KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 03/07/2024 - Lượt xem: 136
Vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đã góp phần quan trọng làm minh bạch nền tài chính quốc gia; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của quốc gia.

Đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại hội thảo.
Ngày 3/7, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội thảo với chủ đề Kiểm toán Nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm, hướng tới 30 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước (11/7/1994 - 11/7/2024).
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Sự ra đời của Kiểm toán Nhà nước là tất yếu khách quan, là yêu cầu không thể thiếu trong việc hoàn thiện công tác quản lý nguồn lực tài chính quốc gia, ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thất thoát ngân sách nhà nước.
Trong 30 năm xây dựng và phát triển, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Kiểm toán Nhà nước đã đạt được những thành tựu to lớn, luôn giữ vững giá trị cốt lõi của mình và khẳng định vị thế, vai trò trong hệ thống chính trị của quốc gia. Uy tín, vị thế của Kiểm toán Nhà nước trong hệ thống các cơ quan kiểm toán quốc tế và các nước cũng ngày càng được khẳng định và nâng cao.
Hoạt động kiểm toán từng bước đổi mới về nội dung, phương pháp; chất lượng không ngừng nâng lên. Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đã giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, phát huy ưu điểm, khắc phục yếu kém.
Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán cũng phát hiện nhiều bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước cũng đã góp phần quan trọng làm minh bạch nền tài chính quốc gia; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của quốc gia.
Quang cảnh hội thảo.
Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, cho biết hội thảo là dịp để ngành Kiểm toán Nhà nước và các đại biểu chia sẻ, tìm hiểu về chuyện lịch sử, những thành tựu trên con đường phát triển của Kiểm toán Nhà nước trên chặng đường 30 năm.
Hội thảo giúp khơi dậy lòng tự hào của mỗi thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về truyền thống vẻ vang của ngành, để thế hệ hôm nay tiếp tục vững bước phấn đấu, đưa ngành Kiểm toán Nhà nước ngày một phát triển trên chặng đường tới.
Đồng thời, đây là dịp trao đổi, đề xuất những định hướng, giải pháp mang tính chiến lược nhằm phát triển Kiểm toán Nhà nước để khẳng định vai trò, vị thế là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; góp phần phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công.
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, khởi đầu từ một cơ quan chưa có tổ chức tiền thân và tiền lệ về hoạt động, được thành lập để giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán, đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều bước chuyển mình đột phá.
Từ khi thành lập đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện khoảng 3.600 cuộc kiểm toán, phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính khoảng 740 nghìn tỷ đồng (từ năm 2011 đến năm 2023 kiến nghị tài chính hơn 650 nghìn tỷ đồng).
Trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng hơn 40% tổng số kiến nghị kiểm toán; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ trên 2.200 văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản quản lý có nội dung không phù hợp, mâu thuẫn hoặc chồng chéo, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.
Kiểm toán Nhà nước cũng đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Bảo hiểm xã hội...; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định.
Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp gần 2.000 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu cho cơ quan có liên quan để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát...
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan