Trước thềm chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 8 và thăm hai địa phương Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai đã trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa, công tác chuẩn bị cũng như những kỳ vọng về kết quả chuyến thăm.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai.
Phóng viên: Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị GMS lần thứ 8 và thăm tỉnh Vân Nam, thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc)?
Đại sứ Phạm Sao Mai: Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 8 và thăm tỉnh Vân Nam và thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc từ ngày 5-8/11/2024.
Hội nghị GMS lần thứ 8 là hội nghị cấp cao đầu tiên của hợp tác GMS được tổ chức trực tiếp trong vòng 6 năm qua sau khi chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Hội nghị GMS lần thứ 8 có chủ đề “Hướng tới một cộng đồng tốt đẹp hơn thông qua phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo”, sẽ bao gồm phiên họp hẹp và phiên họp toàn thể. Hội nghị tập trung thảo luận về tình hình hợp tác từ Hội nghị GMS lần thứ 7 đến nay, cũng như phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng sẽ tham dự Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 10 và Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 11.
Tôi cho rằng chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lần này mang một số ý nghĩa quan trọng sau:
Thứ nhất, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, sự tham dự Hội nghị GMS lần thứ 8 của Thủ tướng Chính phủ và Đoàn đại biểu Việt Nam là hoạt động thiết thực triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, hiệu quả và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Thứ hai, sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với các cơ chế hợp tác tiểu vùng, trong đó có hợp tác GMS. Các sáng kiến của Việt Nam tại Hội nghị sẽ góp phần đẩy mạnh các nội dung và trụ cột hợp tác của cơ chế GMS, trong đó có tăng cường kết nối hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý bền vững nguồn nước. Đây cũng là sự khẳng định vai trò của Việt Nam là thành viên sáng lập của GMS, đóng góp hiệu quả vào thực hiện các mục tiêu và tầm nhìn chung của GMS.
Thứ ba, Việt Nam và các nước thành viên GMS là những nước láng giềng, cùng chung dòng sông Mê Công, có quan hệ hữu nghị và có lợi ích chung trong xây dựng một tiểu vùng hội nhập, thịnh vượng, bền vững và phát triển toàn diện, ứng phó hiệu quả với các thách thức chung. Sự tham gia của Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị sẽ đẩy mạnh quan hệ giữa các địa phương Việt Nam với các địa phương các nước láng giềng. Các nước thành viên của GMS có khoảng cách địa lý gần gũi, giao thông thuận lợi, do đó hợp tác giữa các địa phương trở thành một phần quan trọng trong tổng thể hợp tác giữa các nước GMS. Diễn đàn Tỉnh trưởng dọc hành lang kinh tế GMS dự kiến sẽ được tổ chức bên lề Hội nghị GMS lần thứ 8.
Trong chuyến công tác đến Trung Quốc lần này, bên cạnh việc tham gia chương trình nghị sự của Hội nghị GMS lần thứ 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến sẽ thăm và có các hoạt động quan trọng tại tỉnh Vân Nam và thành phố Trùng Khánh. Điều này thể hiện sự tiếp nối truyền thống giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước, sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đối với quan hệ Việt-Trung, nhất là trong việc thúc đẩy triển khai nhận thức chung cấp cao và các thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên từ góc độ các địa phương, thúc đẩy các địa phương hai nước phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế, cùng bổ sung ưu thế lẫn nhau, mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng các lĩnh vực hợp tác, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước, hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc và “Năm giao lưu nhân văn Việt-Trung" 2025.
Phóng viên: Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã chuẩn bị cho chuyến công tác “hai trong một” kết hợp đa phương và song phương này như thế nào? Đại sứ có kỳ vọng gì về kết quả của chuyến thăm?
Đại sứ Phạm Sao Mai: Tại Hội nghị GMS lần thứ 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước GMS dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị và Chiến lược đổi mới sáng tạo vì phát triển GMS năm 2030, ghi nhận 6 văn kiện về đầu tư, môi trường và biến đổi khí hậu, số hóa, bình đẳng giới, y tế, khung số hóa tài liệu thương mại. Các kết quả quan trọng này của Hội nghị sẽ góp phần tạo động lực mới cho hợp tác tiểu vùng nói chung, cũng như cho hợp tác GMS nói riêng. Sự nỗ lực, quyết tâm thúc đẩy hợp tác và phát triển, chung tay xử lý các thách thức chung sẽ tăng cường đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng và nâng cao vai trò chiến lược của tiểu vùng Mê Công mở rộng trong tiến trình hội nhập ở khu vực. Bên cạnh đó, các định hướng hợp tác của GMS được thông qua tại Hội nghị sẽ góp phần hỗ trợ hiệu quả tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, định hình cấu trúc khu vực với ASEAN làm trung tâm.
Trên bình diện song phương, tôi hy vọng thông qua chuyến thăm này, hai bên sẽ đạt được những kết quả cụ thể, thực chất:
Thứ nhất, chuyến thăm sẽ đưa ra các biện pháp nhằm triển khai thiết thực, hiệu quả nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, thúc đẩy tỉnh Vân Nam và thành phố Trùng Khánh cùng các địa phương của Việt Nam tăng cường hiểu biết, mở rộng các cơ chế phối hợp công tác nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên, tạo động lực tăng trưởng mới cho hợp tác giữa hai nước.
Thứ hai, chuyến thăm sẽ góp phần xác định những trọng tâm và biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hợp tác thực chất giữa hai bên trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng, văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân...
Thứ ba, chuyến thăm sẽ tạo dấu ấn quan trọng để hai bên tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tình hữu nghị truyền thống và triển vọng hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, từ đó góp phần củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn cho quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc xác định việc tham gia chuẩn bị cho chuyến công tác Trung Quốc tham dự Hội nghị GMS lần thứ 8 và thăm tỉnh Vân Nam, thành phố Trùng Khánh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa là vinh dự, vừa là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm nay. Đại sứ quán duy trì liên hệ mật thiết với các cơ quan và địa phương liên quan hai bên để trao đổi, phối hợp xây dựng các chương trình và nội dung chuyến thăm, cùng nỗ lực đóng góp để chuyến thăm thành công tốt đẹp.
Phóng viên: Đại sứ có thể giới thiệu về thế mạnh của tỉnh Vân Nam và thành phố Trùng Khánh cũng như những tiềm năng hợp tác với Việt Nam?
Đại sứ Phạm Sao Mai: Tỉnh Vân Nam là địa phương có vị trí địa lý gần gũi, giáp biên giới với các tỉnh vùng tây bắc của nước ta, đồng thời cũng là cửa ngõ kết nối Trung Quốc với các nước Nam Á, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Những năm qua, quan hệ giao lưu, hợp tác giữa tỉnh Vân Nam với các địa phương của Việt Nam không ngừng được thúc đẩy mạnh mẽ, nhiều cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai bên được triển khai thường xuyên, hiệu quả như Hội nghị thường niên giữa Bí thư các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu và Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam; Hội nghị hợp tác Hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái và Vân Nam.
Hợp tác giữa hai bên trong công tác quản lý biên giới, kết nối giao thông, phát triển cửa khẩu, văn hóa, thể thao và du lịch... đạt nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt về hợp tác kinh tế, thương mại, tỉnh Vân Nam cùng các địa phương của phía Việt Nam đã phối hợp thúc đẩy giao thương, tiện lợi hóa thông quan, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu. Trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Vân Nam và Việt Nam đạt 2,09 tỷ USD, tăng 30,31% so cùng kỳ năm ngoái.
Thời gian tới, tỉnh Vân Nam cùng các địa phương Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực như trao đổi đoàn, kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển cửa khẩu, kết nối giao thông, quản lý biên giới, du lịch,... Bên cạnh đó, với vị trí địa lý gần gũi, truyền thống quan hệ hữu nghị lâu đời và những nét tương đồng về văn hóa, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hai bên triển khai các hoạt động giao lưu nhân văn, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân, nhất là nhân dân khu vực biên giới hai nước.
Thành phố Trùng Khánh là trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của khu vực miền tây Trung Quốc với bốn ưu thế nổi bật. Trước hết, Trùng Khánh là thành phố trực thuộc Trung ương, do đó có cơ chế ra quyết sách chủ động và hiệu quả. Bên cạnh đó, Trùng Khánh có độ mở kinh tế cao và là trung tâm vận tải, logistics và điểm trung chuyển chính của tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ Trung Quốc đi châu Âu. Trùng Khánh là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp hàng đầu của Trung Quốc, nhất là sản xuất ô-tô và hàng điện tử. Đồng thời, với lịch sử văn hóa lâu đời, thành phố Trùng Khánh cũng có nhiều tài nguyên du lịch phong phú.
Với Việt Nam, Trùng Khánh có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sinh sống và hoạt động cách mạng. Nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đến thăm Trùng Khánh.
Thời gian qua, giao lưu hợp tác giữa Việt Nam và Trùng Khánh đạt nhiều kết quả tích cực. Kể từ năm 2019 đến nay, Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trùng Khánh trong ASEAN. Trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trùng Khánh đạt 3,03 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trùng Khánh đạt 1,88 tỷ USD, nhập khẩu từ Trùng Khánh 1,15 tỷ USD. Về đầu tư, tính đến cuối tháng 7/2024, Việt Nam có 5 dự án đầu tư tại Trùng Khánh với tổng vốn đầu tư là 8,1 triệu USD; trong khi Trùng Khánh có 22 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn là 296 triệu USD.
Tôi cho rằng, Việt Nam và Trùng Khánh còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hơn nữa hợp tác đi vào chiều sâu và thực chất. Một là, phát huy truyền thống hữu nghị, tăng cường quan hệ giao lưu hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với thành phố Trùng Khánh.
Hai là, tăng cường kết nối chiến lược, cơ sở hạ tầng, khai thác hiệu quả tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ Trùng Khánh đi các nước châu Âu để tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi nước thứ ba.
Ba là, tiếp tục mở rộng kim ngạch thương mại song phương, tăng cường nhập khẩu hàng hoá của nhau, trong đó có hàng nông, thủy sản chất lượng cao của Việt Nam, tạo tính bổ sung lẫn nhau về cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu.
Bốn là, gia tăng thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp công nghệ cao của các doanh nghiệp uy tín tại Trùng Khánh vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Năm là, đẩy mạnh hơn nữa giao lưu nhân dân, khai thác tốt hơn tiềm năng hợp tác du lịch giữa hai bên, nghiên cứu mở thêm đường bay giữa Trùng Khánh với các địa phương của Việt Nam.
Nguồn: https://nhandan.vn