Thời gian qua, tình trạng lừa đảo trực tuyến đang ngày càng gia tăng với nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi, khó lường.
Ảnh minh họa.
Bên cạnh việc mạo danh cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người có uy tín,… gần đây một số đối tượng còn sử dụng danh tính của những nhân vật có tiếng tăm trên mạng xã hội, thậm chí dùng cả các “giang hồ mạng” để trục lợi.
Thực tế này cho thấy nếu không đề cao cảnh giác, tỉnh táo khi kết nối, thực hiện các giao dịch thì người dùng mạng xã hội rất có thể bị sập bẫy lừa đảo bất cứ lúc nào.
Tình trạng lừa đảo trực tuyến đang ngày càng phức tạp, khó lường. Nạn nhân của lừa đảo trực tuyến thuộc mọi lứa tuổi, ngành nghề, thậm chí có cả những người học rộng hiểu nhiều, đã hoặc đang giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan, đơn vị. Đáng lo ngại là các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn, xây dựng những kịch bản tinh vi, xảo quyệt nên nhiều người dù đã được cảnh báo từ trước đó nhưng vẫn bị dẫn dắt, mê hoặc để rồi trở thành nạn nhân trong sự ấm ức.
Giai đoạn trước, đối tượng lừa đảo thường mạo danh cán bộ các cơ quan tư pháp để gọi điện cho người bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan một vụ án, chuyên án mà cơ quan công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân...; yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng để rồi tìm cách chiếm đoạt. Gần đây, liên quan việc làm định danh cá nhân trên VneID, các đối tượng lừa đảo tự xưng là công an phường, gọi điện yêu cầu người dân ra hoàn tất thủ tục trên online bằng việc cung cấp cho chúng các thông tin bằng việc đăng nhập đường link giả ứng dụng VneID.
Cùng với thủ đoạn tương tự, tháng 3 vừa qua là tháng cao điểm quyết toán thuế, các đối tượng lừa đảo giả mạo cán bộ thuế gọi điện thoại hoặc nhắn tin, cung cấp đường link rồi hướng dẫn người nộp cài đặt phần mềm giả mạo cơ quan thuế và thực hiện việc quyết toán thuế trên đó. Sau khi người dân hoàn tất việc xác thực bằng khuôn mặt, vân tay, số căn cước công dân các đối tượng lập tức chiếm quyền kiểm soát điện thoại lấy cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng rồi tiến hành chiếm đoạt tài sản.
Trong những trường hợp nêu trên, không ít người dân cả tin nhanh chóng bị mắc bẫy trước danh xưng “người Nhà nước đang thực thi công vụ”, chấp nhận thực hiện các chỉ dẫn vì cho rằng điều đó giúp bảo vệ quyền lợi của mình.
Đó là chưa kể gần đây lừa đảo trực tuyến nở rộ việc mạo danh tổ chức, doanh nghiệp, người nổi tiếng, hoặc dùng ứng dụng deepfake đóng giả người thân, bạn bè để vay mượn tiền.
Mặt khác, từ nhiều vụ việc diễn ra cho thấy các đối tượng nghiên cứu rất kỹ “con mồi”, để đưa ra những “tư vấn chuyên nghiệp”, áp dụng các thủ đoạn hòng thao túng tâm lý nạn nhân mà nếu không phải người có bản lĩnh, tỉnh táo sẽ rất dễ bị dẫn dụ và rơi vào ma trận lừa đảo của kẻ xấu.
Tuy nhiên, thông tin mới đây về một “giang hồ mạng” có nhiều phát ngôn gây sốc, có mối quan hệ thân thiết với nhiều “dân anh chị”, từng vào trại cai nghiện cũng được một số đối tượng mạo danh để lừa đảo trục lợi đã khiến dư luận hết sức bất ngờ.
Liên quan sự việc này, ngày 28/3 vừa qua, tại cuộc họp báo quý I/2024 của UBND thành phố Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt giữ 14 bị can, trong đó có 7 bị can bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, dưới hình thức giả danh các tài khoản mạng liên quan Huấn Hoa Hồng (tên thật là Bùi Xuân Huấn) để cho vay tín chấp.
Thủ đoạn các đối tượng sử dụng là lợi dụng Huấn Hoa Hồng có nhiều người theo dõi trên trang mạng xã hội, thường xuyên phát trực tiếp và đăng tải hình ảnh, video chia sẻ về của cải, vật chất, khoe mối quan hệ với các đối tượng xã hội, các bị can đã lập các tài khoản Facebook, Zalo giả liên quan “Huấn Hoa Hồng”. Song song với việc sử dụng các hình ảnh của Bùi Xuân Huấn, các đối tượng lừa đảo còn thường xuyên chạy quảng cáo dịch vụ cho vay tín chấp không cần tài sản cầm cố, đồng thời yêu cầu người có nhu cầu kết bạn qua Zalo, số điện thoại để được tư vấn.
Thực chất đây là chiêu thức để lôi kéo, dẫn dụ người bị hại chuyển tiền phí đặt cọc, phí bảo hiểm hoặc phí giải ngân khoản vay hòng chiếm đoạt tài sản. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra xác định 7 bị can đã chiếm đoạt 526 triệu đồng của 34 bị hại.
Trước đó, ngày 26/3, Công an tỉnh Lạng Sơn cũng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Quang Linh, sinh năm 2001 tuổi, trú tại Ứng Hòa, Hà Nội để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Cụ thể, Nguyễn Quang Linh thông qua hội nhóm trên mạng đã mua các tài khoản Facebook tên “Huấn” như “Huấn Hoa Hồng”, “Huấn Linh”, “Bùi Huấn”, “Bùi Xuân Huấn”… để làm dịch vụ cho vay online.
Với mỗi “con mồi” có nhu cầu vay tiền, Linh đều yêu cầu nộp cọc tùy theo số tiền muốn vay, đồng thời phải đóng thêm các khoản phí như xác thực tài khoản, chứng minh khả năng chi trả. Có khách hàng đã chuyển tiền cọc cho Linh đến hàng trăm triệu đồng và vẫn đinh ninh mình đang giao dịch với Huấn Hoa Hồng. Ngay sau khi tiền về tài khoản, Linh lập tức chặn mọi liên lạc với khách hàng.
Vụ việc mạo danh một “giang hồ mạng” đã cho thấy các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời xuất hiện những hình thức mới, dạng thức mới. Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo rất khó đoán định, bất chấp, sẵn sàng sử dụng mọi chiêu trò.
Các đối tượng thậm chí đã tận dụng ngay cả việc một cá nhân nổi danh trên không gian mạng ảo với những chiêu thức gây sốc, phản cảm để tạo sự chú ý của người sử dụng mạng. Hoặc tìm cách khai thác, trục lợi từ thực trạng những “giá trị” ảo được xác lập một cách ồn ào, chóng vánh trên mạng xã hội nhưng đã vượt ra khỏi không gian của mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo.
Thực tế này cũng dấy lên sự lo ngại về tác động của vụ việc đến nhận thức, tâm lý của giới trẻ đối với vấn đề xây dựng giá trị, thương hiệu cá nhân. Hiện nay, có một bộ phận người trẻ xuất hiện tâm lý sùng bái, học đòi “thần tượng mạng”, thích nổi danh trên mạng xã hội nên sẵn sàng thực hiện bằng mọi cách, kể cả thực hiện những hành vi, phát ngôn gây sốc, phản cảm vì cho rằng như vậy mới “ngầu”, mới “chất”.
Như trước đây một “giang hồ mạng” là Khá Bảnh (tên thật là Ngô Bá Khá) thường xuyên có những hành vi phản văn hóa như đốt xe, chửi bới, cổ xúy bạo lực, và năm 2019 đã bị Tòa án tuyên phạt 10 năm 6 tháng tù giam với cả hai tội danh đánh bạc và tổ chức đánh bạc song vẫn được một bộ phận giới trẻ coi là “thần tượng”, học đòi theo.
Thậm chí, một số người trẻ tin rằng việc nổi danh trên mạng không chỉ giúp mình nổi tiếng, trở nên có “quyền lực”, được cộng đồng mạng tung hô, mà thậm chí còn giúp kiếm được nhiều tiền. Hiện trạng này khiến chúng ta không khỏi lo lắng về sự lệch chuẩn trong nhận thức của một bộ phận giới trẻ.
Diễn biến từ các vụ việc nêu trên cũng đang gây những băn khoăn trong dư luận. Con số hàng chục nạn nhân bị sập bẫy bởi danh xưng giả mạo một cá nhân tai tiếng trên mạng xã hội, để rồi bị mất tiền phần nào bộc lộ những lỗ hổng rất lớn trong nhận thức cũng như lối sống, quan điểm sống của một bộ phận người sử dụng mạng xã hội hiện nay.
Tại sao có những cá nhân dễ dàng sập bẫy từ một người chưa từng gặp mặt, chỉ qua những thông tin được “nổ” trên mạng, chưa kể đối tượng được mạo danh lại là một “giang hồ mạng” bị dư luận, báo chí không ít lần lên án, phê phán để rồi sẵn sàng chuyển ngay số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng?
Phần lớn những nạn nhân bị sập bẫy lừa đảo trực tuyến thời gian gần đây do thiếu thông tin, bị giăng bẫy một cách tinh vi, thiếu cảnh giác… và do nhẹ dạ cả tin, đặt niềm tin không đúng chỗ.
Niềm tin rõ ràng cần phải được xây dựng từ sự hiểu biết, từ những căn cứ khả tín chứ tuyệt đối không thể từ những giá trị ảo được tô vẽ nên, tạo cơ hội cho những đối tượng xấu trục lợi. Cần thấy rằng nếu không có sự tỉnh táo, thận trọng và cơ sở vững chắc trong việc xây dựng sự tin tưởng thì sẽ còn nhiều người tiếp tục bị sập bẫy lừa đảo như đã từng xảy ra thời gian qua.
Để tự bảo vệ mình, nhất là trong bối cảnh lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng, hơn lúc nào hết người dân cần đề cao cảnh giác, trang bị kiến thức phòng vệ cho bản thân, thường xuyên cập nhật thông tin, nhất là những khuyến cáo của cơ quan chức năng. Một nguyên tắc tối thiểu cần tuân thủ, đó là tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng trên website, ứng dụng không tin cậy, không giao dịch nếu chưa rõ danh tính đối tượng.
Với trường hợp xưng danh người thân, bạn bè để thực hiện những giao dịch bất bình thường thì người tiếp nhận thông tin cũng cần kiểm tra lại một cách cẩn trọng vì những chiêu trò lừa đảo tinh vi ứng dụng công nghệ cao đang ngày càng phổ biến.
Đồng thời, không tải hoặc vay tiền qua ứng dụng di động không rõ nguồn gốc và hoạt động trái phép, không truy cập đường link lạ để tránh lộ lọt thông tin, danh bạ, hình ảnh cá nhân, hoặc bị đối tượng lợi dụng để vi phạm pháp luật.
Khi tiếp nhận những tin nhắn, điện thoại có dấu hiệu nghi ngờ, người dân cần lưu lại các tin nhắn, ghi âm các cuộc trao đổi đồng thời báo cáo tới cơ quan chức năng để nhận tư vấn kịp thời, tránh sập bẫy lừa đảo. Việc làm này cũng sẽ giúp cơ quan chức năng nhanh chóng nắm bắt các diễn biến mới xuất hiện để có biện pháp ứng phó, đồng thời có cơ chế phù hợp giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
Từ các vụ việc thời gian qua, cũng cần đề cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao, các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới. Theo đó, các đơn vị này cần có giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nữa với người dùng, yêu cầu xác thực tài khoản chính chủ, tránh việc giả mạo để thực hiện những mục đích xấu. Đặc biệt, với những tài khoản có các hoạt động bất hợp pháp như “tín dụng đen”, cá độ cờ bạc, buôn bán chất cấm,… cần phải kiên quyết ngăn chặn và loại bỏ, tuyệt đối không cho phép quảng cáo trên các nền tảng mạng. Làm tốt điều này sẽ góp phần thiết lập môi trường mạng lành mạnh, an toàn.
Nguồn: https://nhandan.vn