KỶ NIỆM 71 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 11/01/2024 - Lượt xem: 925
Xây dựng thương hiệu y học cổ truyền trên quê hương Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Tỉnh Hưng Yên tự hào là quê hương của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Đây không chỉ là vinh dự mà còn là điểm tựa vững chắc để tỉnh định hướng phát triển nền y học cổ truyền, kế thừa, phát huy di sản Đại danh y để lại.

Giới thiệu sản phẩm y học cổ truyền tại Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Hệ thống khám, chữa bệnh bằng y dược học cổ truyền được xây dựng ở cả tuyến tỉnh và cơ sở, góp phần cùng ngành y tế thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Hiện nay, tuyến tỉnh có Bệnh viện Y dược cổ truyền Hưng Yên, các bệnh viện đa khoa, 10 trung tâm y tế tuyến huyện có khoa y học cổ truyền, các trạm y tế triển khai hoạt động tư vấn, sử dụng y dược cổ truyền trong chăm sóc, khám, chữa bệnh, có vườn thuốc mẫu. Tổng số cán bộ y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở làm công tác khám, chữa bệnh đông y là 542 người, tỉ lệ cán bộ có trình độ đại học và sau đại học trên 20%... 10 huyện, thị xã, thành phố có hội đông y, 6 chi hội trực thuộc Hội Đông y tỉnh với tổng số 868 hội viên. Hệ thống y học cổ truyền tư nhân có 142 cơ sở. Số lượt bệnh nhân khám, điều trị tại các cơ sở y tế bằng phương pháp y học cổ truyền chiếm gần 30%. Trong 15 năm qua, số bệnh nhân khám, điều trị tại hội đông y các cấp đạt trên 2 triệu lượt người.
Trong quy hoạch phát triển nông nghiệp, tỉnh quy hoạch vùng trồng cây dược liệu ở các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Khoái Châu, Tiên Lữ. Hiện nay, toàn tỉnh trồng được khoảng 1,5 nghìn héc-ta cây dược liệu, chủ yếu là hoa cúc, kinh giới, cốt khí, hoắc hương, nghệ đen, nghệ vàng… Mỗi năm thu hoạch khoảng 4,5 nghìn tấn dược liệu thô. Nhiều hộ gia đình trồng cây thuốc nam để chữa bệnh thông thường như tiêu chảy, mụn nhọt, đau xương khớp, cảm sốt, các bệnh về gan... Các cơ sở y tế đã sử dụng thuốc thành phẩm y dược cổ truyền trong điều trị thay thuốc sắc. Đã có 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và gần 70 đề tài cấp cơ sở về lĩnh vực y học cổ truyền được triển khai thực hiện, trong đó nhiều đề tài có tính kế thừa và ứng dụng. Ngoài ra, nhiều bài thuốc của Đại danh y Lê Hữu Trác được sưu tầm, ứng dụng trong điều trị. Hội Đông y tỉnh phát động hội viên sưu tầm, nghiên cứu, ứng dụng nhiều bài thuốc hay, cây thuốc quý, cống hiến, phổ biến sử dụng trong Nhân dân và đạt hiệu quả cao, như: Điều trị rối loạn tiêu hóa và bỏng độ I, II của lương y Đỗ Thế Di; chữa bệnh hậu bối của lương y Nguyễn Trần Chuyển; bó gãy xương kín của lương y Phạm Ngọc Kha; chữa bệnh gan của lương y Nguyễn Viết Sâm… Một số bệnh phục hồi hỗ trợ sau tai biến mạch máu não, liệt nửa người, phong chẩn huyết nhiệt, tâm căn suy nhược, tỳ vị hư kém, huyết áp cao, đau vai gáy cấp tính, suy nhược cơ thể… đã đạt kết quả tốt trong điều trị. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền đối với những bệnh nhân thể nhẹ, thể vừa đạt hiệu quả cao thông qua việc dùng thuốc xông, thuốc sắc đóng gói, bổ phế, bổ phổi, thuốc viên đông y. Hiện nay, 26 bài thuốc gia truyền có giá trị của các lương y cống hiến được Hội Đông y tỉnh bàn giao cho Bệnh viện Y dược cổ truyền Hưng Yên để phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng trong khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam đánh giá, Hưng Yên có nhiều sản vật, vừa là món ăn bổ dưỡng, vừa là những vị thuốc đông y quý như hạt sen, long nhãn, nghệ… rất có giá trị trong chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp. Vì vậy, Hưng Yên cần có giải pháp để nâng tầm giá trị của các sản phẩm này để đưa ra thị trường nước ngoài…
Hưng Yên nổi tiếng với làng Nghĩa Trai thuộc xã Tân Quang (Văn Lâm) có truyền thống trồng, chế biến, kinh doanh dược liệu từ 500 năm nay. Hiện tại, nhiều người làm nghề thuốc Nam, thuốc Bắc ở đây là hội viên Hội Đông y tỉnh. Bác sĩ Đặng Thị Phúc, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết, để giúp hội viên yên tâm giữ được nghề và phát triển được nghề, Hội chủ động mời các hội đông y tỉnh bạn đến giao lưu, trao đổi về vấn đề phát triển dược liệu, thị trường tiêu thụ dược liệu để hội viên mở rộng đối tác, bạn hàng mới. Từ đó, giúp hội viên có kế hoạch cụ thể cho từng mặt hàng dược liệu để đăng ký thu mua với nông dân các vùng trồng. 
Năm 2024, UNESCO sẽ vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nhân dịp 300 năm ngày sinh của ông. Đây là sự ghi nhận đối với những công lao, đóng góp, cống hiến của ông cho nền y học, văn học, văn hóa dân tộc Việt Nam cũng như thế giới. Đó cũng là niềm tự hào để Hưng Yên kế thừa di sản, phát huy giá trị tinh hoa, xây dựng thương hiệu y học cổ truyền như một tri ân đối với Đại danh y Lê Hữu Trác.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan