KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chính trị
Đăng ngày: 28/03/2024 - Lượt xem: 244
Việt Nam kêu gọi các bên thực hiện nghĩa vụ bảo vệ người dân trong xung đột

Phát biểu trong khuôn khổ Khóa họp Hội đồng Nhân quyền LHQ, Đại sứ Mai Phan Dũng khẳng định trên thế giới hiện nay, việc thụ hưởng quyền con người đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng.

Đại sứ Mai Phan Dũng. (Ảnh: Anh Hiển/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, trong khuôn khổ Khóa họp 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mai Phan Dũng, Trưởng phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc, ngày 27/3 đã có bài phát biểu chung trong phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA), với chủ đề về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu người dân trong xung đột vũ trang, thu hút đông đảo các nước tham gia quan tâm và đồng bảo trợ.

Đại sứ Mai Phan Dũng khẳng định trên thế giới hiện nay, việc thụ hưởng quyền con người của người dân đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng; quyền được sống bị đe dọa bởi bạo lực vũ trang và các chất nổ còn sót lại sau chiến tranh; việc tiếp cận các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa gặp nhiều khó khăn do các cơ sở hạ tầng thiết yếu của người dân bị phá hoại.

Đại sứ cũng kêu gọi các bên trong xung đột thực hiện nghiêm các nghĩa vụ bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng theo luật nhân đạo quốc tế; tránh tối đa việc tấn công, phá hủy, loại bỏ, cản trở hoặc vô hiệu hóa các vật dụng thiết yếu đối với sự sống của người dân; tôn trọng, bảo vệ và tạo điều kiện tiếp cận đối với các lực lượng và đồ dùng hỗ trợ nhân đạo.

Ngoài ra, cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hết sức trong việc bảo vệ các vật dụng và cơ sở hạ tầng thiết yếu của người dân. Các quốc gia, các bên liên quan, nhất là các tổ chức quốc tế nên tăng cường hợp tác, tập trung vào việc hỗ trợ thúc đẩy phát triển bền vững của các khu dân cư bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, coi đây là biện pháp lâu dài để đảm bảo việc thụ hưởng quyền con người.

Trong bối cảnh hiện nay, tình hình an ninh, chính trị thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; các nước lớn tăng cường lôi kéo, tập hợp lực lượng, cạnh tranh chiến lược diễn ra gay gắt; chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, dân tộc, sắc tộc, tôn giáo,… bùng phát ở một số nơi, tác động sâu sắc đến mọi quốc gia.

Phát biểu chung trên do Việt Nam chủ trì là một dấu ấn tiếp theo của Việt Nam tại Khóa họp đầu năm 2024 trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, thể hiện đóng góp thực chất, trách nhiệm, có tính chất thời sự của Việt Nam vào công việc của Hội đồng Nhân quyền, nhận được sự ủng hộ, cùng tham gia của nhiều nước; đồng thời, phát biểu này cũng nhằm tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, có trách nhiệm tham gia giải quyết các vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn

Tin liên quan