Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gồm: Đổi mới phương thức tập hợp, đoàn kết nông dân; phát triển kinh tế tập thể và nâng cao trình độ cho nông dân.
Họp báo thông tin về Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ được tổ chức từngày 25-27/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.
Với chủ đề “Đoàn kết-Dân chủ-Sáng tạo-Hợp tác-Phát triển,” Đại hội dự kiến có sự góp mặt của 1.000 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân của cả nước.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thông tin về Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức ngày 14/12 tại Hà Nội.
Tại Đại hội, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo các văn kiện quan trọng, gồm: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VII trình tại đại hội; Dự thảo Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân khóa VII; Dự thảo Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam (bổ sung, sửa đổi).
Cùng với việc thảo luận quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho cả nhiệm kỳ, đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2023-2028. Dự kiến, Ban Chấp hành Trung ương Hội khoá VIII có 119 người, trong đó đại hội sẽ bầu 33 người thuộc Trung ương hội; các tỉnh, thành phố là 63 người; các bộ ngành Trung ương là 6 người; khối doanh nghiệp, hiệp hội là 7 người; hợp tác xã là 4 đồng chí và các đại biểu tiêu biểu 3 người.
Bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết điểm mới trong cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương Hội khoá VIII là giảm số lượng thành viên của Trung ương hội, tăng cơ cấu doanh nghiệp. Số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp và tiêu thụ nông sản sẽ được tăng lên sẽ góp phần giúp việc tăng cường hợp tác, liên kết với nông dân để nông dân sản xuất kinh doanh tốt hơn.
Dự kiến Đại hội đưa ra 16 chỉ tiêu thi đua trong công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2023-2028 để thảo luận và thông qua. Trong đó có 7 chỉ tiêu mới so với nhiệm kỳ trước như: Thành lập chi tổ hội nông dân nghề nghiệp; đào tạo bồi dưỡng nghề cho hội viên; thành lập tài khoản trên sàn Thương mại Điện tử cho hộ nông dân; tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; thành lập mới tổ hợp tác, hợp tác xã…
Thông tin về các hoạt động chính của Đại hội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Dự kiến, đại hội sẽ thảo luận và cho ý kiến về 7 nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ 2023-2028 gồm: Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh; xây dựng người nông dân Việt Nam văn minh, phát triển toàn diện; phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tích cực tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh; chủ động, tích cực hội nhập và đẩy mạnh hợp tác quốc, hoạt động đối ngoại nhân dân.
Đại hội cũng đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gồm: Đổi mới mạnh mẽ phương thức tập hợp, đoàn kết nông dân; tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân và cán bộ hội các cấp.
Đại hội dự kiến sẽ tổ chức 10 diễn đàn thảo luận chuyên đề đề xuất sáng kiến để giải quyết vấn đề lớn đặt ra đối với các hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam, thu thập các ý kiến, đề xuất để tổng hợp, tiếp thu vào văn kiện Đại hội./.
Trong nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã kết nạp mới hơn 1,5 triệu hội viên, nâng tổng số hội viên cả nước của Hội lên khoảng 10,2 triệu hội viên; thành lập mới được 2.507 Chi hội Nông dân nghề nghiệp, nâng tổng số Chi hội Nông dân nghề nghiệp cả nước lên 3.165 Chi hội, với trên 72.673 hội viên; thành lập mới 13.754 Tổ hội Nông dân nghề nghiệp, nâng tổng số Tổ hội Nông dân nghề nghiệp cả nước lên 26.419 Tổ hội, với 381.758 hội viên.
Chất lượng, hiệu quả hoạt động cơ sở hội và chi hội được nâng lên, số cơ sở hội khá và vững mạnh vượt 14,48% so với chỉ tiêu Đại hội VII và không có cơ sở hội yếu kém.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn