Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chuyển tải tư duy chiến lược của Ðảng về đường lối, chính sách đối ngoại, ngoại giao Việt Nam. Ðây là tài liệu quý cho các thế hệ cán bộ làm công tác đối ngoại, ngoại giao định hướng và vận dụng trong thực tiễn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: Trong những năm đổi mới, đối ngoại, ngoại giao đã "góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung, to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta", nhờ đó "vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế". Sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các trụ cột đối ngoại Ðảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân đã làm nên những thành tựu đáng tự hào đó. Những kết quả đó có sự đóng góp rất quan trọng của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nói chung và cán bộ ngoại giao nói riêng. Sự đánh giá cao đó của Tổng Bí thư là nguồn động viên khích lệ và cũng là động lực phấn đấu hơn nữa của những cán bộ làm công tác ngoại giao.
Trong cuốn sách mới, Tổng Bí thư chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng cho công tác đối ngoại, ngoại giao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới - đó là triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nhằm "nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị-kinh tế quốc tế" vì lợi ích quốc gia-dân tộc và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Mục tiêu bao trùm của đối ngoại, ngoại giao trong giai đoạn mới là phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi để chủ động, tích cực xây dựng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược phát triển đất nước. Chúng ta luôn kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế. Tuân thủ nguyên tắc "Dĩ bất biến ứng vạn biến", ngoại giao Việt Nam phát triển rộng mở theo phương châm "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế".
Trong các mối quan hệ quốc tế, thực lực của đất nước là nền tảng cho hoạt động ngoại giao. So sánh tương quan trên thực tế sẽ quyết định những điều khoản được ký kết trên bàn đàm phán. Trên nền thực lực của đất nước, một đường lối ngoại giao khôn khéo được hoạch định và thực hiện thành công sẽ tạo những điều kiện thuận lợi phát huy sức mạnh tổng hợp để đạt những thắng lợi.
Nói về mối liên hệ biện chứng giữa thực lực và ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng "Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn"(1). Các cán bộ làm công tác đối ngoại, ngoại giao là những người trực tiếp làm cho "tiếng chiêng" đó vang xa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh "điều có ý nghĩa quyết định nhất" là "xây dựng ngành ngoại giao, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại có đủ bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức ngang tầm với nhiệm vụ mới". Với chỉ dẫn đó, "nhiệm vụ xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tinh nhuệ làm công tác đối ngoại, để hoàn thành tốt nhất những nhiệm vụ quan trọng và ngày càng phức tạp đang đặt ra với ngành ngoại giao, xứng đáng với sự tin cậy của Ðảng, Nhà nước và nhân dân" - theo lời Tổng Bí thư, đang đòi hỏi toàn ngành cố gắng hoàn thành tốt.
Tiếp tục nhận thức và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, những người làm công tác đối ngoại, ngoại giao tiếp tục rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trình độ nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ trên "mặt trận" của mình.
Nguồn: https://nhandan.vn
-------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, Tập 4, tr 147.