KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin trong tỉnh
Đăng ngày: 26/04/2023 - Lượt xem: 632
Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới

Ngày 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới (Chỉ thị số 24). Dự hội nghị có các đồng chí: Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thầy thuốc Nhân dân, tiến sĩ Đỗ Thế Lộc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y Việt Nam. Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh…

Các đại biểu dự hội nghị
Theo báo cáo tại hội nghị, trong 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển nền đông y trên địa bàn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 22-Ctr/TU ngày 17/6/2009 về việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW. Tỉnh ủy đã triển khai Chỉ thị số 24, Chương trình hành động số 22-Ctr/TU tới các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, sở, ngành, đơn vị liên quan. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 24, Chương trình hành động số 22-Ctr/TU đến cán bộ, đảng viên, nhân viên ngành y tế, hội viên hội đông y.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1 Bệnh viện y dược cổ truyền, 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và 10 trung tâm y tế tuyến huyện có khoa y học cổ truyền. Các cấp hội đông y gồm Hội đông y tỉnh, 10 hội đông y cấp huyện, 6 chi hội trực thuộc tỉnh hội, hội đông y cấp xã. Trong 15 năm qua, trên 4,2 triệu lượt người khám, điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền tại các cơ sở y tế, trên 2 triệu lượt người khám, điều trị tại hội đông y các cấp.
Tỉnh thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở khám, chữa bệnh và các cơ sở đào tạo, dạy nghề y, dược học cổ truyền; ưu đãi đầu tư phát triển trồng dược liệu quy mô tập trung, sản xuất thuốc đông y…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, kinh phí, chính sách dành cho y học cổ truyền còn hạn chế; vùng trồng dược liệu y học cổ truyền còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, chế biến còn thô sơ; cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền còn thiếu…
Dưới sự điều hành của đồng chí Đào Hồng Vận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các đại biểu tham luận làm rõ hơn kết quả thực hiện Chỉ thị số 24, đề xuất những giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng phương pháp y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao chất lượng hoạt động của hội đông y các cấp.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, lĩnh vực khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và hội đông y các cấp trên địa bàn tỉnh đã được củng cố, kiện toàn và đóng góp quan trọng trong công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. Chất lượng khám, điều trị bệnh bằng y học cổ truyền được nâng lên; một số loại bệnh điều trị đạt hiệu quả cao. Công tác sưu tầm, kế thừa và phổ biến những bài thuốc hay đã đạt được kết quả quan trọng. Việc nuôi trồng dược liệu dần được quan tâm đầu tư...
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 24, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu, thời gian tới cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các địa phương, đơn vị trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau: Không ngừng nâng cao nhận thức của cấp uỷ các cấp trong vận dụng, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển nền y học cổ truyền. Tuyên truyền, thông tin đầy đủ về các phương pháp điều trị của đông y, giúp Nhân dân có thông tin chính xác, khoa học về tác dụng, hiệu quả, thành tựu của đông y. Bên cạnh đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động đông y các cấp, quan tâm kiện toàn phát triển tổ chức hội và hỗ trợ các điều kiện cần thiết để hội hoạt động hiệu quả. Đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về đông y, đông dược. Nâng cao y đức đối với cán bộ làm chuyên môn đông y, nhất là các lương y có phòng chẩn trị tư nhân; bảo đảm số lượng, nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ làm công tác đông y ở các cơ sở y tế, không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp theo phương châm “giỏi về y lý, tinh thông về y thuật, trong sáng về đạo đức”. Khuyến khích các lương y có đủ điều kiện và tiêu chuẩn mở các phòng chẩn trị tư nhân hoặc các loại hình liên kết khác để khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền theo quy định của pháp luật. Tiếp tục xây dựng, duy trì có hiệu quả các vườn thuốc nam, nhân rộng mô hình xã điển hình tiên tiến về y học cổ truyền, xây dựng vùng chuyên trồng và chế biến dược liệu. Hội Đông y tỉnh tiếp tục quan tâm kiện toàn tổ chức hội để xây dựng lực lượng vững mạnh; khích lệ, động viên, tạo điều kiện cho các lương y hoạt động, phát triển. Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển các bài thuốc quý trong dân gian để trở thành các sản phẩm thương mại, các bài thuốc có hiệu quả và giá trị kinh tế cao...
Đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Bằng khen cho các tập thể
Tại hội nghị, 11 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 24 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan