Những năm gần đây, một số địa phương của huyện Văn Lâm chuyển hướng canh tác sang trồng các loại cây dược liệu, trong đó chủ yếu là cúc chi, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cấy lúa.
Đồng chí Nguyễn Văn Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Tài cho biết: Hiện nay, diện tích trồng hoa cúc chi toàn xã đạt 20 héc-ta, tập trung chủ yếu tại 2 thôn Xuân Đào và Đông Trại. Sau nhiều vụ canh tác cho thấy giống cây dược liệu này phù hợp với đồng đất của địa phương, cùng với kinh nghiệm và kỹ thuật chăm bón của người dân ngày càng nâng cao nên cho năng suất và chất lượng tốt, giá bán ổn định, đạt thu nhập cao gấp hàng chục lần so với cấy lúa. Hiện nay, toàn bộ sản lượng hoa cúc chi tươi sau thu hái được Hợp tác xã sản xuất dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú (đóng trên địa bàn xã Tân Quang) và Công ty Cổ phần Công nghệ cao Traphaco (Văn Lâm) thu mua trực tiếp với mức giá 42.000 – 50.000 đồng/kg hoa tươi. Người nông dân yên tâm sản xuất.
Nông dân xã Lương Tài thu hoạch hoa cúc chi
Những ngày này, trên các cánh đồng hoa cúc chi của xã Lương Tài bao phủ bởi màu vàng rực rỡ, đẹp mắt. Không khí lao động sôi nổi khi hàng trăm nông dân đang tất bật thu hái hoa, thương lái đến tận đầu ruộng để thu mua… Bà Hoàng Thị Hương, ở thôn Xuân Đào có 5 sào trồng cúc chi cho biết: Từ đầu vụ, gia đình tôi đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Công nghệ cao Traphaco. Ngày 12/12 gia đình tôi thu hái lứa hoa đầu tiên với sản lượng 5 tạ, được công ty thu mua với giá 50.000 đồng/kg hoa tươi. Từ nay đến cuối vụ tôi thu hoạch khoảng 4 – 5 lứa hoa nữa, dự kiến mang lại thu nhập khoảng 20 triệu đồng/sào.
Thấy được hiệu quả kinh tế từ trồng cây cúc chi, những năm gần đây, một số hộ dân ở xã Việt Hưng chuyển đổi sang trồng loại cây này. Hiện nay, cả xã có 3 héc-ta trồng cúc chi tập trung ở thôn Sầm Khúc và Mễ Đậu. Ông Lê Văn Đương, ở thôn Sầm Khúc cho biết: Qua tìm hiểu được biết hoa cúc chi được dùng để chế biến thành trà, có tác dụng an thần, giải nhiệt, tiêu độc, chống oxy hóa, cho giá trị kinh tế cao. Đầu năm nay, tôi liên kết với một hộ dân khác trong xã để trồng thử nghiệm loại cây này. Thời điểm này, cánh đồng hoa cúc chi 5,8 mẫu của chúng tôi đang bước vào vụ thu hoạch. Năm nay, hoa cúc chi cho năng suất khá và được Hợp tác xã sản xuất dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú thu mua toàn bộ với giá bán 42.000 đồng/kg. Trung bình mỗi sào trừ chi phí cho thu nhập 10 đến 15 triệu đồng/vụ.
Với giá trị kinh tế mang lại, các hộ dân trồng hoa cúc chi ở xã Việt Hưng đang tiếp tục ươm giống để nhân rộng diện tích. Đồng thời, thành lập hợp tác xã để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hoa cúc chi.
Nhẹ nhàng hái những bông hoa vừa chớm nở, chị Nguyễn Thị Thanh Miện, ở thôn Sầm Khúc chia sẻ: Cây cúc chi rất khỏe, gần như không có sâu bệnh, người trồng chỉ mất chi phí mua cây giống năm đầu tiên, còn từ những vụ sau thì dùng cành của cây trồng vụ trước để ươm. Chỉ sau 5 tháng trồng, cây cúc chi đã cho hoa và nở rộ vào đầu tháng 11 âm lịch, thời gian thu hoạch trong vòng 1 tháng.
Theo kinh nghiệm của người trồng, hoa cúc chi có chất lượng tốt nhất khi vừa nở. Việc thu hoạch thực hiện hoàn toàn thủ công, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhưng cần sự khéo léo, tỉ mỉ để hạn chế làm rụng cánh, dập bông. Khi hoa nở rộ, nông dân có mặt ngoài đồng từ sáng sớm đến tối muộn để thu hoạch, nhiều gia đình thuê thêm hàng chục lao động cho kịp thời vụ. Trung bình mỗi ngày, một người có thể thu hái được 15 - 20kg hoa tươi, với tiền công 10.000 đồng/kg.
Nhằm giữ gìn và phát triển thương hiệu cây dược liệu của địa phương, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai mô hình “Xây dựng mô hình phát triển hoa cúc chi tại xã Lương Tài, xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm”. Mô hình thực hiện trên diện tích 13 héc-ta nhưng qua hiệu quả thực tế nên người dân 2 xã đã tăng diện tích trồng lên hơn 23 héc-ta. Khi tham gia mô hình, các hộ được cung cấp giống, hỗ trợ kinh phí sản xuất, phân bón và được tập huấn kỹ thuật, có cán bộ nông nghiệp thường xuyên bám sát cơ sở theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn các hộ sản xuất, được Hợp tác xã sản xuất dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú bao tiêu đầu ra sản phẩm… Qua triển khai thực hiện mô hình ở 2 xã trên có thể thấy, cây cúc chi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây được xem là mô hình mở ra triển vọng nâng cao thu nhập, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.
Nguồn: https://baohungyen.vn