Khai thác những thế mạnh của địa phương như nguồn lao động trẻ, hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp có từ lâu, xã Đức Hợp (Kim Động) đã khuyến khích người dân địa phương phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, tiểu thủ công nghiệp đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm 27,63% tổng giá trị sản xuất của xã. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã.
Xưởng sản xuất sản phẩm từ nhựa cao cấp của anh An Văn Hanh ở xã Đức Hợp (Kim Động)
Thời gian qua, xã đã triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân đầu tư phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm của địa phương. Nhờ đó, tiểu thủ công nghiệp đã và đang tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Hiện nay, xã có khoảng 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh tiểu thủ công nghiệp, thu hút hơn 1.500 lao động địa phương. Trên địa bàn xã, một số nghề đang phát triển với các sản phẩm chất lượng được thị trường đánh giá cao như: Sản xuất cơ khí, nghề làm đồ gỗ, may mặc…
Hiện nay, toàn xã có khoảng 10 cơ sở sản xuất các sản phẩm từ nhựa cao cấp với các mặt hàng chủ yếu là đồ gia dụng như: Tủ, bàn, ghế… Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhiều cơ sở đã chủ động đầu tư máy móc, thiết bị vào các khâu sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ với số lượng lớn. Đến thăm cơ sở sản xuất sản phẩm từ nhựa cao cấp của anh An Văn Hanh khi anh đang bận rộn cùng nhóm thợ làm gấp đơn hàng để kịp trả hàng cho khách, anh Hanh chia sẻ: “Tôi mở xưởng từ năm 2015, ban đầu xưởng nhỏ, chủ yếu làm phục vụ nhu cầu người dân trong xã, đến nay, mỗi tháng tôi đều nhận được khoảng 600 đơn đặt hàng từ trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi năm, doanh thu của xưởng đạt 8 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với với thu nhập bình quân từ 8 đến 12 triệu đồng/người/tháng.
Nghề mộc ở xã hiện đang thu hút khoảng gần 100 lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Là chủ một xưởng mộc, anh Vũ Văn Kiên ở thôn Đức Trung tạo việc làm ổn định cho từ 5 đến 7 lao động địa phương với thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng. Sản phẩm chính của xưởng rất đa dạng, tất cả đều được làm từ gỗ như: Cánh cửa, bàn thờ, lư hương... phục vụ nhu cầu người dân trong xã và một số xã lân cận. Mỗi năm, trừ các khoản chi phí, xưởng của anh Kiên thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Nhạy bén trong việc nắm bắt nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, những sản phẩm từ nghề mộc ở xã Đức Hợp không chỉ đa dạng về chủng loại, mẫu mã mà giá cả phải chăng, chất lượng ngày càng bảo đảm hơn.
Đức Hợp còn có nghề sản xuất áo mưa, đến nay, tạo việc làm và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trong xã. Trong xã có khoảng 100 hộ làm nghề, các hộ làm nghề có từ 2 đến 3 lao động với mức thu nhập từ 150 đến 250 nghìn đồng/người/ngày. Chị Phạm Lệ Thảo, một trong những hộ làm áo mưa của xã cho biết: Tôi làm nghề đến nay được gần 10 năm, đây cũng là công việc chính của tôi, mỗi tháng đều đặn tôi nhận làm khoảng 6 nghìn cái áo mưa theo đơn đặt hàng, thu nhập trung bình từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng.
Đồng chí Đỗ Tiến Lực, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2022, tổng giá trị sản xuất của xã Đức Hợp đạt trên 564,5 tỷ đồng, trong đó, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 156 tỷ đồng; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt trên 80%. Để tiếp tục phát huy những thế mạnh của địa phương trong phát triển tiểu thủ công nghiệp, thời gian tới, xã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn để sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao trình độ công nghệ các ngành nghề: Cơ khí sửa chữa, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc… Đồng thời, xã khuyến khích các hộ sản xuất áp dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Nguồn: https://baohungyen.vn