Lựa chọn những giống cây trồng có năng suất ổn định, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của ngoại cảnh và sâu bệnh hại, thích ứng với biến đổi khí hậu để bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng chủ lực của tỉnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị thu nhập trên cùng một diện tích canh tác là mục tiêu mà ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã và đang thực hiện.
Giống lúa TBR87 gieo cấy ở vụ mùa cho năng suất 70 tạ/héc-ta
Dự án “Tăng cường khảo nghiệm để phát triển nhanh những giống cây trồng mới phục vụ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025” (viết tắt là Dự án khảo nghiệm giống cây trồng) với mục tiêu thực hiện khảo nghiệm và trình diễn các giống cây trồng như lúa, hoa, ngô, cây rau màu ngắn ngày. Phấn đấu chọn được 5-6 giống lúa; 3-4 giống rau màu và hoa các loại có năng suất, chất lượng tốt, dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao để bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh. Xây dựng được 3-5 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác mới trên cây trồng theo hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững để nông dân các địa phương tham quan, học tập, áp dụng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Thực hiện Dự án khảo nghiệm giống cây trồng, đối với cây lúa, vụ mùa năm nay, Ban quản lý Dự án khảo nghiệm giống cây trồng đã tổ chức triển khai khảo nghiệm, trình diễn một số giống lúa mới có nhiều tiềm năng. Trong đó, mô hình sản xuất tập trung được triển khai tại xã Đình Cao (Phù Cừ) với diện tích giống lúa TBR87 là 15 héc-ta, giống lúa TBR279 là 2 héc-ta. Trong đó, giống lúa TBR87 có thời gian sinh trưởng ngắn, vụ mùa 100 - 105 ngày, chất lượng cơm gạo khá... Giống lúa TBR279 là giống thích ứng rộng, đẻ nhánh khỏe, có thời gian sinh trưởng ngắn, vụ mùa 95 -100 ngày, chất lượng cơm, gạo tốt, thích hợp bố trí gieo cấy ở những chân ruộng gieo trồng cây vụ đông sớm. Hai giống lúa này được Công ty cổ phần Tập đoàn giống lúa Thái Bình nghiên cứu, chọn tạo. Các giống lúa có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, thích hợp bố trí ở những chân ruộng trồng cây vụ đông sớm, phù hợp với cơ cấu trà vụ của tỉnh. Năng suất giống lúa TBR87 đạt 70 tạ/héc-ta, giống lúa TBR279 đạt năng suất 65 tạ/héc-ta, trừ chi phí cho lãi từ 23 đến 26 triệu đồng/héc-ta, cao hơn giống đối chứng từ 6,8 đến 7,2 triệu đồng.
Bà Trần Thị Vân, nông dân xã Đình Cao tham gia mô hình sản xuất tập trung, cho biết: Gia đình tôi gieo cấy 6 sào lúa TBR87. So với một số giống lúa khác, giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn hơn, chăm bón thuận lợi, cứng cây, đẻ nhánh khỏe, gọn khóm; năng suất đạt 2,5 – 2,8 tạ/sào. Gieo cấy giống lúa này, gia đình tôi chỉ phải phun thuốc phòng trừ sâu bệnh 2 lần, giảm số lần phun thuốc so với một số giống lúa khác.
Ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn giống lúa Thái Bình khẳng định: Các giống lúa TBR87 và TBR279 là giống lúa ngắn ngày, cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon, có khả năng chống bệnh bạc lá ở vụ mùa, đạo ôn ở vụ xuân. Trong vụ mùa có thể mở rộng diện tích gieo cấy trà sớm để dành đất trồng cây vụ đông.
Cùng với đó, tại vụ mùa năm nay, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện mô hình trình diễn giống lúa thuần Hương Bình. Mô hình được thực hiện tại xã Đình Cao (Phù Cừ) với diện tích 10 héc-ta, giống lúa đối chứng là Bắc thơm số 7. Là giống lúa cảm ôn, có thời gian sinh trưởng khá ngắn, giống lúa thuần Hương Bình có thể gieo cấy ở 2 vụ/năm (thời gian sinh trưởng ở vụ xuân 125 - 130 ngày, vụ mùa 100 - 105 ngày), chiều cao từ 100 - 110cm, bộ lá đòng thẳng, gọn khóm, đẻ nhánh tập trung, chống chịu tốt với sâu bệnh hại. Chất lượng gạo ngon, trong, không bạc bụng, cơm mềm, vị đậm và ngon. Năng suất thực thu dự kiến đạt 68 tạ/héc-ta, cao hơn khoảng 10 tạ/héc-ta so với giống lúa Bắc thơm số 7 (58 tạ/héc-ta). Giống lúa thuần Hương Bình có giá giống, mức độ đầu tư (phân đạm, kali) cao hơn so với giống đối chứng. Tuy nhiên, chi phí phòng trừ sâu bệnh thấp hơn so với giống lúa Bắc thơm số 7, hiệu quả kinh tế cao hơn so với giống đối chứng khoảng 228.000 đồng/sào.
Đồng chí Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Qua quá trình khảo nghiệm, đánh giá ở diện hẹp của các giống lúa trên để tính toán các thông số kỹ thuật về giá trị canh tác, giá trị sử dụng, đến vụ này, đã triển khai đánh giá diện rộng về thích ứng của giống lúa đối với các vùng sinh thái, tập quán canh tác của nông dân. Sau 2-3 vụ khảo nghiệm, đánh giá, nếu các giống lúa trên phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, chống chịu được với sâu bệnh và nhiễm nhẹ các đối tượng sâu bệnh hại nguy hiểm, Sở sẽ tham mưu với tỉnh đưa vào cơ cấu giống lúa của tỉnh để sản xuất đại trà.
Thực hiện Dự án khảo nghiệm giống cây trồng, đến vụ mùa năm nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai khảo nghiệm, trình diễn hơn 20 giống lúa. Thời gian tới, Sở tiếp tục cập nhật, lựa chọn các giống lúa tốt, phù hợp với mục tiêu sản xuất của tỉnh để khảo nghiệm và phát triển giống trong sản xuất. Tập trung vào những giống lúa có chất lượng cao, năng suất ổn định, ít nhiễm các loại sâu bệnh hại nguy hiểm, thích ứng với biến đổi khí hậu, dễ tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mới có nguồn gốc sinh học, thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm. Ứng dụng đưa cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và sau thu hoạch vào sản xuất.
Nguồn: https://baohungyen.vn