Những năm qua, việc thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương, từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chương trình OCOP thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Để sản phẩm OCOP bảo đảm chất lượng, các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác quản lý và giám sát tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm. Đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ về tín dụng, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP đối với các chủ thể. Các sản phẩm OCOP được xếp hạng đã bảo đảm và duy trì chất lượng, các điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Chế biến sản phẩm sấu tươi giòn tại hộ kinh doanh cá thể Quyến Lưu,
xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên)
Sản phẩm sấu tươi giòn của hộ kinh doanh cá thể Quyến Lưu, xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên) được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Ông Vũ Văn Quyến, chủ cơ sở sản xuất Quyến Lưu cho biết: Cơ sở xây dựng quy trình sản xuất, hướng dẫn các hộ dân trồng sấu kỹ thuật chăm sóc đến thu hoạch, ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với người dân. Sản lượng sấu sau khi thu mua về được cơ sở phân loại, sơ chế, chế biến, hoàn thiện bao bì, mẫu mã sản phẩm và tiêu thụ tại một số đại lý, gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP ở trong và ngoài tỉnh. Việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đã giúp cơ sở của gia đình bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên, xã Chí Tân (Khoái Châu) chuyên sản xuất các sản phẩm chế biến từ nghệ như: Bột nghệ, sữa nghệ, nanocurumin, tinh bột nghệ… Công ty có 5 sản phẩm được chứng nhận OCOP hạng ba sao, bốn sao. Ông Hoàng Quang Đông, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên cho biết: Công ty chú trọng đến quy trình sản xuất an toàn từ nguyên liệu đến thành phẩm. Việc xây dựng chuỗi liên kết góp phần nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của các hộ dân sản xuất nghệ. Vùng sản xuất nghệ của công ty và các hộ dân liên kết được khảo sát, đánh giá chất lượng nước, đất; quy trình sản xuất bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm để đáp ứng điều kiện xuất khẩu bột nghệ sang một số nước như: Nhật Bản, Trung Quốc…
Ngoài ra, để nâng cao tính cạnh tranh, giá trị sản phẩm OCOP, nhiều chủ thể chú trọng đăng ký mã số, mã vạch cho sản phẩm; quan tâm mẫu mã, bao bì đóng gói, nhãn mác, chứng nhận về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử... Hiện nay, toàn tỉnh có 252 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, xếp hạng. Chương trình OCOP đã tác động tích cực đến việc phát triển các mô hình sản xuất mới có hiệu quả, phát triển các sản phẩm truyền thống theo hướng chuyên sâu. Toàn tỉnh có 25 sản phẩm OCOP đã khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận như: Nhãn lồng Hưng Yên; nghệ Chí Tân (Khoái Châu); chuối tiêu hồng Khoái Châu; vải lai chín sớm Phù Cừ; mật ong hoa nhãn Hưng Yên; vải trứng Hưng Yên; long nhãn Hưng Yên; cam Hưng Yên; sen Hưng Yên… Từ đó, hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị. Chương trình OCOP đã thúc đẩy hình thành 180 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoạt động hiệu quả. Các sản phẩm OCOP được liên kết theo chuỗi giá trị đã giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Theo tổng hợp của ngành chuyên môn, khoảng 60% chủ thể tham gia chương trình OCOP có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã tăng doanh thu bình quân khoảng 16%/năm, giá bán tăng bình quân khoảng 12%; thị trường tiêu thụ được mở rộng trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc.
Thực tế sản xuất trên địa bàn tỉnh cho thấy, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP đã góp phần phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đáp ứng về số lượng, nâng cao giá trị, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu giữa các chủ thể có sản phẩm OCOP với các siêu thị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh. Đối với sản phẩm có tiềm năng, quan tâm hỗ trợ, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa, phát triển và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, chủ lực, có thế mạnh theo hướng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Nguồn: https://baohungyen.vn