KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 26/09/2023 - Lượt xem: 172
Xây dựng thương hiệu: Cơ hội để nông sản bứt phá tại thị trường lớn

Hiệp định EVFTA đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam khai thác được những lợi thế cạnh tranh tuyệt đối hoặc là lợi thế cạnh tranh so sánh của nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản.


Lãnh đạo Bộ Công Thương cùng các doanh nghiệp tại triển lãm kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác châu Âu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu hàng tỷ USD vào thị trường EU. Song, với tiêu chuẩn ngày càng cao của 'Lục địa già,' các doanh nghiệp Việt phải có chiến lược đầu tư bài bản từ công nghệ đến quy trình sản xuất, giúp nâng cao giá trị, tạo tiền đề cho việc xuất khẩu bền vững.
Dấu ấn tăng trưởng
Hơn 3 năm Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (1/8/2020), nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có nông, thủy sản được hưởng nhiều ưu đãi, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) cũng tăng mạnh.
Thống kê cho thấy, năm 2020, xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường EU đạt 3,07 tỷ USD; năm 2021 đạt 3,236 tỷ USD và năm 2022 đạt tới 4,934 tỷ USD.
Để góp phần tạo nên các kết quả xuất khẩu trên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội để mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu sang EU. Đơn cử như gạo Lộc Trời với thương hiệu Cơm Việt Nam Rice đã xuất khẩu thành công vào chuỗi siêu thị của Pháp, quả vải tươi của Việt Nam xuất khẩu vào Séc và một số thị trường EU, càphê Vĩnh Hiệp xuất khẩu sang EU…
Có thể thấy, Hiệp định EVFTA đã tạo đà cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và mặt hàng nông lâm sản nói riêng khi nhiều dòng thuế xuất khẩu vào thị trường này được xóa bỏ, giúp tạo lợi thế cạnh tranh so với hàng từ một số quốc gia khác không có FTA với EU.
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), lợi thế lớn nhất đối với hàng hóa của Việt Nam trong đó có các mặt hàng nông sản chính là việc mở cửa thị trường bởi EU là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu Việt Nam và cũng là những thị trường mà Việt Nam có thặng dư thương mại rất lớn. Tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và EU đối với thị trường này cũng tăng đều qua các năm mặc dù có chịu tác động từ đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng hiệp định EVFTA đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam khai thác được những lợi thế cạnh tranh tuyệt đối hoặc là lợi thế cạnh tranh so sánh của nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông lâm thủy sản.
“Doanh nghiệp đã có được cú hích từ EVFTA để có thể khai thác được lợi thế cạnh tranh này, điển hình từ những con số tăng trưởng vượt bậc kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua,” ông Lê Duy Bình nói.
Kết nối sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Bên cạnh những mặt hàng nông lâm thủy sản phẩm mang tính chất truyền thống, như càphê, hạt điều, hồ tiêu..., trong thời gian vừa qua, nhờ hiệp định EVFTA, nhiều doanh nghiệp cũng khai thác được thêm những lợi thế tuyệt đối với một số mặt hàng nông sản mới như mặt hàng gạo, đặc biệt là gạo chất lượng cao và gạo thơm, được minh chứng qua sự tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu, cụ thể là thị trường EU gấp 2 hoặc 3 lần so với trước đây.
Hay như đối với mặt hàng rau củ quả, cũng có sự tăng trưởng đáng khích lệ, với kim ngạch xuất khẩu hơn 200 triệu USD vào năm 2022, giúp Việt Nam trở thành nhà cung cấp thứ 59 trên thế giới về mặt hàng này đối với thị trường EU. Điều này cho thấy chúng ta cũng đã khai thác được rất nhiều lợi thế từ EVFTA.
Tạo dựng thương hiệu sản phẩm
Dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, song nông sản Việt cũng đang phải chịu những áp lực lớn với tiêu chuẩn ngày càng cao của nhà nhập khẩu từ thị trường EU.
Thực tế cho thấy, rất nhiều nông sản của Việt Nam được xuất khẩu dạng thô, do đó giá trị gia tăng chưa cao khi xuất sang thị trường này. Vì vậy, dù gia tăng sản lượng xuất khẩu sang EU, song vẫn chưa có nhiều thương hiệu được biết đến.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết nếu chỉ là một nhà xuất khẩu đơn thuần, tức là mua đi bán lại hoặc là có nhà máy mua lúa xay xát rồi bán cho đối tác thì gần như không thể xây dựng được thương hiệu tại thị trường châu Âu.
Hiện Việt Nam được đánh giá là một trong những nước xuất khẩu có uy tín và được tin cậy nhất trên thế giới về lúa gạo thì đầu tiên đó là Việt Nam đã có nền tảng rất vững chắc về sản xuất lúa, canh tác lúa và cung cấp lúa gạo trên thế giới một cách ổn định. “Đó là điều kiện cần nhưng để xây dựng được thương hiệu ở thị trường châu Âu vẫn cần nhiều nỗ lực,” ông Nguyễn Duy Thuận nêu ý kiến.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị Việt Nam cho biết đối với mặt hàng hồ tiêu và gia vị khi đi ra thị trường thì song song với câu chuyện thương hiệu còn phải gắn với câu chuyện thị trường và chất lượng bởi vì EU là một thị trường tương đối khó tính và liên tục cập nhật các vấn đề về kiểm soát chất lượng, cùng đó là phải kiểm soát được chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng.
Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp phải hướng đến phương thức hợp tác một cách chặt chẽ hơn, có cam kết trong thời gian ổn định trong một thời gian dài cùng với đó là các tiêu chí về môi trường, phát triển bền vững. Tín hiệu đáng mừng là hiện Việt Nam vẫn là thị trường cung các mặt hàng hồ tiêu và gia vị chính cho EU (chiếm tới 45% thị phần).
Tuy vậy, bà Hoàng Thị Liên cho rằng để xây dựng được thương hiệu sản phẩm cho từng doanh nghiệp thì trước hết cần phải xây dựng được thương hiệu quốc gia. Ngược lại, bản thân các doanh nghiệp cũng vừa phải cải tiến liên kết sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa phải chuyển đổi ngành sản xuất để có thể cung cấp cái thị trường cần chứ không phải cái mình có thể làm được, bởi những sản phẩm mình có thể làm tốt nhất chưa chắc đã là điều mà mình mong muốn nhất.
Liên quan tới vấn đề này, ông Ngô Chung Khanh nhận định tâm lý chung của nhà nhập khẩu là họ muốn dùng thương hiệu riêng chứ không cổ vũ cho việc một thương hiệu của một quốc gia khác vào được thị trường của mình, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn đợi đối tác đến đặt hàng sẽ rất khó để có được thương hiệu.
Vì vậy, doanh nghiệp phải ngồi với nhau để kết nối cùng làm thương hiệu. Phải có các doanh nghiệp lớn đứng ra làm đầu tàu kết nối, có các hợp đồng để từ người nông dân cũng bắt tay cùng làm thương hiệu thì mới có thể làm được.
“Việc đầu tiên là cần phải xây dựng được hệ sinh thái kết nối giữa các chủ thể liên quan đến chuỗi xuất khẩu sang thị trường EU, trước mắt là mỗi địa phương tập trung vào một đến hai lĩnh vực có thế mạnh như đối với mặt hàng thủy sản ở Tiền Giang hay mặt hàng gạo ở Cần Thơ. Bên cạnh đó, cần có nguồn tín dụng dành riêng để tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu và xây dựng thương hiệu,” ông Ngô Chung Khanh cho hay.
Xây dựng thương hiệu để gia tăng giá trị xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Đại diện Bộ Công Thương cũng lưu ý các doanh nghiệp khi xuất khẩu các sản phẩm nông sản, đặc biệt là rau quả sang các thị trường khó tính cần chú ý đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, ghi nhãn…
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình khuyến nghị doanh nghiệp tập trung xây dựng chiến lược bài bản để giúp các khách hàng có thể nhận biết sản phẩm được xuất từ Việt Nam và gắn với đó là một hình ảnh thương hiệu rất là tốt về mặt chất lượng, về mặt tiêu chuẩn, về kiểm định về động thực vật là những tiêu chuẩn về mặt xã hội, tiêu chuẩn về môi trường, phát triển bền vững./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn
Tin liên quan