Có thể coi Chiến dịch Xuân Lộc là đợt tiến công ác liệt nhất của bộ đội ta nhằm phá vỡ tuyến phòng thủ có tổ chức nhất của quân đội Sài Gòn trước cửa ngõ Sài Gòn tháng 4/1975.

Ngày 9/4/1975, các đơn vị bộ binh và xe tăng thần tốc tiến về giải phóng Xuân Lộc, “cánh cửa thép” - căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc. Ngày 21/4, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy, cửa ngõ vào Sài Gòn từ hướng Đông Bắc đã được mở. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Vào lúc 1h sáng 21/4/1975, quân ta mở đợt tiến công cuối cùng vào Xuân Lộc, nhưng toàn bộ Sư đoàn 18 và Tiểu khu Long Khánh của địch đã rút chạy khỏi Xuân Lộc từ 10h đêm 20/4.
Trên hướng tỉnh lộ số 2, Đại đội 41 của ta chặn đánh tàn quân địch, bắt sống hàng trăm tên, trong đó có đại tá Phạm Văn Phúc, Tỉnh trưởng tỉnh Long Khánh.
Đến 8h sáng 21/4/1975, quân đội chính quyền Sài Gòn ở Long Khánh tháo chạy. Tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở Xuân Lộc bị đập tan, cửa ngõ tiến vào Sài Gòn của quân giải phóng được mở. Thị xã Xuân Lộc và tỉnh Long Khánh hoàn toàn được giải phóng.
Như vậy, Chiến dịch giải phóng Xuân Lộc kéo dài từ ngày 9-21/4/1975 đã kết thúc thắng lợi. Có thể coi đây là đợt tiến công ác liệt nhất của bộ đội ta nhằm phá vỡ tuyến phòng thủ có tổ chức nhất của quân đội Sài Gòn trước cửa ngõ Sài Gòn tháng 4/1975.
Kết thúc chiến dịch, ta đã đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 18, Lữ đoàn dù 1, tiêu diệt Chiến đoàn 52 (Sư đoàn 18), đánh thiệt hại Trung đoàn 5 và Lữ đoàn 3 thiết giáp, diệt và bắt hàng nghìn tên địch, thu hàng chục ôtô và hàng nghìn súng các loại, phá hủy 42 xe tăng, xe thiết giáp.
Thắng lợi của Chiến dịch Xuân Lộc không những khẳng định đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng, mà còn củng cố, phát huy nhân tố chính trị-tinh thần của toàn quân, toàn dân ta tạo nên sức mạnh tổng hợp để đi đến thắng lợi cuối cùng - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Thắng lợi của Chiến dịch Xuân Lộc đã tạo ra một địa bàn tập kết thuận lợi, làm bàn đạp xuất phát tiến công của Cánh quân hướng Đông - một trong 5 mũi chủ lực cơ động của đội hình chiến dịch mang tên Bác Hồ kính yêu tiến vào giải phóng Sài Gòn-Gia Định.
Mặt trận hướng Đông được khai thông, các cánh quân rầm rập tiến về Sài Gòn với khí thế không gì lay chuyển nổi.
“Cánh cửa thép” Xuân Lộc bị phá đã mở toang cánh cửa cho đại quân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến vào giải phóng Sài Gòn, xông thẳng vào sào huyệt cuối cùng của chế độ Mỹ-Ngụy, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước oanh liệt của dân tộc Việt Nam.
Chiến dịch tiến công Xuân Lộc cũng để lại những kinh nghiệm, những bài học trong tiến công cụm cứ điểm phòng ngự vững chắc của địch ở thành phố, về nắm và đánh giá địch, về xác định hướng tiến công, về chỉ huy hiệp đồng, về sử dụng lực lượng và cách đánh chiến dịch…
Sau khi ta giải phóng Xuân Lộc, một loạt sự kiện liên quan trực tiếp tới số phận cuộc chiến đã liên tiếp diễn ra. Dù cố níu kéo, rốt cuộc Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu vẫn phải miễn cưỡng từ chức.
Ngày 21/4/1975, trước mặt 200 nhân vật cao cấp, Nguyễn Văn Thiệu sau khi kịch liệt đả kích Mỹ bội ước, bỏ rơi đồng minh cho cộng sản, đã tuyên bố từ chức, giao quyền cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương.
Trần Văn Hương lên thay trong bối cảnh tình hình nội bộ giới cầm quyền Sài Gòn đã rất rối bời và chiến dịch di tản của người Mỹ đang xúc tiến ráo riết với nhịp độ ngày càng tăng.

Ngày 9/4/1975, quân ta tiến công vào thị trấn Xuân Lộc, căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc. Ngày 21/4, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy, cửa ngõ vào Sài Gòn từ hướng Đông Bắc đã được mở. Ngay từ khi mất Xuân Lộc, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức. (Ảnh: TTXVN)
Cùng ngày, tại Washington, Tham mưu trưởng quân lực Mỹ Weyand lắc đầu: “Thế là hết! Tình hình quân sự tại Nam Việt Nam đã tuyệt vọng.”
Tổng thống Mỹ Gerald Ford cũng tuyên bố cuộc chiến tranh (xâm lược) ở Việt Nam đã kết thúc với Hoa Kỳ. Đó thực là lời thú nhận thua cuộc của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam.
Cùng ngày 21/4/1975, Sư đoàn 10 binh đoàn Tây Nguyên về tới địa điểm tập kết tại Củ Chi.
Cho đến lúc này, tham gia Chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định có các binh đoàn: Quyết Thắng, Hương Giang, Tây Nguyên, Cửu Long, Đoàn 232 (tương đương binh đoàn) và hầu hết các binh chủng kỹ thuật thuộc lực lượng dự bị chiến lược và lực lượng quân sự, chính trị của Quân khu 7, thành phố Sài Gòn-Gia Định.
Tổng cộng lực lượng chiến đấu là khoảng 270.000 người và khoảng 180.000 người lực lượng hậu cần chiến lược chiến dịch.
Ngay hôm sau, 22/4/1975, Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua và chính thức phê duyệt kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Ðịnh./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/