Bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định việc vận chuyển tiền chỉ liên quan tới bản thân mình và xin chịu hết toàn bộ trách nhiệm cho các bị cáo khác.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 ngày 26/9/2024. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Ngày 26/9, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần đặt câu hỏi của luật sư bào chữa cho các bị cáo trong nhóm hành vi phạm tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.”
Cáo trạng thể hiện, Trương Mỹ Lan khi cần chuyển tiền ra nước ngoài để trả nợ hoặc nhận tiền vay từ nước ngoài chuyển về Việt Nam đã chỉ đạo bị cáo Trịnh Quang Công (cựu Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn ACUMEN) phối hợp bị cáo Nguyễn Phương Anh (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) và Chiu Bing Keung Kenneth (Luật sư được Lan giao quản lý các công ty nước ngoài, hiện đã bỏ trốn và đang bị truy nã) lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn, vay nợ giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài (đều là các công ty 'ma' thuộc quản lý, điều hành của các cá nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Nhóm của Trương Mỹ Lan Lan sau đó dùng các hợp đồng trên để vay tiền ở nước ngoài chuyển về Việt Nam, khi trả nợ sẽ thông qua hệ thống Ngân hàng SCB chuyển ra nước ngoài.
Đa số hồ sơ chuyển tiền ra nước ngoài không đủ điều kiện về giấy tờ, thủ tục; các giao dịch nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam còn thiếu trường thông tin về chuyển tiền bị hệ thống tự động khóa... nhưng các bị cáo có thẩm quyền tại Ngân hàng SCB như Võ Tấn Hoàng Văn, Chen Yi Chung, Trương Khánh Hoàng, Bùi Anh Dũng vẫn duyệt cho chuyển tiền trên hệ thống để hoàn tất việc chuyển tiền quốc tế.
Từ năm 2012 đến năm 2022, bằng phương thức, thủ đoạn nêu trên, các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã sử dụng 23 công ty, gồm 12 công ty thành lập, đăng ký kinh doanh tại Việt Nam và 11 công ty, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam để thực hiện việc chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam. Tổng số tiền Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép qua biên giới là 4,5 tỷ USD - tương đương 106.730 tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo Trịnh Quang Công thừa nhận có tham gia lập các hợp đồng “khống” để chuyển cho các chi nhánh Ngân hàng SCB làm thủ tục giải ngân. Trong các hồ sơ này, có rất nhiều hồ sơ không thực hiện được vì liên quan đến việc chuyển nhượng phần vốn góp từ bên nước ngoài chuyển về nhưng bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) đã ký duyệt tất cả hồ sơ cho nhân viên Ngân hàng SCB thực hiện lệnh chuyển tiền.
Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 ngày 26/9/2024. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Bị cáo Chiu Bing Keung Kenneth phụ trách việc thỏa thuận, làm việc với phía nước ngoài để ký hợp đồng (trên thực tế không phát sinh giao dịch thật nào với công ty ở nước ngoài).
Trịnh Quang Công khai ban đầu bị cáo làm việc với Trương Khánh Hoàng, nhưng sau đó chuyển sang làm việc trực tiếp với bị cáo Trương Mỹ Lan. Bị cáo cũng xác nhận, từ tháng 7/2020 đến tháng 10/2022 đã chuyển tổng cộng 1,8 tỷ USD và nhận từ nước ngoài về 1,4 tỷ USD, tương đương với 34.000 tỷ đồng.
Công cho biết khi đó bị cáo tin tưởng Trương Khánh Hoàng là lãnh đạo của SCB nên nghĩ việc mình làm là đúng pháp luật, nhưng sau này khi làm việc với cơ quan điều tra mới hiểu hành vi của mình là sai. Bị cáo mong nhận được sự khoan hồng của luật pháp.
Bị cáo Trương Khánh Hoàng xác nhận từ ngày 15/5/2021 đến ngày 12/8/2022 đã ký duyệt 38 lệnh chuyển tiền ra nước ngoài với tổng số tiền 929 triệu USD, tương đương 21.810 tỷ đồng và nhận 1,9 tỷ USD, tương đương 47.392 tỷ đồng từ nước ngoài chuyển về. Các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam đều do các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện thông qua các loại hợp đồng "khống."
Trên thực tế, các lệnh chuyển tiền ra nước ngoài do Hoàng ký duyệt đều không đủ điều kiện chuyển tiền.Khi được Hội đồng Xét xử hỏi nguồn tiền ở đâu để chuyển đi nước ngoài, Trương Khánh Hoàng nói một phần có được từ hành vi “Tham ô tài sản” (đã được xét xử trong giai đoạn 1 của vụ án).
Theo Trương Khánh Hoàng, những công ty do Trịnh Quang Công quản lý có tài sản đảm bảo tại Ngân hàng SCB và các ngân hàng khác nên bị cáo chỉ nghĩ các công ty của Trịnh Quang Công là khách hàng của Ngân hàng SCB và với vị trí là quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB nên bị cáo ký duyệt các lệnh chuyển tiền.
Về hành vi phạm tội của mình, Trương Khánh Hoàng cho biết bản thân không có chuyên môn sâu về tài chính, ngân hàng nên có nhiều hạn chế trong lĩnh vực thanh toán quốc tế. Trong quá trình làm việc tại Ngân hàng SCB, Hoàng nhận chỉ đạo của Trương Mỹ Lan về việc chuyển tiền ra nước ngoài, và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam nhưng bị cáo hoàn toàn không biết các hợp đồng được làm thế nào. Chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo Hoàng mới biết các hồ sơ chuyển - nhận tiền mà mình ký duyệt là không đúng quy định của pháp luật.
Tương tự, bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB) thừa nhận từ năm 2013 đến năm 2020 đã ký duyệt 6 lệnh chuyển tiền ra nước ngoài với tổng số tiền hơn 712 tỷ đồng thông qua các hợp đồng “khống.” Nhưng chỉ đến khi vụ án bị khởi tố, làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết việc chuyển tiền ra nước ngoài là sai quy định.
Khi được Chủ tọa hỏi tại sao là lãnh đạo ngân hàng mà bị cáo lại không biết tính chất công việc mình đang thực hiện, Bùi Anh Dũng trình bày bản thân bị cáo không nắm rõ nghiệp vụ, quy định; trong khi đó các giấy tờ, thủ tục đều do nhân viên cấp dưới phụ trách, bị cáo “tin tưởng anh em” nên ký duyệt toàn bộ các hồ sơ được chuyển lên. Lúc ký duyệt hồ sơ, bị cáo không biết công ty xin duyệt lại thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết, suốt phiên xét xử, bị cáo đã lắng nghe lời khai của các bị cáo khác và không có ý kiến gì về lời khai của các bị cáo này. Tuy nhiên, Lan khẳng định bản thân biết rõ lý do tại sao có việc chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ các công ty nước ngoài.
Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 ngày 26/9/2024. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Cụ thể, Lan nói tiền chuyển ra nước ngoài là tiền bị cáo vay từ những người bạn ở nước ngoài, thường có thời hạn vài tháng và thủ tục cho vay không quá phức tạp. Còn tiền trả nợ là của riêng bị cáo, không liên quan tới tài sản của Ngân hàng SCB; bị cáo chỉ thực hiện giao dịch qua ngân hàng này.
Trương Mỹ Lan cho rằng tất cả những người tham gia lập hồ sơ vay đều tin tưởng hành động của mình là hợp pháp và nếu khoản vay sử dụng sai mục đích, phía cho vay sẽ yêu cầu hoàn trả tiền. Theo Lan, việc tiền được chuyển về Việt Nam qua nhiều bộ phận khác nhau là “điều bình thường.”
Về cáo buộc lập các hợp đồng “khống” để chuyển, nhận tiền, Trương Mỹ Lan nói bị cáo không trực tiếp tạo lập hợp đồng mà chỉ lập kế hoạch dòng tiền; nhấn mạnh rằng bị cáo chỉ biết khi cần tiền thì sẽ nhận được, còn về quy trình, thủ tục cụ thể, bị cáo không nắm rõ.
Bên cạnh đó, Lan cũng phủ nhận cáo buộc chỉ đạo đồng phạm thực hiện hành vi chuyển tiền qua biên giới, chỉ biết việc vay tiền từ nước ngoài và dùng tiền cá nhân để trả nợ.
Cuối cùng, bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định việc vận chuyển tiền chỉ liên quan tới bản thân mình và xin chịu hết toàn bộ trách nhiệm cho các bị cáo khác. Lan cũng xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các đồng phạm trong nhóm tội danh này, đồng thời xin Hội đồng Xét xử xem xét thấu đáo việc chuyển tiền không liên quan tới các công ty của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo xin nhận hoàn toàn trách nhiệm./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/