Đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định cụ thể đối tượng, chính sách đặc thù trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, nhằm bảo đảm minh bạch, đúng mục tiêu và tránh lạm quyền, lợi ích nhóm trong quá trình triển khai.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. (Ảnh: BÙI GIANG)
Sáng 16/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Bảo đảm Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật sử dụng hiệu quả, đúng mục đích
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương), việc Quốc hội ban hành một nghị quyết chuyên biệt, có tính đột phá, nhằm tạo cơ chế đặc thù về tài chính, nhân lực, công nghệ cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là hoàn toàn xứng đáng và đúng tầm với vai trò quan trọng, chiến lược của công tác này.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) phát biểu tại hội trường. (Ảnh: BÙI GIANG)
Góp ý về việc thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật, đại biểu cho rằng điều này sẽ giúp đa dạng hóa nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tính linh hoạt, hỗ trợ kịp thời cho những đề án, dự án không được nhà nước cấp kinh phí hoặc cần bổ sung kinh phí phù hợp.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần làm rõ tính khả thi trong việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách. Thực tế cho thấy, chúng ta đã thành lập một số quỹ ngoài ngân sách nhưng việc huy động nguồn lực rất khó khăn và công tác triển khai sử dụng nguồn kinh phí của một số quỹ cũng chưa thực sự hiệu quả. Hơn nữa, việc vận động đóng góp cho công tác xây dựng pháp luật thường khó cạnh tranh so với các lĩnh vực xã hội dễ thu hút tài trợ hơn như y tế, giáo dục, môi trường… Do đó, cần xem xét nghiên cứu xây dựng cơ chế cụ thể để khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đồng hành cùng quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật.
Đồng thời, theo đại biểu, cần có quy định rõ ràng, hợp lý hơn về tỷ lệ và giới hạn sử dụng nguồn tài chính từ quỹ so với nguồn ngân sách nhà nước trong một nhiệm vụ xây dựng chính sách, pháp luật, để bảo đảm sự cân đối trong việc sử dụng và phân bổ các nguồn lực tài chính. Việc phân bổ tỷ lệ cần dựa trên nguyên tắc ưu tiên cho các nhiệm vụ chưa được ngân sách bố trí hoặc các nhiệm vụ cần hỗ trợ đột xuất, linh hoạt, nhanh chóng.
Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn thành phố Hà Nội) chỉ ra, thời gian qua rất nhiều luật đã ban hành quỹ, nhưng công tác sử dụng hiệu quả quỹ như thế nào cần phải đặt ra xem xét. Theo đại biểu, việc thành lập quỹ để tổ chức triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW là đúng, nhưng ngay trong Nghị quyết số 66-NQ/TW cũng yêu cầu chống lợi ích nhóm, chống lãng phí trong xây dựng thể chế và kể cả trong tổ chức thi hành pháp luật.
Do đó, đại biểu đề nghị cần phải nhận diện để làm sao khi quỹ này đưa vào thực hiện đúng mục đích, đúng tôn chỉ và rút kinh nghiệm được những vấn đề mà hiện nay rất nhiều quỹ tài chính ngoài nhà nước theo các luật chuyên ngành đã được thành lập nhưng sử dụng không hiệu quả.
Kiểm soát chặt chẽ, phòng chống lạm quyền, lợi ích nhóm
Bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành nghị quyết để thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, các cơ chế, chính sách sẽ tạo động lực để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) phát biểu tại hội trường. (Ảnh: BÙI GIANG)
Cùng với cơ chế đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu đề nghị cần thể chế hóa Quy định số 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật như: bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng trong kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng lạm dụng chức vụ, quyền hạn tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, bảo vệ Đảng viên, cán bộ, công chức viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Liên quan đến quy định về chịu trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan ở Khoản 7 Điều 4, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn thành phố Huế) cho rằng nên quy định điều kiện ràng buộc rõ về trách nhiệm giải trình, kiểm tra, thanh tra, công khai đối với việc “quyết định nội dung chi” để tăng cường phòng chống lạm quyền, lợi ích nhóm.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung, chỉnh lý dự thảo như sau: “chịu trách nhiệm giải trình trước cấp có thẩm quyền; chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý, cơ quan kiểm toán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan”.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn thành phố Huế) phát biểu tại hội trường. (Ảnh: BÙI GIANG)
Về quy định thu hút, sử dụng tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ, hoạt động trong công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp xây dựng pháp luật, đại biểu chỉ ra quy định “chịu trách nhiệm về chất lượng, kết quả thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, hoạt động được giao” còn chung chung, khó định lượng, nhất là trong trường hợp để xảy ra sai phạm, lãng phí, chất lượng kém hoặc vi phạm quy định về bảo mật, đối ngoại.
Khoản 4 Điều 7 dự thảo nghị quyết quy định: Thu nhập từ công tác xây dựng pháp luật theo quy định tại nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh), để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ và tránh bị lợi dụng khi triển khai, nên giới hạn phạm vi miễn thuế trong một khoảng thời gian cụ thể gắn với từng nhiệm vụ, dự án hoặc công việc được giao thay vì áp dụng đại trà kéo dài không thời hạn. Theo đó, có thể quy định rằng khoản thu nhập được miễn thuế chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện nhiệm vụ hoặc trong phạm vi các dự án, đề án do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. (Ảnh: BÙI GIANG)
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, rất nhiều ý kiến của đại biểu rất tâm huyết, trách nhiệm, hợp lý và xác đáng và các ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự nhất trí rất cao với việc ban hành nghị quyết này để thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị và để khắc phục những bất cập, hạn chế những điểm nghẽn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong điều kiện hiện nay.
Về nguyên tắc áp dụng cơ chế chính sách đặc biệt, vượt trội, Bộ trưởng cho hay, các đại biểu đều khẳng định là cần phải đúng đối tượng được thụ hưởng theo Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị và việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội phải gắn với việc nâng cao chất lượng của công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật và đồng thời gắn với quyền đi đôi trách nhiệm, có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực phòng chống tham nhũng để không được lạm dụng và trục lợi chính sách. Những nội dung này Ban soạn thảo hoàn toàn đồng tình và sẽ bổ sung những nguyên tắc và nội dung cụ thể vào dự thảo nghị quyết.
Về mức khoán chi ở phụ lục 2, tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng cho biết sẽ rà soát để giảm mức khoán chi này, tránh việc cao so với mặt bằng chung và các công việc khác của các cơ quan Nhà nước.
Để tránh hướng lái chính sách và lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến này trong quá trình xây dựng Nghị định của Chính phủ về Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật.
Nguồn: https://nhandan.vn