Ngày 18/12/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định số 2345).
Theo đó, từ ngày 1/7/2024, khách hàng cần xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt khi chuyển tiền trực tuyến qua ngân hàng số có giá trị trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày.
Người dân thành phố Hưng Yên thực hiện cập nhật sinh trắc học khuôn mặt
trên app của ngân hàng
Là một hộ kinh doanh thường xuyên giao dịch trực tuyến nên ngay khi nắm bắt được thông tin, chị Đào Thị Tuệ, ở xã Lạc Hồng (Văn Lâm) đã chủ động cập nhật sinh trắc học khuôn mặt trên các app ngân hàng mà chị có tài khoản thanh toán trực tuyến. Chị Tuệ chia sẻ: Sáng 1/7, tôi truy cập vào app của ngân hàng trên điện thoại của mình và làm theo các hướng dẫn. Chỉ sau vài phút, tôi đã hoàn thành cập nhật sinh trắc học khuôn mặt cho cả 2 tài khoản tôi đang sở hữu của Ngân hàng Sacombank và Ngân hàng Agribank. Sau khi cập nhật xong, mọi giao dịch của tôi đều diễn ra thuận lợi và có thêm một bước xác thực nữa khiến tôi yên tâm hơn.
Không thuận lợi như chị Tuệ, nhiều người khi tự cập nhật sinh trắc học khuôn mặt trên điện thoại đã không thành công. Để bảo đảm các giao dịch thanh toán trực tuyến không bị gián đoạn sau ngày 1/7, các ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng cập nhật sinh trắc học khuôn mặt. Ngoài thông tin trên app, trang chủ của ngân hàng, các ngân hàng còn bố trí phương tiện, nhân lực để hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng trực tiếp tại tất cả các điểm giao dịch trên toàn quốc.
Ngân hàng TMCP Quân đội, Chi nhánh Hưng Yên (MB Hưng Yên), hiện nay đang có khoảng 400 nghìn khách hàng, trong đó có 35 – 40% giao dịch chuyển tiền trực tuyến phát sinh trên 10 triệu đồng/lần. Để bảo đảm quyền lợi của khách hàng, MB Hưng Yên đã bố trí cán bộ, nhân viên trực hỗ trợ khách hàng cá nhân tại tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch. Thời gian hỗ trợ vào tất cả các ngày trong tuần, trong đó từ thứ 2 đến thứ 6, hỗ trợ từ 8 đến 21 giờ và ngày thứ Bảy, Chủ nhật hỗ trợ từ 8 đến 17 giờ. Ngoài lực lượng tại chỗ, đơn vị bố trí lực lượng bổ sung từ các bộ phận khác, đồng thời phân luồng khách hàng nhằm hạn chế ùn tắc tại điểm giao dịch cũng như bảo đảm hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng. Ông Hoàng Ngọc Tuyền, Giám đốc dịch vụ MB Hưng Yên cho biết: Những ngày đầu tháng 7, có nhiều khách hàng trực tiếp đến quầy giao dịch nhờ hỗ trợ, hướng dẫn cập nhật sinh trắc học khuôn mặt. Tại đây, các nhân viên sẽ kiểm tra giấy tờ tùy thân, điện thoại thông minh của khách hàng. Hầu hết những trường hợp khách hàng không tự cập nhật được là do các nguyên nhân như: Điện thoại đời cũ không hỗ trợ công nghệ không dây tầm ngắn (NFC), thông tin tài khoản không trùng khớp với thông tin trên CCCD gắn chíp, khách hàng thao tác chưa đúng.
Tại các điểm giao dịch của Ngân hàng Agribank, chi nhánh tỉnh Hưng Yên, những ngày này cũng có khá đông người tới nhờ hỗ trợ, hướng dẫn cập nhật sinh trắc học khuôn mặt. Để hỗ trợ khách hàng, đơn vị đã tập trung bố trí nhân lực, phương tiện để sẵn sàng hỗ trợ trực tiếp khách hàng một cách nhanh chóng và kịp thời nhất. Tại tất cả điểm giao dịch của ngân hàng đều phân công và bố trí giao dịch viên hỗ trợ khách hàng. Ông Nguyễn Văn Đạt, phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên) chia sẻ: Khi biết được thông tin phải cập nhật sinh trắc học khuôn mặt theo quy định, tôi đã chủ động thực hiện tại nhà nhưng không thành công. Do vậy, tôi trực tiếp đến quầy giao dịch của Ngân hàng Agribank để được hỗ trợ, hướng dẫn. Tại đây, các nhân viên đã nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ tôi hoàn thành cập nhật sinh trắc học khuôn mặt, đồng thời hướng dẫn tôi các thao tác chuyển tiền trực tuyến bằng sinh trắc học khuôn mặt. Tôi thấy việc cập nhật sinh trắc học khuôn mặt là rất cần thiết nhằm phòng, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản.
Nhân viên MB Hưng Yên hỗ trợ khách hàng cập nhật sinh trắc học khuôn mặt
Những ngày đầu khi Quyết định số 2345 có hiệu lực, lượng khách hàng đến quầy giao dịch của các ngân hàng khá đông nhờ hỗ trợ, hướng dẫn. Với sự chủ động bố trí sắp xếp khoa học, linh hoạt nên các ngân hàng đã hỗ trợ thành công hầu hết các khách hàng đủ điều kiện như: Thẻ CCCD có gắn chíp, điện thoại có hỗ trợ NFC, thông tin khách hàng trong tài khoản trùng khớp với thông tin trên thẻ CCCD gắn chíp… Tuy nhiên, hiện nay, một số đối tượng lừa đảo dựa vào tâm lý sốt ruột, ngại đến phòng giao dịch ngân hàng vì lo ngại đông đúc, mất thời gian của người dân đã tạo các đường link, thông tin giả để lừa đảo với các chiêu trò như: Thành lập nhóm hỗ trợ sinh trắc học khuôn mặt trực tuyến; chia sẻ đường link hỗ trợ, hướng dẫn cập nhật sinh trắc học khuôn mặt… Trước thực trạng trên, các ngân hàng khuyến cáo: Người dân cần nâng cao cảnh giác, không truy cập vào các trang mạng hay đường link này vì hiện nay, việc cập nhật sinh trắc học khuôn mặt chỉ được thực hiện trên các app của ngân hàng. Nếu gặp khó khăn trong thực hiện sinh trắc học khuôn mặt trực tuyến tại nhà, khách hàng cần đến quầy giao dịch của ngân hàng để được hỗ trợ, hướng dẫn với thời gian thực hiện chỉ mất vài phút.
Việc thực hiện sinh trắc học khuôn mặt trong giao dịch trực tuyến theo Quyết định số 2345 là cần thiết, được đông đảo khách hàng đồng tình, ủng hộ. Sinh trắc học khuôn mặt chính là thêm một hàng rào bảo vệ tài khoản của khách hàng. Khi có sinh trắc học khuôn mặt, hoạt động chiếm đoạt tài khoản, sử dụng tài khoản trái phép của các đối tượng lừa đảo, tội phạm sẽ được hạn chế. Tuy nhiên, để bảo vệ tài sản của mình trên môi trường số, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản, mã OTP cho người lạ…
Nguồn: https://baohungyen.vn