Đại sứ Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh việc Phó Thủ tướng tham dự, phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á tiếp tục truyền tải thông điệp Việt Nam là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu. (Ảnh: Đức Thịnh/TTXVN)
Nhân dịp Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29 và thăm làm việc tại Nhật Bản từ ngày 22 đến ngày 25/5, phóng viên TTXVN tại Tokyo đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu về mục đích, ý nghĩa của chuyến công tác, cũng như đánh giá sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.
Theo Đại sứ Phạm Quang Hiệu, Hội nghị Tương lai châu Á do Tập đoàn Nikkei (Nhật Bản) tổ chức từ năm 1995.
Trải qua 28 lần tổ chức, chứng kiến nhiều thăng trầm của khu vực, từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 tới đại dịch COVID-19, Hội nghị Tương lai châu Á tiếp tục khẳng định được vai trò là một kênh đối thoại thường niên quan trọng, uy tín để chia sẻ và giải quyết những vấn đề chung của khu vực và quốc tế, thu hút sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao, giới học giả, truyền thông và các tập đoàn lớn tại châu Á.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh việc Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tham dự, trực tiếp phát biểu và trao đổi tại Hội nghị Tương lai châu Á sẽ tiếp tục truyền tải thông điệp mạnh mẽ về hình ảnh Việt Nam là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ASEAN, của khu vực và của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển; đồng thời tái khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam về bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, tiếp tục là điểm đến an toàn cho các tập đoàn trong bối cảnh thế giới bất định như chủ đề của hội nghị năm nay.
Chuyến công tác tham dự Hội nghị Tương lai châu Á và thăm, làm việc tại Nhật Bản của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước phát triển hết sức tốt đẹp, nhất là sau năm 2023, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
Chuyến công tác sẽ tiếp tục khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam với các sáng kiến của Nhật Bản, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tới Nhật Bản sau khi hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ mới.
Đề cập đến quá trình Việt Nam tham gia Hội nghị Tương lai châu Á, Đại sứ Phạm Quang Hiệu cho biết Việt Nam bắt đầu tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 15 từ năm 2009 và liên tục cử đoàn cấp cao tham dự sự kiện này từ đó đến nay.
Sự tham gia tích cực và đóng góp liên tục của lãnh đạo cấp cao Việt Nam cho thành công của hội nghị trong 15 năm qua được Ban tổ chức, các đại biểu và phía Nhật Bản đánh giá cao.
Việc tham gia diễn đàn quan trọng như Hội nghị Tương lai châu Á không chỉ để Việt Nam nắm bắt kịp thời các xu thế, chuyển biến và định hướng phát triển mới mà còn là cơ hội để chia sẻ rộng rãi về tư duy phát triển, quản trị và đóng góp của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề chung của khu vực và thế giới.
Đến với hội nghị, Việt Nam tham gia đánh giá, nhận định về tình hình thế giới và khu vực, phân tích các cơ hội cũng như các thách thức cấp bách; đồng thời cùng các nước tìm kiếm giải pháp cho các khó khăn, thách thức chung, củng cố lòng tin để tạo dựng nền tảng vững chắc cho tương lai.
Là thành viên có trách nhiệm của châu Á và thế giới, Việt Nam luôn mong muốn chung tay cùng các nước trong nỗ lực duy trì và thúc đẩy hoà bình, ổn định và phát triển, cùng xây dựng một châu Á ngày càng tốt đẹp hơn.
Trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Đại sứ Phạm Quang Hiệu nhận định quan hệ hai nước trong hơn 50 năm qua, với dấu mốc lịch sử là lãnh đạo hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới, đã đạt được nhiều bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, toàn diện với sự tin cậy chính trị cao, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng-an ninh, văn hóa-giáo dục, nông nghiệp, y tế, lao động, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương...
Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, tổ chức gặp gỡ bên lề các hội nghị quốc tế và khu vực, từ đó củng cố quan hệ tin cậy giữa lãnh đạo hai nước, đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển hiệu quả trong quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, các hội nghị ASEAN+, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), cùng nhau đóng góp ngày càng tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phù hợp với đường lối đối ngoại của mỗi nước.
Theo Đại sứ Phạm Quang Hiệu, chưa bao giờ việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước lại nhận được sự đồng thuận rộng rãi như vậy của Nhà nước, Chính phủ và nhân dân hai nước.
Theo Đại sứ Phạm Quang Hiệu, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn bởi hai nước có sự tin cậy lẫn nhau và những thế mạnh có thể bổ sung cho nhau để cùng phát triển. Nhật Bản là đối tác hết sức quan trọng để Việt Nam thực hiện 3 đột phá chiến lược, hiện thực hóa các mục tiêu, kế hoạch phát triển mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thúc đẩy triển khai thực hiện các thỏa thuận cấp cao, tập trung vào một số lĩnh vực sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường quan hệ chính trị tin cậy thông qua thúc đẩy các chuyến thăm, tiếp xúc các cấp nhất là cấp cao. Đặc biệt, sau năm 2023 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, tiếp tục phối hợp với phía Nhật Bản thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị trên tất cả các lĩnh vực, đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển mới, thực chất hơn, hiệu quả hơn.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29 và thăm làm việc tại Nhật Bản từ ngày 22 đến ngày 25/5. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)
Thứ hai, khai thác thế mạnh bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế, tăng cường liên kết kinh tế giữa hai nước, duy trì Nhật Bản là đối tác hàng đầu của Việt Nam về viện trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư, thương mại...
Mong muốn Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới giúp phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế.
Tranh thủ cơ hội doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong quá trình dịch chuyển sản xuất, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để thúc đẩy làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, tập trung thu hút đầu tư chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản.
Thứ ba, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi xanh...
Đại sứ Phạm Quang Hiệu bày tỏ tin tưởng với đà phát triển quan hệ hết sức tốt đẹp hiện nay, với nguyện vọng và quyết tâm của Chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Nhật Bản đang đứng trước vận hội phát triển mới đầy triển vọng, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn