KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 25/11/2023 - Lượt xem: 605
Vào vụ thu hoạch cam

Toàn tỉnh hiện nay có trên 1,8 nghìn héc-ta trồng cam, tập trung nhiều ở các huyện: Văn Giang, Kim Động, Phù Cừ, thành phố Hưng Yên… Một số giống cam được nông dân trồng nhiều như: Cam Vinh, cam đường canh, cam V2… Thời điểm này, các nhà vườn bắt đầu thu hoạch cam để cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Với giá bán đầu mùa 20-25 nghìn đồng/kg, cam dễ tiêu thụ.

Nông dân huyện Kim Động thu hoạch cam
Năm nay, diện tích trồng cam của tỉnh giảm 125 héc-ta so với năm trước. Nguyên nhân là do người dân chặt bỏ vườn già cỗi để trồng mới và chuyển sang trồng loại cây khác. Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ trồng cam, bảo đảm các vườn còn khai thác cho giá trị kinh tế cao, tỉnh tập trung tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; áp dụng trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP; theo hướng hữu cơ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, chất lượng, sản lượng cam được bảo đảm. Đến nay, toàn tỉnh có trên 700 héc-ta trồng cam được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; ngành chức năng đã thẩm định, cấp giấy chứng nhận cho một số vườn cam đầu dòng để khai thác mắt ghép mỗi năm; nhiều địa phương xây dựng sản phẩm cam đạt sản phẩm OCOP…
Huyện Kim Động hiện có khoảng 300 héc-ta trồng cam các loại. Thời điểm này, các diện tích trồng cam Vinh của huyện bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Năm nay, giá bán đầu vụ tại vườn khoảng 23-25.000 đồng/kg. Đồng chí Nguyễn Thế Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Động cho biết: 2 năm trở lại đây, diện tích trồng cam của huyện giảm do người dân chặt bỏ vườn già cỗi để trồng mới. Đối với diện tích cam vẫn phát triển và cho thu hoạch, để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cam, huyện phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc cam đúng quy trình kỹ thuật, theo dõi tình hình sâu bệnh trên cây cam để có hướng xử lý, mở rộng diện tích cam sản xuất theo hướng VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ. Đồng thời khuyến khích, vận động người dân liên kết, thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác trồng cam để thuận lợi trong quá trình sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Năm nay, sản lượng cam của huyện ước đạt 7 nghìn tấn.
Nhanh tay cắt những quả cam chín đầu mùa, anh Nguyễn Văn Bá, thôn Thanh Sầm, xã Đồng Thanh (Kim Động) cho biết: Gia đình tôi có 1,5 mẫu trồng cam, giảm trên 3 sào so với năm trước. Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ trồng cam, năm nay, ngoài duy trì sản xuất theo hướng VietGAP, tôi áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Hiện nay, tôi bắt đầu thu hoạch, đối với cam trồng theo hướng hữu cơ với giá bán 35-40 nghìn đồng/kg.
Tại xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên), hiện nay, người dân đã chuẩn bị các phương tiện, tập trung nhân lực ra vườn thu hái những quả cam đầu vụ chín vàng, mọng nước để kịp xuất bán. Ông Nguyễn Văn Biết, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh nông sản chất lượng cao Quảng Châu cho biết: Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây cam, thời gian qua, xã đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh trên cây cam. Phòng chuyên môn của thành phố phối hợp với địa phương tuyên truyền người dân lựa chọn các giống cam chất lượng cao để thay thế các cây cam bị bệnh, già cỗi, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất và thu hoạch để nâng cao chất lượng thương hiệu cam Hưng Yên. 
Năm nay, sản lượng cam toàn tỉnh ước đạt trên 31 nghìn tấn quả, trong đó, sản lượng cam được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP khoảng 11 nghìn tấn. Để tiêu thụ cam thuận lợi, bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, các HTX, hộ trồng cam đã chủ động đăng bán sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử như: Postmart, Sendo…; mạng xã hội như: Zalo, Facebook…
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan