KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chính trị
Đăng ngày: 13/05/2024 - Lượt xem: 352
Xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội

Thị trường bất động sản thời gian qua có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Ý kiến trên được phản ánh tại báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2024, của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.
Quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập
Trình bày nội dung này trong phiên họp sáng 13/5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP Quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa có sự đột phá, chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Các cực tăng trưởng chưa thực sự phát huy được vai trò liên kết và thúc đẩy các vùng, đồng thời, cũng chịu tác động từ sự suy giảm chung của kinh tế trong nước và thế giới. Tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng.
Trong các động lực tăng trưởng truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), ngoại trừ xuất khẩu hàng hóa có mức tăng trưởng ấn tượng 15% trong 4 tháng đầu năm 2024, cầu tiêu dùng tăng 5,3% thấp hơn kỳ vọng, cầu đầu tư tư nhân tăng thấp 4,2%.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (86,4 nghìn doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81,3 nghìn doanh nghiệp). Cầu nội địa và cầu quốc tế thấp cùng với tính cạnh tranh của hàng trong nước cao là những yếu tố chính ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Bên cạnh đó, thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng đã buộc các tổ chức tín dụng phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động cho vay để giảm bớt rủi ro (tỷ lệ nợ xấu nội bảng bình quân toàn hệ thống ngân hàng thương mại cuối tháng 2/2024 là 4,86%).
Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế; tín dụng xanh cho phát triển bền vững còn gặp nhiều thách thức
Ủy ban Kinh tế nhìn nhận, tỷ giá tăng cao ngoài dự báo kể từ đầu năm, thậm chí có ngân hàng đã vượt 25 nghìn đồng/USD, dự báo tiếp tục chịu áp lực tăng trong thời gian tới, chênh lệch lãi suất VND - USD vẫn duy trì ở mức âm; quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Giá đất nền tăng cao cục bộ do đầu cơ, tiềm ẩn nhiều hệ lụy
Cơ quan thẩm tra cũng phản ánh, thị trường bất động sản thời gian qua có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội.
Tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra; doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.
Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối. Giá đất nền có dấu hiệu tăng trở lại ở các thành phố lớn, thậm chí tăng giá cao cục bộ do đầu cơ gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động.
Ủy ban Kinh tế cho biết, xét ở khía cạnh hiệu quả kinh tế-xã hội, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến một số hệ lụy: (i) người có nhu cầu thực (để ở, để sản xuất, kinh doanh) không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang (do bị đầu cơ); (ii) nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; (iii) người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, người nghèo đang phải chi trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng.
Do đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Về cải cách thủ tục hành chính, Ủy ban Kinh tế lưu ý, vẫn còn các quy định, thủ tục hành chính chậm được sửa đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn bộc lộ vướng mắc, bất cập; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính.
Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm, kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc vẫn diễn ra.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, tội phạm về trật tự xã hội còn xảy ra nhiều, tội phạm về tham nhũng, kinh tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Tình hình trật tự an toàn giao thông chưa có nhiều chuyển biến, vẫn xảy ra những vụ tai nạn lao động, cháy nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân, doanh nghiệp.
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan