Những năm gần đây, việc xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường (BVMT) được đẩy mạnh thực hiện trong tỉnh thông qua việc huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, các tổ chức xã hội và cộng đồng.
Người dân huyện Phù Cừ tham gia trồng hoa và vệ sinh đường làng, ngõ xóm
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể đã tích cực tham gia công tác BVMT bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiệu quả như: Phong trào xây dựng khu dân cư “3 không”, phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, “ngày thứ bảy tình nguyện vì môi trường”, “ngày chủ nhật xanh”, “nhà sạch – ngõ sạch”… Qua đó thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và Nhân dân chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống. Bà Nguyễn Thị Vân ở xã Đoàn Đào (Phù Cừ) chia sẻ: Cả hai vợ chồng tôi đều làm công nhân, công việc bận rộn, nhưng được sự tuyên truyền của các hội, đoàn thể, chúng tôi đã sắp xếp công việc, bố trí thời gian để thường xuyên làm sạch môi trường sống bằng nhiều hoạt động như: Làm sạch nhà, làm sạch ngõ, chăm sóc cây xanh trên đoạn đường qua nhà mình, tự phân loại và xử lý rác hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần. Người dân trong khu dân cư nơi tôi sinh sống cũng ngày càng có ý thức tốt hơn trong BVMT, góp phần tạo dựng cảnh quan nông thôn ngày càng sạch đẹp.
Thông qua các phong trào, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT đã được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến trong hành động, người dân tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý chất thải. 100% khu dân cư nông thôn trong tỉnh có tổ vệ sinh môi trường tự quản, tuyến đường tự quản về vệ sinh môi trường. Hầu hết các khu dân cư trong tỉnh có tổ, đội làm công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đến nơi quy định. Các địa phương ở tỉnh duy trì hiệu quả hoạt động của hơn 900 tổ vệ sinh môi trường. 39 hợp tác xã có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Các tổ vệ sinh môi trường được trang bị xe, dụng cụ thu gom rác thải, đầu tư các điểm tập kết rác thải, bãi chôn lấp, thùng đựng rác công cộng.
Hằng năm, Nhân dân đã đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để thực hiện các hoạt động nhằm góp phần BVMT như: Trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống, rãnh thoát nước… Việc thông qua các tổ chức, hội, đoàn thể như: Hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên… để tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức và hành động của đoàn viên, hội viên và cộng đồng trong BVMT. Trong những năm qua, công tác xã hội hóa và phát triển dịch vụ môi trường đã được quan tâm, cụ thể hóa trong hệ thống chính sách pháp luật về BVMT, nhất là thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân. Toàn tỉnh hiện nay có 10 doanh nghiệp có chức năng xử lý chất thải đang hoạt động. Hầu hết các doanh nghiệp này xử lý bằng lò đốt chuyên dụng, ngoài một số loại rác thải công nghiệp có thể tái chế, những phế phẩm còn lại đều được đốt bằng lò chuyên dụng.
Ông Đào Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Huy Anh (phường Lê Lợi, thành phố Hưng Yên) cho biết: Hiện nay, công ty đang thực hiện các thủ tục để đầu tư xây dựng Dự án nhà máy xử lý rác thải tập trung huyện Phù Cừ ở xã Đoàn Đào với quy mô 100 tấn/ngày đêm (rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp thông thường), diện tích khoảng gần 30 nghìn m2, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2024. Tại đây, công ty đầu tư xây dựng lò đốt rác chuyên dụng bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường, ngoài xử lý rác thải phát sinh tại huyện Phù Cừ, có thể hỗ trợ xử lý rác thải của các địa bàn lân cận theo công suất của nhà máy.
Ngoài Dự án nhà máy xử lý rác thải tập trung huyện Phù Cừ, trong tỉnh có 3 dự án tương tự đang trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, có kế hoạch đi vào hoạt động trong năm 2024 và 2025, 100% kinh phí xây dựng nhà máy xử lý rác được huy động nguồn vốn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, 2 dự án xử lý rác thải do doanh nghiệp vận hành đã hoạt động ổn định nhiều năm nay là Khu xử lý chất thải thành phố Hưng Yên và Khu xử lý chất thải Đại Đồng (Văn Lâm).
Hằng năm, tỉnh dành hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cho các hoạt động này tăng liên tục trong những năm qua. Tuy nhiên, ngân sách dù có lớn cũng không thể đủ đáp ứng cho công tác xử lý chất thải, BVMT, nhất là khi lượng rác thải ngày một tăng. Trước áp lực ngày càng cao về rác thải, chất thải, việc đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa trong BVMT là yêu cầu bức thiết hiện nay. Một mặt giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, mặt khác tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng dân cư về BVMT ngay trong sinh hoạt, đời sống hàng ngày.
Nguồn: https://baohungyen.vn