KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH (01/7/1915 - 01/7/2025); KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945 - 19/8/2025) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (2/9/1945 - 2/9/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 03/07/2025 - Lượt xem: 20
Từ 1/7, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đất đai không quá 3 ngày làm việc

Từ 1/7, thời gian đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu không quá 17 ngày, thời gian cấp giấy chứng nhận không quá 3 ngày làm việc, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí hơn.

Hà Nội ngày đầu triển khai chính quyền 2 cấp. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Sau 2 ngày đi vào hoạt động mô hình chính quyền 2 cấp (từ ngày 1/7), các thủ tục đất đai chính thức bước sang giai đoạn cải cách sâu rộng. Đây là bước ngoặt lớn, giúp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, đơn giản hóa quy trình và tăng tính chủ động cho cấp xã, phường, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai.

Để tạo hành lang pháp lý trong lĩnh vực này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Quyết định 2304/QĐ-BNNMT công bố thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ; trong đó, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, được thay thế thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nông nghiệp và Môi trường gồm 48 thủ tục gồm 2 thủ tục hành chính cấp Trung ương; 32 thủ tục cấp tỉnh; 14 thủ tục cấp xã.

Theo Quyết định 2304/QĐ-BNNMT, việc công bố thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhằm thực hiện các văn bản phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp, phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai; đồng thời thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Một cửa cũng như Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Trong số 14 thủ tục thực hiện tại cấp xã, có các thủ tục liên quan đến đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận như: Xác định lại diện tích đất ở của hộ gia đình, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận trước ngày 1/7/2004; Đính chính giấy chứng nhận đã cấp lần đầu có sai sót; Thu hồi giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai do người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phát hiện và cấp lại GCN sau khi thu hồi.

Từ ngày 1/7, Nghị định 151/2025/NĐ-CP (Nghị định 151) quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp, phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân cấp xã thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu đối với cá nhân, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Ngoài ra, khi tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Ủy ban Nhân dân cấp xã không cần xác nhận riêng về tình trạng quy hoạch, tranh chấp, tính ổn định sử dụng đất như trước đây. Thời gian đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu không quá 17 ngày làm việc; thời gian cấp giấy chứng nhận là không quá 3 ngày làm việc.

Có thể nói, việc phân quyền này sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí, không cần đi lại nhiều như trước. Một điểm mới nữa của Nghị định 151 là cho phép người dân và doanh nghiệp lựa chọn nơi nộp hồ sơ đăng ký đất đai trong phạm vi cấp tỉnh, thay vì bắt buộc phải nộp tại nơi có đất.

Trước đây, thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hệ thống thông tin đất đai quy định nơi nộp hồ sơ cụ thể, gắn liền với địa chỉ đất. Nhưng kể từ ngày 1/7, không còn tổ chức chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện, thay vào đó, chi nhánh được đặt tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc khu vực liên xã, phường, do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Như vậy, người dân không còn bị giới hạn phải nộp hồ sơ tại nơi có đất, mà được quyền chọn bất kỳ xã nào trong tỉnh, hoặc nộp tại văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh hoặc các chi nhánh cấp xã/liên xã, phường. Điều này giúp rút ngắn thời gian đi lại, giảm tải cho các điểm tiếp nhận đông dân, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai.

Bà Nguyễn Ngọc Trinh (ở phường Tây Hồ, Hà Nội) cho biết hôm nay đi làm thủ tục đăng ký đất đai lần đầu tiên tại phường. Tại đây bà Trinh nhận thấy chính quyền địa phương đã có sự chuẩn bị rất chu đáo nên các công việc, thủ tục không hề bị gián đoạn, không hề bị chậm. Bà Trinh cảm thấy rất hài lòng với sự phục vụ của các cán bộ ở phường.

Đồng quan điểm này, ông Bùi Văn Dũng (ở phường Cửa Nam, Hà Nội) cho biết, khi đến làm thủ tục đăng ký đất đai bác được cán bộ phường chỉ dẫn tận tình. Ông Dũng nhận xét, việc đổi mới cung cách phục vụ người dân như thế này thực sự là bước tiến lớn, mới mẻ.

"Người dân chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ với chủ trương này, vì chủ trương này giúp người dân làm các thủ tục được nhanh chóng và thuận tiện," ông Dũng nói.

Bà Nguyễn Minh Hương (Chánh văn phòng phường Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, để chính quyền 2 cấp đi vào triển khai có hiệu quả, bảo đảm tính liên thông, minh bạch, dễ tiếp cận, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, phường Hai Bà Trưng đã chủ động về nhân lực, ngân sách, cơ sở dữ liệu tại cơ sở, nhất là theo Nghị định 151 phân định rõ thẩm quyền giữa Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp theo hướng chuyển từ "thẩm quyền chung" sang "thẩm quyền riêng."

Đặc biệt từ ngày 1/7, việc giải quyết thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu chỉ thực hiện tại cấp xã, góp phần phân cấp mạnh mẽ, hướng tới việc quản lý đất đai gần dân hơn.

Trước sự đổi mới của bộ máy chính quyền triển khai theo 2 cấp này, không chỉ người dân, mà các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án bất động sản cũng kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những điểm nghẽn liên quan đến thủ tục được gỡ bỏ triệt để.

Chuyên gia bất động sản Phạm Quang Hiệp cho biết, không giống các ngành sản xuất có thể linh hoạt điều chỉnh đầu vào, bất động sản là lĩnh vực đặc thù chịu sự chi phối trực tiếp từ hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính. Trong khi đó, có đến 80% khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay đến từ vướng mắc pháp lý.

Ông Phạm Quang Hiệp cho hay, trong lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp có khi phải xin đến hàng chục con dấu để thực hiện một dự án. Việc xin điều chỉnh quy hoạch cũng rất gian nan.

Từ đó phát sinh nhiều hệ lụy như dự án mới chậm ra mắt, một số dự án chậm tiến độ, bàn giao cho khách hàng trễ 5 năm chỉ vì chưa được cấp phép xây dựng. Ngược lại, có dự án đã được cấp phép xây dựng từ nhiều năm nhưng vẫn chưa triển khai được vì chưa xác định được tiền sử dụng đất - yếu tố bắt buộc để hoàn tất nghĩa vụ tài chính và tiến hành thủ tục cấp sổ hồng.

Điều này dẫn đến doanh nghiệp không chỉ “chết đứng” dòng tiền vì không thể bán sản phẩm, mà còn phải gồng mình trả nợ vay ngân hàng, bồi thường hợp đồng, thậm chí vướng tranh chấp pháp lý kéo dài. Hàng loạt dự án “trùm mền”, nguồn cung teo tóp, thanh khoản giảm, giá cả mất cân đối - ông Phạm Quang Hiệp thông tin.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Ngọc Bích (Giám đốc Dự án Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản) cho biết, cuộc cải tổ bộ máy hành chính công lần này không chỉ giúp doanh nghiệp, mà còn “tháo chốt” cho thị trường bất động sản hồi sinh mạnh mẽ và bền vững hơn.

Với cơ chế mới, gần 90% thủ tục quan trọng được giao xuống địa phương, cụ thể là cấp xã, phường. Cán bộ xã, phường là người sát thực tế, nay có thể tự quyết định về quy hoạch, đền bù, tiền sử dụng đất… nên giải quyết nhanh, gọn, thủ tục đơn giản.

Giải quyết khâu trung gian giúp doanh nghiệp không còn phải chạy vòng quanh xin ý kiến nhiều cấp, rút ngắn thời gian làm thủ tục dự án. Khi đó, sản phẩm bất động sản sẽ lưu thông nhanh, nguồn cung dồi dào hơn, thị trường nhộn nhịp với hệ sản phẩm phong phú, đa dạng./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/

Tin liên quan