KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 28/02/2024 - Lượt xem: 1183
Xây dựng thành phố Hưng Yên trở thành đô thị thông minh, sinh thái, hiện đại và văn hiến

Gắn với câu ca “thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, Phố Hiến xưa – thành phố Hưng Yên hôm nay là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử văn hóa truyền thống. Kinh tế - xã hội của thành phố ngày càng phát triển, hình thành dáng vóc của một đô thị hiện đại, thông minh, sinh thái.

Trở về vị trí thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Hưng Yên từ năm 1997, đến năm 2009 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, từ đó đến nay, thành phố Hưng Yên đã có những bước tiến vượt bậc, đang tiệm cận mục tiêu trở thành đô thị loại II. Nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố Hưng Yên đạt trên 10% mỗi năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỉ trọng khu vực phi nông nghiệp và giảm tỉ trọng khu vực nông nghiệp. Tổng thu ngân sách của thành phố năm 2023 đạt hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, đạt gần 140% kế hoạch tỉnh giao; tỉ lệ đô thị hóa đạt gần 53%… Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai toàn diện, đến nay thành phố có 10/10 xã đạt nông thôn mới nâng cao, xã Hồng Nam đạt nông thôn mới kiểu mẫu. 2 xã Hùng Cường và Phương Chiểu đã cơ bản đạt các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Nhiều tuyến phố của thành phố đã “thay da, đổi thịt”, hoạt động xúc tiến thương mại được tăng cường. Các xã vùng ven của thành phố như: Bảo Khê, Liên Phương, Quảng Châu, Tân Hưng… cũng phát triển sầm uất, những “phố trong làng” sôi động, nhộn nhịp.
Vẻ đẹp thành phố Hưng Yên nhìn từ trên cao
Ngày 24/3/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU về phát triển thành phố Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu là xây dựng thành phố Hưng Yên trở thành đô thị thông minh, sinh thái, hiện đại và văn hiến. Theo Nghị quyết số 21-NQ/TU, mục tiêu đến năm 2025, tăng trưởng GRDP của thành phố khoảng 10,5/năm; thu ngân sách nhà nước tăng trung bình trên 8%/năm; tỉ lệ đô thị hóa toàn thành phố đạt 59%; tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5%; thêm 5 xã lên phường. Đến năm 2030, đạt trên 50% các tiêu chí của đô thị loại I; hoàn thành dự án Khu đại học Phố Hiến; nâng cấp các xã còn lại lên phường; tăng trưởng GRDP đạt 11,5%/năm; tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 70%. Đến trước năm 2035, thành phố Hưng Yên trở thành đô thị loại I, là thành phố du lịch văn hóa, có hệ sinh thái đô thị thông minh hoàn chỉnh. Đến năm 2045, thành phố Hưng Yên trở thành thành phố sinh thái, thông minh, văn hiến và giàu đẹp.
Điển hình như trong xây dựng đô thị thông minh, thành phố Hưng Yên đã sớm bắt tay vào nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin. Hiện nay, mạng lưới internet trên địa bàn thành phố có thể kết nối đến 100% số hộ dân. Thành phố đã đưa vào sử dụng Trung tâm Giám sát điều hành thông minh, đặt tại trụ sở HĐND, UBND thành phố với nhiều chức năng tiện ích như: Trung tâm Giám sát và điều hành giao thông, Trung tâm Giám sát điều hành an ninh công cộng, Trung tâm Giám sát phản ánh hiện trường, Trung tâm giám sát thông tin trên môi trường mạng, Trung tâm Giám sát điều hành y tế, Trung tâm giám sát điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội...
Gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hiến, các di tích lịch sử ở Phố Hiến vẫn được bảo tồn, gìn giữ cho đến ngày nay. Thành phố Hưng Yên hiện nay có 200 di tích lịch sử - văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, gần 100 bia ký và hàng ngàn cổ vật có giá trị. Các di tích có ở khắp các xã, phường với đa dạng các loại hình kiến trúc nghệ thuật mang dấu ấn của nhiều nền văn hóa riêng biệt và giao thoa với nhau tạo thành một quần thể di tích độc đáo, minh chứng cho thời kỳ phát triển rực rỡ của Phố Hiến.
Năm 2014, khu di tích Phố Hiến được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Từ năm 2007, thành phố Hưng Yên đã phục dựng và tổ chức Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến. Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến được tổ chức vào mùa xuân, càng làm không khí lễ hội và các hoạt động du xuân của người dân, du khách thêm sôi nổi, nô nức.
Đến với Lễ hội Văn hoá dân gian Phố Hiến, du khách sẽ được thưởng thức
và tham gia nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc
Lễ hội năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ 29/02 đến hết ngày 2/3 (ngày 20 đến 22 tháng Giêng năm Giáp Thìn), trong không gian văn hóa tại các di tích lịch sử thuộc quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến như: Đền Mẫu, đền Trần, đình, chùa Hiến, đền Thiên Hậu, chùa Chuông, Văn Miếu Xích Đằng… Tại lễ hội, phần lễ sẽ được phục dựng lại các nghi thức tế, lễ truyền thống nhằm tạo không gian văn hóa riêng. Phần hội là các hoạt động sôi nổi, náo nhiệt với những trò chơi dân gian như đi cầu kiều, kéo co, chuyền chanh, nhảy bao bố, bịt mắt đập niêu, múa rối nước, hát trên thuyền tại hồ Bán Nguyệt… tái hiện, khắc họa sống động, giúp du khách hình dung về cảnh tấp nập “trên bến dưới thuyền” của thương cảng Phố Hiến xưa.
Đến với Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các di tích mà còn được đắm mình trong các hoạt động dân gian truyền thống. Lễ hội cũng là hoạt động mở màn cho một chuỗi các lễ hội tại các di tích khiến không gian lễ hội như một dòng chảy liên tục kéo dài, quảng bá nét đẹp về kiến trúc, văn hóa truyền thống của Phố Hiến xưa - thành phố Hưng Yên hôm nay, góp phần xây dựng Hưng Yên trở thành một trung tâm di sản văn hóa đặc sắc tại khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Thành phố Hưng Yên tích cực thực hiện các tiêu chí trong xây dựng đô thị, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hưng Yên lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II. Hiện nay, thành phố đã xây dựng xong đề cương nhiệm vụ phát triển đô thị thành phố đến năm 2035. Đã trình UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Hưng Yên đến năm 2035; tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu đô thị, kết hợp dịch vụ công viên hồ An Vũ; đang triển khai xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc đô thị thành phố Hưng Yên… Nhìn từ trên cao, diện mạo đô thị xanh tươi, hiện đại của thành phố Hưng Yên ngày càng rõ nét, bắt mắt.
Những năm tiếp theo, thành phố tập trung xây dựng theo hướng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và theo xu thế hệ sinh thái đô thị thông minh; rà soát thực hiện chiến lược thu hút đầu tư trọng điểm, khả thi theo định hướng và quy hoạch; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đô thị, trong đó thương mại - dịch vụ là mũi nhọn, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên đất đai, khắc phục ô nhiễm, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân…
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan