Đã có nhiều cảnh báo về việc đốt rác thải tự phát ngoài môi trường như: Rác hữu cơ, rác sinh hoạt, rác thải công nghiệp… không chỉ gây gây ô nhiễm môi trường, đốt rác tạo ra chất độc hại, tạo khói bụi cản trở giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn tỉnh tình trạng đốt rác thải bừa bãi vẫn diễn ra, khó kiểm soát.
Đổ, đốt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường ven đường Nguyễn Lương Bằng
(thành phố Hưng Yên)
Từ những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ hay trên những con đường nhỏ qua làng, qua các khu dân cư, những đoạn đường đê... nhất là nơi vắng người qua lại, không khó để bắt gặp rác thải gồm cả rác hữu cơ và vô cơ bị đổ thành đống, đốt tự phát. Thậm chí nhiều bãi rác cháy âm ỉ ngày này qua ngày khác do chứa nhiều thành phần nilông, phế thải nhựa. Trên cánh đồng hoặc triền đê, thỉnh thoảng lại thấy những cột khói bốc lên do đốt rơm, rạ, cỏ, phế phẩm nông nghiệp…
Bà Nguyễn Thị Út, người dân thôn Triều Dương, xã Hải Triều (Tiên Lữ) bức xúc cho biết: Bãi rác sinh hoạt của xã Thiện Phiến rất gần với khu vực cánh đồng nơi tôi canh tác và khu dân cư nơi tôi sinh sống. Rác thải sinh hoạt tại đây thường xuyên rơi vào cảnh quá tải, tràn ra đường, thường xuyên bị đốt tự phát gây mùi khét khó chịu trong nhiều ngày. Mỗi khi bãi rác bốc khói, cả khu cánh đồng và các xóm gần đó phải sống trong bầu không khí ô nhiễm, ngột ngạt.
Một số người dân xã Đức Thắng (Tiên Lữ) đốt rác hữu cơ gây khói, bụi,
ô nhiễm môi trường không khí
Nhiều lần đi qua khu vực đường trục phía Bắc Khu đại học Phố Hiến, phóng viên đã ghi lại không ít cảnh người dân đốt rơm rác, phế phẩm nông nghiệp và cả rác thải sinh hoạt ngay ven đường. Nhất là đoạn qua địa bàn xã An Viên (Tiên Lữ), nhiều tháng nay, khu vực lề cỏ đã biến thành bãi rác tự phát. Bao lớn, bao bé rác sinh hoạt, đủ loại túi nilông vứt ngổn ngang, khi rác quá nhiều thì đốt, khói đen bốc lên, cản trở giao thông.
Không chỉ tại huyện Tiên Lữ, tình trạng đổ rác, đốt rác bừa bãi đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương như các huyện: Khoái Châu, Kim Động, Văn Lâm... gây bức xúc cho người dân sinh sống trực tiếp ở các khu dân cư và người qua đường. Thậm chí một số tuyến đường ít người qua lại trên địa bàn thành phố Hưng Yên cũng xảy ra tình trạng đổ rác, đốt rác thải tự phát, gây ô nhiễm môi trường.
Mỗi năm, các huyện, thị xã phải dành phần kinh phí không nhỏ để xử lý hàng chục điểm tập kết rác tự phát với lượng rác lên tới hàng nghìn tấn. Việc đốt rác thải không đúng quy định đã tạo ra khói bụi, chất độc hại, đồng thời đây cũng là hành vi vi phạm quy định của Nhà nước. Đốt rác tự phát sẽ tạo các chất nguy hại như: Ô-xít các-bon, hy-đờ-rô-các-bon, benzen, đi-ô-xin... Rác thải dù là hữu cơ hay vô cơ đều phải được thu gom, xử lý đúng nơi quy định. Quá trình đốt rác thải, nhất là rác vô cơ phải được thực hiện tại các đơn vị chuyên môn có lò đốt công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường.
Tại khoản 2 điều 7, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó áp dụng với hành vi tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng, bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng.
Đồng chí Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Tình trạng đổ, đốt rác thải trên địa bàn tỉnh chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường tại một số địa phương trong tỉnh. Nguyên nhân là do tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh toàn tỉnh ngày càng tăng, hiện nay là gần 800 tấn/ngày, trong khi đó công suất xử lý chất thải của các khu xử lý chất thải tập trung của tỉnh không đáp ứng đủ. Mặt khác, một số cá nhân thiếu ý thức, nhận thức còn chưa đúng, chưa chấp hành nghiêm quy định phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình, tập trung tập kết đúng nơi quy định. Thời gian tới, sở tăng cường phối hợp với các địa phương, đơn vị chuyên môn rà soát, kiểm tra các điểm tập kết, bãi chôn lấp rác thải, các điểm tồn đọng rác thải, các điểm đổ, đốt rác thải tự phát trên địa bàn. Quản lý, vận hành tốt các điểm tập kết, bãi chôn lấp rác thải, nghiêm cấm hành vi đốt rác thải không đúng quy định. Đẩy mạnh áp dụng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ. Thường xuyên giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp đổ, đốt rác không đúng quy định.
Nguồn: https://baohungyen.vn