MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI – MỪNG ĐẢNG QUANG VINH – MỪNG XUÂN ẤT TỴ 2025
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 21/02/2025 - Lượt xem: 14
Tín ngưỡng thờ nước trong nông nghiệp của người Hưng Yên

Hưng Yên là vùng văn hóa phù sa lâu đời, từ những buổi đầu dựng nước, người Việt cổ đã đến nơi đây quần cư từ đó thành xóm thành làng. Di chỉ khảo cổ học được tìm thấy ở Ðộng Xá, thị trấn Lương Bằng, Kim Ðộng như: Mộ thuyền, trống đồng, mũi tên đồng… niên đại cách ngày nay 3000 năm; hay như câu chuyện về chàng trai nghèo Chử Ðồng Tử kết duyên với công chúa Tiên Dung (con gái vua Hùng), rồi cùng nhau dạy dân biết trồng lúa, trồng đay, đã minh chứng cho nhận định trên.


Lễ hội Cầu mưa, xã Lạc Hồng (Văn Lâm). Ảnh tư liệu

Trải qua quá trình định cư lâu dài, người Hưng Yên đã chọn nghề trồng lúa nước làm gốc rễ của nền kinh tế “dĩ nông vi bản”. Dựa vào  ưu thế của hệ thống các con sông: Sông Hồng, sông Thái Bình, sông Luộc… người dân đã biết tưới tiêu, canh tác, thâm canh nông nghiệp. Trong tâm thức người Hưng Yên, dòng sông Hồng không chỉ cung cấp nguồn nước, bồi đắp đất đai màu mỡ, mà được người dân vô cùng kính trọng đặt tên gọi thiêng liêng: Sông Cái (Mẹ của các dòng sông), khởi nguồn cho nền văn minh của người Việt - văn minh Văn Lang - Âu Lạc.

Gắn bó với nghề trồng lúa nước từ bao đời nay, người Hưng Yên cho rằng tất cả mọi khởi nguồn của sự sống vạn vật, phải bắt đầu từ “nước”; là một trong những yếu tố cấu thành lên vạn vật, thế gian. Vì vậy, khởi đầu cho một chu trình sinh sôi bắt đầu từ mùa xuân, và khởi đầu cho quá trình phát triển đó phải bắt đầu từ nguồn nước.

Nước là nhân tố quan trọng tác động trực tiếp, hoặc gián tiếp tới đời sống xã hội và con người. Nước cần thiết cho sản xuất nông nghiệp. Nước giúp con người duy trì sự sống. Vai trò của nước đối với đời sống xã hội và con người chính là phát nguyên của tín ngưỡng thờ nước, phổ biến trong các lễ hội truyền thống của người dân Hưng Yên từ xưa đến nay.

Trước dòng chảy thời gian và những thăng trầm lịch sử, người dân thôn Chấn Ðông, xã Hoàn Long (Yên Mỹ) vẫn giữ được giếng làng và phong tục độc đáo xin nước đêm giao thừa để cầu tài, cầu lộc khi năm mới đến. Trong quan niệm của người dân nơi đây, nếu trong nhà năm ấy, Tết mà thiếu nước phải đi gánh, thì năm ấy làm ăn chắc chắn sẽ kém vì mùa màng không đủ nước. Vì vậy, không phải một nhà mà cả làng, cả xã, phải chăm lo gánh nước về cho đủ ba ngày Tết.

Câu ca “Ðại Hạnh có đồng, Chấn Ðông có giếng” là câu thành ngữ ăn sâu vào tiềm thức người dân Chấn Ðông với niềm tự hào khi nói về giếng cổ làng mình.

Theo tương truyền, giếng làng Chấn Ðông hình thành do quá trình vỡ đê Phi Liệt (Văn Giang) dưới thời vua Tự Ðức. Nơi đây là suối nguồn trong mát nuôi lớn bao tâm hồn là nơi diễn ra phong tục gánh nước linh thiêng trong đêm giao thừa.

Vào đêm giao thừa, nhà nhà, người người mang những chiếc vại nhỏ, quảy trên đôi quang gánh, xếp thành hàng đứng vòng quanh giếng đợi khi tiếng chuông trong miếu vang lên báo hiệu năm cũ đã qua, năm mới đã đến, họ lần lượt xuống giếng lấy nước. Mặc dù rất đông người, nhưng không ai chen lấn, xô đẩy, và họ cũng kiêng không nói với ai câu nào, chỉ chào nhau bằng ánh mắt, nụ cười. Các cụ cao niên ở Chấn Ðông cho rằng, xin nước phải đúng giao thừa thì mới linh thiêng, khi người xin nước về đến nhà, phải dùng nước đó đổ xung quanh sân nhà với ước vọng năm mới gia đình tài lộc tràn trề như nước.

Hòa chung không khí trong những ngày đầu xuân, lễ hội Chử Ðồng Tử - Tiên Dung diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 2 âm lịch, thuộc xã Bình Minh, huyện Khoái Châu và xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, mang nhiều ý nghĩa văn hóa, tín ngưỡng.

Trong lễ hội, nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi, được Nhân dân hưởng ứng, tham gia; đặc sắc nhất là mỹ tục rước nước từ giữa dòng sông Hồng. Buổi sáng ngày 10/2, đám rước xuất phát từ đền Dạ Trạch đi ra bờ sông Hồng. Người dân trong trang phục lễ hội cổ truyền khiêng kiệu Ðức thánh Chử cùng kiệu nhị vị phu nhân, đi ra bờ sông Hồng. Ðến bờ sông, các kiệu, nghi trượng để cả trên bờ. Chỉ có đôi rồng và chiếc kiệu khiêng bình nước được mang xuống thuyền. Việc lấy nước là một việc được người dân trong vùng rất coi trọng. Người ta quan niệm năm nào việc lấy nước thuận lợi, không gặp trục trặc gì thì năm đó dân trong vùng sẽ làm ăn thuận lợi.

Bởi vậy người coi việc lấy nước là hai cụ cao niên có uy tín trong làng, còn những người khiêng kiệu là 8 cô thanh nữ trong trang phục thướt tha, lịch thiệp.

Nước lấy xong, đám rước quay trở lại đền với đôi rồng dẫn đầu. Chỉ đến khi nào lấy nước xong, bình nước được làm lễ trọng thể rồi đem thờ trong đền thì ban tổ chức mới được bắt đầu khai mạc hội. Ðó là truyền thống đã có từ thời xa xưa. Bình nước được đem đặt lên ban thờ trong cả năm và đợi đến đám rước năm sau mới thay nước. Lễ dâng nước và lễ khai mạc diễn ra trong tiếng trống nhộn nhịp, tươi vui làm người xem dễ liên tưởng đến âm thanh tươi vui của thôn xóm rộn rã trong ngày mùa vui.

Những người cao tuổi ở đây nói việc rước nước không chỉ mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn sung túc mà còn thể hiện nét tín ngưỡng sâu sắc; nhằm tưởng nhớ về thánh Chử Ðồng Tử cùng với nhị vị phu nhân đã dạy dân biết trồng lúa nước, trồng dâu, nuôi tằm.

Với lễ hội Cầu mưa ở xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, gắn liền với tín ngưỡng thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Ðiện) có từ lâu đời, là lễ hội mang đậm nét văn hóa của người dân Hưng Yên, thể hiện mong ước chinh phục thiên nhiên, cầu mưa thuận gió hòa, cầu phồn thực no đủ, thiên hạ thịnh vượng, phồn vinh, vạn vật sinh sôi, nảy nở.

Trong dân gian vẫn gọi bốn bà lần lượt là bà Cả, bà Quê, bà Huế và bà Tông. Vào những năm hạn hán kéo dài, dân các làng thuộc tổng Thái Lạc xưa lại tiến hành làm lễ cầu đảo và rước Tứ Pháp cộng đồng để cầu cho mưa xuống, mùa màng tươi tốt.

Ngày 6/3 âm lịch hằng năm là ngày hội chính, trong ngày này diễn ra nghi lễ rước bà Pháp Lôi, Pháp Vũ xuống chùa Thái Lạc thờ bà Pháp Vân. Ngày 7/3 tổ chức lễ Rước nước sau đó rước ba bà Pháp Lôi, Pháp Vũ, Pháp Vân về ngự tại chùa Hồng Thái thờ bà Pháp Ðiện. Ngày 8/3, Nhân dân sẽ rước các bà hoàn cung về ngự tại chùa của mình và tiến hành lễ Yên vị.

Lễ hội Cầu mưa cùng với tín ngưỡng thờ Tứ Pháp ở Hưng Yên phản ánh quá trình du nhập, phát triển của Phật giáo vào Việt Nam và quá trình khai phá vùng đất này. Lễ hội cũng phần nào phản ánh tập quán sử dụng nước của cư dân trong sản xuất nông nghiệp, dẫn thủy nhập điền.

Lễ hội cầu mưa góp phần cân bằng đời sống tâm linh, thỏa mãn nhu cầu tinh thần của cá nhân, cộng đồng; cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; bảo lưu và trao truyền các giá trị văn hóa của cộng đồng từ thế hệ này sang thế hệ khác.  

Sự tồn tại của tín ngưỡng thờ nước của người dân Hưng Yên cho thấy sự  tôn quý nguồn nước của cộng đồng. Dù mang nhiều hình thức khác nhau nhưng đều mang ý nghĩa nhắc nhớ về cội nguồn dân tộc về ý nghĩa vô cùng cần thiết của nước đối với sự sống và môi trường.

Ngày nay, xã hội phát triển, con người sống hiện đại hơn, những điều xưa cũ đang dần bị mai một nhưng tín ngưỡng thờ nước cũng như những nghi thức rước nước trong các lễ hội dân gian của người Hưng Yên chắc chắn vẫn được lưu truyền.

Theo đánh giá của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Quang Khải nhận định: “Chừng nào còn sản xuất nông nghiệp, còn có các sản vật nông nghiệp thì chừng đó tín ngưỡng thờ nước hay nghi thức rước nước linh thiêng chắc chắn vẫn còn tồn tại trong tâm thức và đời sống văn hóa của cư dân…”.

Nguồn: https://baohungyen.vn/

Tin liên quan