chủ trương của Đảng; xây dựng môi trường văn hoá đã được chú trọng, nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của từng vùng, miền được kế thừa. Đời sống văn hoá của nhân dân không ngừng được cải thiện. Xã hội hóa văn hóa ngày càng mở rộng, hệ thống thiết chế văn hoá được đầu tư và từng bước chuyển đổi cơ chế, đổi mới về phương thức hoạt động; chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá từng bước được nâng cao. Các hội văn học nghệ thuật phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình văn học nghệ thuật từng bước được củng cố; bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc có chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành cơ chế xử lý hài hòa giữa bảo vệ di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; đa dạng hoá nguồn lực từ xã hội dành cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, nâng cao nhận thức và gắn kết hiệu quả giá trị di sản với phát triển du lịch; công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực đã đạt những thành tích căn bản: tăng cả về số lượng và chất lượng; đầu tư cho văn hóa ở nhiều địa phương đã gia tăng, đạt gần mức chỉ tiêu đặt ra….
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn trong lĩnh vực hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, gợi mở một số vấn đề mà Ban cán sự Đảng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, như: cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm tạo nên hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chuẩn hoá quy trình quản lý văn hóa, kiện toàn bộ máy của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch theo hướng tinh gọn, hiệu quả; quan tâm xây dựng các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch…
Đoàn công tác cũng đã ghi nhận và tổng hợp những kiến nghị của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để báo cáo Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/