Phù Cừ (Hưng Yên) là huyện nông nghiệp với 70% tổng diện tích tự nhiên là đất nông nghiệp. Nhiều năm qua, huyện hướng mạnh vào mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nông dân Phù Cừ giới thiệu đặc sản vải lai chín sớm của huyện.
Do sản xuất nông nghiệp của huyện còn nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở hạ tầng còn lạc hậu…, các cấp ủy đã xác định, dồn sức cho hướng đột phá, khâu then chốt tạo nên sức bật trong phát triển.
Từ vai trò cấp ủy đến khâu then chốt
Đầu tháng 3/2024, Chi bộ thôn Quế Ải, xã Minh Hoàng sinh hoạt thường kỳ với sự tham dự của đại diện cấp ủy cấp trên. Cũng như nhiều xã khác của huyện, Minh Hoàng đã có bước đi vững chắc trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Theo đánh giá của các đảng viên trong chi bộ, kết quả có được là nhờ năng lực, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy.
Với những mục tiêu, nhiệm vụ đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành chương trình, đề án về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, công tác cán bộ được xác định là trọng tâm, then chốt.
Từ thực tiễn có nhiều hạn chế, bất cập ở một số địa phương, đơn vị, các cấp ủy coi trọng lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị. Toàn đảng bộ tập trung thực hiện nghiêm chế độ, nguyên tắc phân cấp quản lý cán bộ; bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử của hệ thống chính trị.
Bí thư Huyện ủy Phù Cừ Nguyễn Văn Đoàn trao đổi, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể coi trọng đánh giá cán bộ một cách toàn diện, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ là thước đo phẩm chất, năng lực cán bộ.
Mặt khác, từ huyện đến cơ sở, công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ hướng mạnh vào mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực và tăng cường cán bộ trẻ, cán bộ nữ.
Các cấp ủy đã rà soát, kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những nhân sự không đủ điều kiện. Mặt khác, huyện tăng cường cử cán bộ, công chức, viên chức cấp xã và huyện đi đào tạo trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và tham gia các loại hình bồi dưỡng. Huyện kịp thời luân chuyển, điều động bảy đồng chí cán bộ từ huyện về đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt cấp cơ sở; năm đồng chí từ xã này sang xã khác; hiện có 6/14 Bí thư đảng ủy và 2/14 Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã không phải là người địa phương.
Thực tế ở Đảng bộ huyện, các cấp ủy đảng đã thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; bảo đảm phát huy vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong lựa chọn, giới thiệu nhân sự; thực hiện đúng quy trình, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử. Huyện đã luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử đối với 392 lượt cán bộ diện Huyện ủy quản lý. Cán bộ đưa vào quy hoạch bảo đảm chất lượng, gắn với yêu cầu chức trách nhiệm vụ.
Đến nay, Phù Cừ đã quy hoạch được 395 lượt cán bộ quản lý cấp huyện; 852 lượt cán bộ cấp cơ sở. Trong đó cán bộ, công chức trẻ đã được phê duyệt quy hoạch vào ban chấp hành đảng bộ các xã, thị trấn, chiếm 57%; quy hoạch Ban thường vụ đảng ủy là 68 đồng chí, trong đó cán bộ trẻ dưới 40 tuổi là 37 đồng chí chiếm 54%, đánh dấu sự đổi mới công tác cán bộ gắn yêu cầu, mục tiêu phát triển của toàn huyện. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện không có đơn thư khiếu nại, tố cáo của cán bộ, đảng viên hoặc tập thể cấp ủy, đảng viên, người đứng đầu vi phạm, bị xử lý trách nhiệm trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.
Đổi mới, phát huy nội lực từ cơ sở
Thực tế ở Phù Cừ cho thấy, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, đội ngũ cán bộ các cấp là nền tảng, tạo động lực để triển khai đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Nhiều năm qua, Phù Cừ đã dồn sức xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu gắn liền phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Khả Phúc cho rằng, vai trò dẫn đường, “đầu kéo” của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tạo sự đồng thuận, vượt lên những bất cập, thách thức, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho các mục tiêu phát triển trên địa bàn.
Nhằm tạo “đường dẫn” tốt cho nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phát triển, Phù Cừ tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng hệ thống giao thông. Huyện đã tập trung nguồn lực, để đầu tư các công trình, dự án giao thông là trục chính, xương sống phục vụ kết nối giao thương, phát triển kinh tế. Huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nhân dân cùng tham gia nâng cấp, mở rộng đường làng, ngõ xóm, đường ra khu vực sản xuất.
Các tuyến đường huyện, đường xã, đường ngõ xóm tại 13 xã của huyện được nâng cấp, đồng bộ đã thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, huyện đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; chuyển đổi số. Từ đó, các chỉ số về cải cách hành chính năm 2022-2023 của Phù Cừ cải thiện vượt trội.
Hiện, toàn bộ các cơ quan của Ủy ban nhân dân huyện và xã đã sử dụng văn bản điện tử ký số trong khi Phù Cừ đứng đầu tỉnh Hưng Yên về chỉ tiêu kích hoạt định danh điện tử theo Đề án 06.
Thực tế ghi nhận, Đảng bộ huyện Phù Cừ tập trung cao vào lãnh đạo, chỉ đạo các nội dung cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cùng vào cuộc, phát huy sự đồng thuận, nội lực từ cơ sở trong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên đất trồng lúa; lựa chọn giống cây trồng phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, cho hiệu quả kinh tế cao; tích tụ ruộng đất gắn với thực hiện quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo sản phẩm hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Đỗ Minh Tuân nhìn nhận, Phù Cừ có bước đi cơ bản, nhanh, bền vững trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và nâng cao. Đặc biệt, đề án xây dựng huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu về bảo vệ môi trường và sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung đã được Phù Cừ chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt với nhiều giải pháp hiệu quả.
Trong hành trình đó, từng cấp ủy, chi bộ giữ vững nguyên tắc, chế độ, nền nếp sinh hoạt đảng. Hệ thống chính trị phát huy hiệu quả trong công tác, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ ở địa phương. Ban Thường vụ Huyện ủy phối hợp Ủy ban nhân dân huyện ban hành cơ chế chỉ đạo, hỗ trợ phát triển, khuyến khích các mô hình sản xuất nông nghiệp mới; thành lập các tổ hợp tác, các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản của huyện (sản phẩm OCOP).
Với sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, phát huy sự đồng thuận trong nhân dân, huyện đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng cây ăn quả đặc sản giá trị cao, quy mô lớn với tổng diện tích hơn 3.105 ha. Trong đó tập trung phát triển vào một số cây trồng như nhãn đặc sản 585 ha; 450 ha cây có múi; 1.100 ha vải giá trị kinh tế cao, có 850 ha vải lai chín sớm; 250 ha vải trứng đặc sản…
Huyện triển khai hỗ trợ ứng dụng quy trình thực hành sản xuất VietGAP đối với các vùng sản xuất tập trung, có quy mô lớn; hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; triển lãm hàng nông sản; 18 sản phẩm OCOP của huyện đều được hỗ trợ tham gia sàn thương mại điện tử. Có ba vùng đã được cấp chứng nhận vùng có đủ điều kiện xuất khẩu (vùng được cấp mã số OTAS) vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn cũng phát triển nhanh theo quy mô tập trung, mô hình hợp tác xã chuyên về nuôi trồng thủy sản phát triển…
Trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, huyện đã đầu tư, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, cải thiện môi trường sống, được tỉnh Hưng Yên đánh giá cao. Huyện đã quy hoạch và triển khai hình thành các cụm công nghiệp Quán Đỏ-Đoàn Đào; Trần Cao-Quang Hưng và Đình Cao tạo nên sự đồng bộ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Từ đó, kinh tế của huyện ba năm liền tăng trưởng mạnh (năm 2022 tăng 11%; năm 2023 tăng 13,6%); thu nhập bình quân đầu người tăng đều mỗi năm, đời sống người dân cải thiện nhanh. Hiện Phù Cừ đã có 12/13 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; 6/13 xã kiểu mẫu. Huyện cơ bản hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.
Đảng bộ huyện Phù Cừ đã và đang hướng mạnh vào nhiệm vụ nâng cao năng lực lãnh đạo của từng tổ chức đảng, tập thể cấp ủy. Trước hết là giữ nghiêm nền nếp, chế độ, nguyên tắc, kỷ cương trong sinh hoạt Đảng; phát huy tốt vai trò người đứng đầu. Đảng bộ huyện đặt đúng vị trí khâu “then chốt” để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, có tinh thần đổi mới, sáng tạo… -những nhân tố quan trọng tạo nên sự bứt phá trong phát triển của Phù Cừ.
Nguồn: https://nhandan.vn