KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 27/02/2024 - Lượt xem: 530
Tiêu chuẩn Xanh, kinh tế tuần hoàn: Chuyển đổi để thúc đẩy xuất khẩu bền vững

Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp đa dạng hóa ngành hàng và thị trường xuất khẩu, chủ động cải tiến công nghệ để hàng hoá có giá trị gia tăng cao, đáp ứng tiêu chuẩn Xanh, kinh tế tuần hoàn.

Hoạt động thông quan, thúc đẩy xuất nhập khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Theo dự báo của Bộ Công Thương, Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ tiếp tục là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trong năm 2024 với nhiều cơ hội gia tăng trở lại các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Song, cũng có khá nhiều thách thức mà doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu cần biết để có hướng đi phù hợp, đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường xuất khẩu này đặt ra.
Cần cạnh tranh về giá
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt khoảng 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm trước. Cũng trong năm vừa qua, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ thu về khoảng 96,78 tỷ USD, còn thị trường EU ước đạt 44,05 tỷ USD.
Đánh giá về hoạt động xuất nhập khẩu, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) nhận định đã có một số điểm sáng đáng kể ở thị trường EU, đặc biệt là Bỉ với dự báo khả năng xuất khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng sẽ gia tăng trong năm 2024 vào các thị trường này. Cụ thể hơn, lạm phát hiện đã giảm rất nhiều, thu nhập của người dân đã tăng mạnh trở lại, đồng thời giá năng lượng đã dần ổn định, chuỗi cung ứng cũng dần được khôi phục.
Ông Quân cho rằng tăng trưởng thương mại của EU sẽ có sự khôi phục tăng trưởng khoảng 1,7% đối với chiều nhập khẩu vào EU và khoảng 1,1% đối với chiều xuất khẩu từ EU đi các nước khác (thay vì giảm hơn 15% trong hoạt động thương mại quốc tế của khối này trong năm 2023).
Mặc dù đã nhìn thấy những triển vọng lạc quan sau hơn 2 năm rất khó khăn tại thị trường Liên minh châu Âu, song do người dân vẫn chưa mạnh tay mua sắm nên cạnh tranh về giá trong năm 2024 được coi là một trong những ưu tiên tại thị trường này mà doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần quan tâm, chú trọng.
Ông Trần Ngọc Quân nhấn mạnh ngoài những yếu tố về giá thì các quy định về nhập khẩu trong năm 2024 sẽ được thực hiện rất nhiều, chủ yếu liên quan đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững và những vấn đề phát triển Xanh và sạch. Cụ thể là các cơ chế cân bằng carbon được áp dụng có liên quan trực tiếp đối với mặt hàng xuất khẩu như thép, xi măng, phân bón bắt đầu được áp dụng từ tháng 6/2024.
Theo đó, các doanh nghiệp liên quan phải khai báo các bảng kê khai liên quan của EU tương đối phức tạp và cần có thời gian nghiên cứu; đối với các nhóm sản phẩm quy định về trách nhiệm đến hạn của quy định chống phá rừng của EU cũng sẽ áp dụng từ tháng 6/2024, yêu cầu các mặt hàng liên quan như xuất khẩu càphê, đồ gỗ, cao su phải thực hiện chứng nhận chống phá rừng và bộ quy định này cũng tương đối chi tiết và kỹ thuật, đòi hỏi tất cả doanh nghiệp của chúng ta có liên quan là phải kê khai chuẩn bị dữ liệu..
Doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn cao để thúc đẩy xuất khẩu bền vững. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Bên canh đó, trong năm 2024 EU tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm đối với tất cả các nhóm hàng thực phẩm nhập khẩu vào Liên minh châu Âu. Cũng trong năm nay, EU cũng dự định đưa ra các quy chế về Ecodesign (thiết kế sinh thái) trong ngành dệt may với yêu cầu giảm thiểu tối đa những vấn đề rác thải trong lĩnh vực dệt may. Đối với mặt hàng nông sản thì chương trình “từ nông trại đến bàn ăn” cũng dự kiến đưa ra quy định về chống rác thải thực vật... Tất cả cho thấy các quy định về kinh tế Xanh, sạch sẽ ngày càng được áp dụng nhiều hơn tại Liên minh châu Âu.
Năm 2024, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã bước vào năm thứ tư thực thi. Việc cắt giảm thuế đã tạo ra cơ hội khác biệt lớn tại thị trường châu Âu giữa Việt Nam và đối thủ cạnh tranh ở nhiều nước châu Á đang rất mong có hiệp định thương mại tự do với EU.
"Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động tiếp thu kiến thức và nâng cao hiểu biết về các tiêu chuẩn và quy định của EU để tận dụng tối đa lợi ích từ hiệp định EVFTA, trong đó tập trung vào việc nâng cao quản lý, chất lượng nhân lực, đổi mới công nghệ, nhanh chóng xây dựng và phát triển thương hiệu, cũng như thiết lập chiến lược kinh doanh dài hạn tại thị trường này,” ông Trần Ngọc Quân nói.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, theo dự báo năm 2024, tăng trưởng GDP của nước này sẽ đạt từ 1,7-2% trong năm 2024, sẽ tạo cơ hội khôi phục tăng trưởng cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong thời gian tới, như mặt hàng dệt may, da giày, linh kiện điện tử, thủy sản…
Mặc dù vậy, theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, việc tìm cách giảm nhập khẩu để bảo vệ các ngành hàng sản xuất trong nước của Hoa Kỳ cũng sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Vì vậy, cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường.
“Các đơn vị chức năng cần tăng cường mối liên hệ qua các nền tảng trực tuyến để phát huy vai trò của Thương vụ tại địa bàn, đồng thời bảo vệ kịp thời quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam,” ông Đỗ Ngọc Hưng đề xuất.
Xanh hóa để xuất khẩu
Hiện Việt Nam đang nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, trong đó, Mỹ là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đó là EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Ngành dệt may Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay định hướng phát triển của ngành dệt may Việt Nam là tiến dần lên các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Xa hơn nữa, đến năm 2035, đóng góp chủ yếu vào giá trị xuất khẩu dệt may sẽ đến từ xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Muốn thực hiện được quá trình chuyển đổi này, rất cần quyết tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong sản xuất bền vững, Xanh hóa và Chuyển đổi Số. Đưa công nghệ vào quy trình sản xuất và kinh doanh, doanh nghiệp đang thích nghi dần với những đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, bắt buộc sử dụng nguyên liệu tái chế...
“Các doanh nghiệp buộc phải có những thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất đã giúp các doanh nghiệp trong ngành dệt may giảm chi phí, nâng cao năng suất, tạo ra những sản phẩm chất lượng phù hợp với xu hướng,” ông Vũ Đức Giang nói.
Còn theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phúc Sinh Group, khi hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) được thực thi, không chỉ doanh nghiệp Việt mà nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cũng tận dụng việc giảm thuế từ Việt Nam sang châu Âu để xuất khẩu, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất nhiều trong cùng một mặt hàng xuất khẩu.
Đáng chú ý, trước đây phần nguyên liệu hầu như các doanh nghiệp châu Âu ít đầu tư, nhưng sau khi có (EVFTA), họ quay lại đầu tư để cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt Nam.
“Đây là điều thúc đẩy các doanh nghiệp nội phải thay đổi quản lý, thay đổi sáng tạo, thay đổi cách làm để phù hợp có thể cạnh tranh được với một thị trường mở,” ông Phạm Minh Thông bầy tỏ.
Sản xuất Xanh là cơ hội để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Để hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó hai thị trường là EU và Mỹ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân yêu cầu các Tham tán Thương mại phải phân tích ngay những hàng rào kỹ thuật các nước đã đặt ra, từ đó thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp có thể nắm bắt được các tiêu chuẩn và quy chuẩn của nhà nhập khẩu, nhằm nâng cao hơn nữa khả năng xuất khẩu hàng hóa…
Bên cạnh đó, để tận dụng cơ hội và phát triển xuất khẩu bền vững tại các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, đại diện Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp đẩy mạnh đa dạng hóa ngành hàng và thị trường xuất khẩu, đồng thời, chủ động cải tiến công nghệ để hàng hoá có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng chế biến sâu, đáp ứng tiêu chuẩn kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất lao động, tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu../.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn
Tin liên quan