Mỗi độ xuân về, người dân các địa phương trong tỉnh lại náo nức đi trẩy hội. Góp phần tạo nên không khí sôi động tại các lễ hội chính là các trò chơi dân gian. Việc tổ chức các trò chơi đặc sắc tại lễ hội tạo không khí vui tươi, phấn khởi, gắn kết cộng đồng, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Theo thống kê của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi năm, tỉnh ta có trên 500 lễ hội truyền thống. Trong các lễ hội, bên cạnh những nghi thức quan trọng ở phần lễ, một bộ phận cấu thành không thể thiếu chính là những trò chơi dân gian độc đáo, là nét văn hóa truyền thống được người dân các địa phương gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Trò chơi dân gian trong lễ hội ở tỉnh ta đa dạng nhiều loại hình. Có thể là các trò chơi mang tính chất rèn luyện sức khỏe, giải trí như: chơi đu, chọi gà, bắt vịt, bịt mắt bắt dê, đi cầu kiều, bơi chải…; các cuộc thi đấu trí như: cờ người, cờ tướng… hoặc thể hiện tinh thần thượng võ như: đấu vật, biểu diễn võ thuật cổ truyền…
Trò chơi bịt mắt đập niêu tại Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến năm 2024
Trò chơi dân gian có vị trí quan trọng trong việc tạo dựng nên diện mạo độc đáo và tăng sức hấp dẫn của lễ hội. Vì vậy, trong những năm qua, cùng với việc bảo tồn các hoạt động lễ hội, những trò chơi dân gian truyền thống đã được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương trong tỉnh quan tâm, tổ chức thường xuyên.
Mới đây, tại Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến (thành phố Hưng Yên) diễn ra từ ngày 29/2 đến hết ngày 2/3, các trò chơi như: kéo co, bịt mắt đập niêu, chuyền chanh, nhảy bao bố, đi cầu kiều trên cạn… được tổ chức bài bản, thu hút đông các đội chơi và người dân, du khách tham gia cổ vũ.
Đồng chí Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Văn hoá và Truyền thanh thành phố Hưng Yên, Phó Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến năm 2024 cho biết: Bên cạnh phục dựng lại các nghi thức tế lễ truyền thống, Ban tổ chức đồng thời chú trọng phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ như: múa rối nước, hát trên thuyền tại hồ Bán Nguyệt, đặc biệt là tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống nhằm góp phần tái hiện, khắc họa sống động, giúp du khách hình dung về cảnh tấp nập, hưng thịnh của Phố Hiến xưa. Để phần trò chơi diễn ra bài bản, an toàn, hấp dẫn, phát huy tinh thần đoàn kết, chúng tôi chủ động xây dựng kịch bản, mời các đội tham gia, lựa chọn những trò chơi có tính đồng đội… Lễ hội năm nay thu hút gần 50 đội chơi đến từ các xã, phường, trường học trên địa bàn thành phố. Thông qua việc tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống, chúng tôi mong muốn thế hệ trẻ hiểu hơn về nét văn hóa của cha ông, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy và xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Lễ hội đền Hậu, xã Đông Kết (Khoái Châu) được tổ chức 3 năm 1 lần để tưởng nhớ công đức của hai vị Linh Lang Đại Vương và Thành hoàng làng Nguyễn Siêu. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày mùng 1 đến 2/2 âm lịch, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Trong đó, phần hội với nhiều trò chơi đặc sắc được nhiều người dân mong đợi, nổi bật nhất là trò đấu vật. Tham gia đấu vật trong lễ hội năm nay có 6 cặp đấu ở 3 độ tuổi là: Bô lão, trung niên và thanh niên. Các đội biểu diễn thi đấu vật ngay tại sân trước cửa đền. Mặc dù trò chơi đấu vật ở lễ hội đền Hậu là đấu vật chầu Thánh, biểu diễn cho du khách tham quan, không phân biệt thắng, thua nhưng không vì thế mà các cuộc tranh tài giảm đi phần sôi nổi, hấp dẫn. Trong tiếng trống giục liên hồi, tiếng hò reo huyên náo của khán giả, các đô vật đầu chít khăn đỏ ra những miếng đòn hay, kỹ thuật đẹp mắt sẽ nhận được tràng vỗ tay tán thưởng của người xem và phần thưởng của Ban tổ chức. Đấu vật truyền thống ở Lễ hội đền Hậu là nét văn hóa, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân, khuyến khích mọi người rèn luyện, nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, tại lễ hội còn rất nhiều trò chơi dân gian khác như: Leo cầu khỉ, bịt mắt đập niêu, cờ tướng, cờ người…
Đồng chí Nguyễn Đức Tiếp, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đông Kết, xã Đông Kết, Phó trưởng ban tổ chức Lễ hội đền Hậu cho biết: Lễ hội không thể thiếu các trò chơi, trò diễn dân gian. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên các trò chơi đều thu hút đông đảo người dân trong thôn, xã, cũng như các địa phương lân cận. Trong 2 ngày diễn ra lễ hội, chúng tôi ước tính có hàng nghìn lượt khách đến xem và tham gia các chương trình.
Có thể nói, trò chơi dân gian được người xưa sáng tạo như một thông điệp về đời sống văn hóa tinh thần, về lối sống, nếp nghĩ, nguyện vọng của cả cộng đồng. Các trò chơi dân gian nằm trong phần hội của các hoạt động lễ hội truyền thống, góp phần tạo nên một cấu trúc thống nhất và hoàn chỉnh về lễ hội. Tại mỗi địa phương, tùy từng điều kiện cụ thể của hoạt động lễ hội và quy mô, các trò chơi được tổ chức phù hợp với điều kiện thực tế cuộc sống hiện tại, song vẫn giữ được những nét truyền thống vốn có, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Nguồn: https://baohungyen.vn