KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 30/11/2023 - Lượt xem: 2330
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp

Việc ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng giá trị, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao là hướng đi tất yếu trong thời đại công nghiệp 4.0.

Sử dụng rô-bốt trong sản xuất tại Chi nhánh Hưng Yên- Công ty cổ phần Daikin Air Conditioning Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long II)
Nhiều thành tựu mới của khoa học và công nghệ thế giới đã được chuyển giao và ứng dụng thành công vào sản xuất công nghiệp. Một số lĩnh vực, sản phẩm công nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ, tạo ra giá trị lớn nhờ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tiên tiến.
Chi nhánh Hưng Yên – Công ty cổ phần Daikin Air Conditioning Việt Nam (Khu Công nghiệp Thăng Long II) tích cực ứng dụng công nghệ 4.0 như: Internet kết nối vạn vật (IoT) và tự động hóa vào sản xuất. Công ty có các dây chuyền sản xuất theo module đáp ứng sự biến động của số lượng điều hòa đầu ra và tự động kiểm soát tiến độ sản xuất bằng công nghệ IoT. Việc lưu chuyển thông tin hay chỉ đạo sản xuất hoàn toàn tự động, thông qua cảm biến và cổng giao tiếp kết nối vào hệ thống điều hành chính. Đặc biệt, công ty sử dụng rô-bốt tại một số công đoạn đã làm tăng độ chính xác, nâng cao năng suất lao động. Công ty đã áp dụng mạnh mẽ công nghệ tự động hóa, sử dụng kỹ thuật rô-bốt, các phần mềm và công nghệ thiết kế, điều khiển chuyên dụng vào sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, Công ty cổ phần may và dịch vụ Hưng Long (thị xã Mỹ Hào) cũng đang tích cực ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất. Hiện nay, số máy may có công nghệ tiên tiến tự động hóa cao như máy may lập trình chiếm khoảng 3,4% tổng số máy may. Mặc dù chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng máy may lập trình có năng suất cao hơn 4-6 lần đã cho thấy hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ tiên tiến mang lại. Đó là, vừa tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí, vừa giúp doanh nghiệp hạn chế sản phẩm lỗi, hay phế phẩm do quá trình sản xuất gây nên và giảm nhân công trên dây chuyền sản xuất.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, công nghệ 4.0 còn được ứng dụng rộng rãi tại nhiều cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Trong lĩnh vực cơ khí, mộc, nhiều cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ CNC trong sản xuất. Các máy CNC sử dụng một máy vi tính để thiết lập phần mềm dùng để điều khiển các chức năng dịch chuyển của máy. Các chương trình gia công được đọc cùng một lúc và được lưu trữ vào bộ nhớ. Khi gia công, máy vi tính đưa ra các lệnh điều khiển máy CNC hoạt động để đục, cắt kim loại, gỗ theo lập trình. Anh Nguyễn Đăng Phóng, chủ một cơ sở sản xuất đồ mộc ở xã Thanh Long (Yên Mỹ) cho biết: Từ khi máy CNC được đưa vào ứng dụng trong sản xuất không chỉ nâng cao năng suất lao động lên gấp hàng chục lần so với trước đây mà còn tạo ra các sản phẩm đa dạng về mẫu mã với nhiều hoa văn chạm khắc khó. Ngoài ra, công nghệ CNC giúp tạo ra các sản phẩm có độ đồng đều, chính xác hơn, giúp việc lắp ráp, hoàn thiện sản phẩm nhanh chóng, hạn chế sản phẩm bị lỗi, hỏng. Từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao đã và đang tiếp tục được ứng dụng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như góp phần giúp ngành nông nghiệp thích ứng ngày càng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Ngoài canh tác phụ thuộc vào đất, một số mô hình canh tác hiện đại như: Thủy canh, khí canh cũng đang được đưa vào ứng dụng nhằm thích ứng với việc diện tích canh tác ngày càng bị thu hẹp và nguồn nước tưới dưỡng tự nhiên không bảo đảm chất lượng trong khi đòi hỏi khắt khe về chất lượng, mức độ an toàn của nông sản đầu ra. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cảm biến điều kiện vi khí hậu cũng đang được ứng dụng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 100 trang trại đang ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua hệ thống thiết bị kiểm soát vi khí hậu. Đây là thiết bị có chức năng thu thập các dữ liệu vi khí hậu trong không gian khép kín của trang trại như: Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… sau đó phân tích, đánh giá và đưa ra các cảnh báo khi điều kiện vi khí hậu không đạt yêu cầu. Hệ thống sử dụng sim 3G, 4G để thu nhận dữ liệu và cập nhật thông số theo thời gian thực, cảnh báo thường xuyên thông qua kết nối với điện thoại thông minh; từ đó, giúp chủ trang trại có những giải pháp phù hợp để duy trì, điều chỉnh điều kiện vi khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi…
Sản xuất tại Chi nhánh Hưng Yên- Công ty cổ phần Daikin Air Conditioning Việt Nam
(Khu công nghiệp Thăng Long II)
Đồng chí Trần Tùng Chuẩn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Đầu tư đổi mới máy, thiết bị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, cùng với đó là chất lượng sản phẩm tăng lên, có khả năng đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường cả về chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã, chủng loại. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm kết hợp với hạ giá thành sẽ làm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu, rộng. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng lực sản xuất và trình độ tổ chức, quản lý là hướng đi đúng, bảo đảm hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững. Do vậy, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu với tỉnh triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng như thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tiếp cận, chuyển giao và nhận chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan