Việc tiêm vaccine ngừa cúm hàng năm mang lại lợi ích quan trọng trong việc kích thích cơ thể sản sinh các kháng thể, giúp tăng cường khả năng bảo vệ trước sự tấn công của virus cúm.
![](/ckfinder/userfiles/images/ttxvn-tiem-phong_jpg.jpg)
Khách đến tiêm tại điểm tiêm chủng của VNVC Trường Chinh (Hà Nội). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Bệnh cúm là bệnh lý viêm đường hô hấp cấp tính do nhiều chủng loại virus cúm gây ra. Là bệnh truyền nhiễm, rất dễ bùng phát thành dịch và có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, viêm xoang và viêm tai và có khả năng làm người mắc bệnh dẫn đến tử vong.
Virus cúm liên tục biến đổi vì vậy việc tiêm phòng vaccine hàng năm là biện pháp phòng cúm mùa hiệu quả nhất.
1. Vaccine cúm có tác dụng trong bao lâu?
Việc tiêm vaccine ngừa cúm mang lại lợi ích quan trọng trong việc kích thích cơ thể sản sinh các kháng thể, giúp tăng cường khả năng bảo vệ trước sự tấn công của virus cúm.
Thông thường, hiệu quả bảo vệ của vaccine cúm kéo dài trong khoảng thời gian dưới một năm. Tuy nhiên, do đặc điểm virus cúm thường xuyên thay đổi cấu trúc kháng nguyên, các nhà khoa học và chuyên gia y tế phải liên tục tiến hành nghiên cứu và cải tiến quy trình sản xuất vaccine. Điều này nhằm đảm bảo các thành phần trong vaccine được tinh chỉnh phù hợp với những chủng virus cúm đang lưu hành trên toàn cầu, từ đó duy trì hiệu quả phòng bệnh tốt nhất cho cộng đồng.
Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm dễ lây lan và có nguy cơ bùng phát thành dịch, đồng thời có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Do đó, việc tiêm vaccine ngừa cúm hàng năm được các bác sỹ khuyến cáo để bảo vệ sức khỏe của bạn.
![](/ckfinder/userfiles/images/ttxvn-tiem-phong3.jpg)
Vaccine được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp trước khi tiêm chủng. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
2. Khi nào nên tiêm vaccine cúm?
Chủng virus cúm có xu hướng biến đổi mỗi năm, dẫn đến sự hình thành các loại virus mới đe dọa sức khỏe cộng đồng. Do đó, việc tiêm vaccine phòng cúm mùa đóng vai trò quan trọng và cần được thực hiện trước khi mùa cúm của năm đó bắt đầu. Để đảm bảo hiệu quả phòng ngừa tối ưu, bạn nên được tiêm vaccine càng sớm càng tốt ngay sau khi vaccine của năm được cung cấp.
Ở Việt Nam, theo nghiên cứu dịch tễ học cúm cho thấy dịch cúm thường xuất hiện quanh năm, đạt đỉnh vào tháng 3, tháng 4, tháng 9 và tháng 10 hàng năm. Bạn nên tiêm trước mùa cúm khoảng 2 tuần đến 1 tháng.
Bệnh cúm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Trong đó, trẻ em, phụ nữ có thai và người lớn tuổi, người mắc các bệnh mạn tính (tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh phổi) dễ bị virus cúm tấn công nhất. Những đối tượng này nếu mắc cúm thì nguy cơ biến chứng sẽ cao hơn.
Đối với phụ nữ đang lên kế hoạch mang thai, tốt nhất nên tiêm vaccine phòng cúm trước khi có thai. Nếu đang trong dịch cúm mùa mà chưa kịp tiêm trước khi mang thai thì vẫn có thể tiêm phòng vaccine ngừa cúm bất hoạt vào 3 tháng giữa thai kỳ. Phụ nữ có thai là đối tượng có nguy cơ biến chứng cao do cúm gây ra và vaccine cúm là vaccine bất hoạt nên có thể tiêm khi mang thai.
Đối với trẻ em, nên tiêm vaccine cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi.
Người cao tuổi, đặc biệt đối với những người lớn từ 65 tuổi trở lên, có thể cân nhắc việc tiêm loại vaccine được khuyến nghị cho tất cả các nhóm tuổi hoặc loại vaccine dành cho những người từ 65 tuổi trở lên.
![](/ckfinder/userfiles/images/ttxvn-tiem-phong2.jpg)
Nhân viên y tế giải thích với phụ huynh về vaccine cúm chuẩn bị tiêm cho bé. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
3. Vaccine cúm có hiệu quả không?
Vaccine phòng cúm giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến cúm từ 40 đến 60%. Hiệu quả của vaccine mỗi năm phần lớn dựa vào mức độ phù hợp giữa vaccine và các chủng virus đang lưu hành. Tuy nhiên, tiêm vaccine vẫn là biện pháp bảo vệ tốt nhất cho bản thân và gia đình trước nguy cơ bệnh nặng và tử vong.
Do các yếu tố như tuổi tác và tình trạng sức khỏe của người được tiêm có thể ảnh hưởng đến tác dụng của vaccine vì vậy vaccine không thể đảm bảo hiệu quả bảo vệ 100% cho mọi người.
4. Ai nên tiêm phòng vaccine cúm?
Những đối tượng nên tiêm vaccine cúm hàng năm gồm:
- Tất cả trẻ từ 6 tháng đến 18 tuổi.
- Những người 50 tuổi trở lên.
- Những người mắc các bệnh tim hay phổi mãn tính như hen suyễn hoặc bất kỳ bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch.
- Những người tiếp xúc thường xuyên với trẻ dưới 6 tháng tuổi.
- Những người thường xuyên tiếp xúc với nhóm có nguy cơ cao chẳng hạn như nhân viên y tế...
5. Ai không nên tiêm phòng cúm?
Theo khuyến cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), bạn không nên tiêm phòng cúm trong các trường hợp sau:
- Đã từng có phản ứng dị ứng khi tiêm vaccine cúm trước đây.
- Bị dị ứng với trứng.
- Đã mắc hội chứng guillain-barré (một rối loạn khi hệ miễn dịch tấn công vào hệ thần kinh) trong vòng 6 tuần sau lần tiêm cúm trước đó.
![](/ckfinder/userfiles/images/ttxvn-cum.jpg)
Điều trị cho bệnh nhân mắc cúm A. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
6. Tiêm vaccine cúm có gây ra tác dụng phụ không?
Vaccine cúm hiện tại chủ yếu sử dụng virus đã được bất hoạt, tức là virus đã bị tiêu diệt hoàn toàn, không có khả năng gây bệnh. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine cũng có thể dẫn đến một số tác dụng phụ.
Một số phản ứng thường gặp sau khi tiêm gồm:
- Tác dụng phụ không gây ra biến chứng: Đau ở chỗ tiêm, sốt nhẹ, quấy khóc, kém ăn, đôi khi rối loạn tiêu hóa, hắt hơi, đau đầu, chảy nước mũi, viêm họng, ho và đau nhức mình mẩy 1-2 ngày sau khi tiêm phòng. Những phản ứng này hầu hết tự khỏi và không cần điều trị.
- Tác dụng phụ gây ra biến chứng: Sốc phản vệ, biểu hiện thần kinh, rối loạn tiểu cầu máu... Tuy nhiên đây là những phản ứng cực kỳ hiếm./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/