Huyện Ân Thi hiện nay có hơn 36 nghìn con lợn, trên 3,3 nghìn con trâu, bò. Để hoàn thành kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi vụ xuân - hè, Trạm thú y huyện phối hợp với các địa phương triển khai sớm công tác rà soát tổng đàn thuộc diện tiêm để kịp thời đăng ký số lượng vắc xin với Chi cục Thú y.
Cùng với đó, nhân viên Trạm thú y được phân công địa bàn thường xuyên hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng bệnh, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi trước khi triển khai tiêm phòng; nhân viên thú y – khuyến nông tại các địa phương được chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, vật tư, hóa chất phục vụ công tác tiêm phòng... Việc tổ chức thống kê, rà soát đàn vật nuôi được chính quyền địa phương đôn đốc thực hiện khẩn trương để kịp tiến độ. Đến ngày 23/5, huyện đã tiêm vắc xin phòng 2 bệnh đỏ cho trên 33 nghìn con lợn; tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng cho hơn 3,2 nghìn con trâu, bò, đạt trên 80% kế hoạch. Các địa phương trong huyện đang tiếp tục rà soát và tiêm phòng bổ sung, bảo đảm chất lượng và số lượng trong đợt tiêm này.
Nhân viên thú y – khuyến nông xã Bắc Sơn (Ân Thi) tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn bò
Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở huyện cơ bản được kiểm soát, không phát sinh dịch nên người dân yên tâm tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Đồng chí Nguyễn Đình Duy, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Ân Thi cho biết: Thực hiện kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân - hè năm nay, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát chặt chẽ số hộ chăn nuôi; tuyên truyền để các hộ tham gia thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Để tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao, trạm phối hợp với các địa phương thực hiện tiêm phòng tập trung, đúng tiến độ, bảo đảm nhanh gọn, an toàn; việc quản lý, cấp phát và sử dụng vắc xin bảo đảm đúng quy định, đúng đối tượng. Trong đợt này, huyện được hỗ trợ tiêm phòng nhiều dịch bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi như: Lở mồm long móng, tai xanh, tụ huyết trùng… Cùng với đó là các đợt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi được thực hiện hằng quý, góp phần giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh nguy hiểm.
Trong giai đoạn hiện nay, người chăn nuôi ngày càng ý thức hơn trong việc chủ động bảo vệ vật nuôi của gia đình, ưu tiên việc phòng bệnh và vệ sinh chuồng trại, phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng Vietgahp… Anh Nguyễn Văn Lành, xã Đào Dương cho biết: Để phòng, chống các bệnh thường xảy ra trên đàn bò, việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi được gia đình tôi ưu tiên hàng đầu. Khi địa phương triển khai tiêm phòng, tôi đã đăng ký tiêm vắc xin cho đàn gia súc cách đây hơn 1 tháng. Cùng với đó, tôi vệ sinh, khử trùng kỹ sau mỗi lứa xuất chuồng, sử dụng đệm lót sinh học để giảm ô nhiễm môi trường và tăng mức độ an toàn sinh học.
Nhằm kiểm soát sự phát sinh, lây lan của một số loại bệnh phổ biến, nguy hiểm trên đàn vật nuôi, giúp hạn chế dịch bệnh, xã Bắc Sơn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh, tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm phòng đối với đàn vật nuôi, các quy định xử phạt đối với các trường hợp vi phạm. Hiện nay, tổng đàn trâu, bò của xã có trên 400 con; đàn lợn có trên 4,3 nghìn con; gia cầm có hơn 22 nghìn con. Đến nay, tỉ lệ thực hiện tiêm đạt trên 95% kế hoạch. Anh Nguyễn Văn Hội, nhân viên thú y – khuyến nông xã Bắc Sơn cho biết: Để công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi đạt hiệu quả cao, tôi thường xuyên tiến hành rà soát, tổng hợp số hộ chăn nuôi, số lượng đàn vật nuôi. Đồng thời, phối hợp với các thôn nắm bắt tình hình dịch bệnh, báo cáo hằng tháng.
Trước khi bước vào thời điểm nắng nóng kéo dài, cùng với công tác tiêm phòng, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng, nóng để duy trì hoạt động chăn nuôi. Ngành chuyên môn khuyến cáo, các hộ chăn nuôi cần chú ý khâu vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; phun thuốc sát trùng theo định kỳ để chống côn trùng trung gian truyền nhiễm và gây bệnh cho vật nuôi trong mùa hè; theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi để kịp thời phát hiện gia súc, gia cầm ốm hoặc bị bệnh để cách ly, điều trị và xử lý kịp thời, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, hô hấp và các bệnh truyền nhiễm. Tăng cường dự trữ thức ăn thô xanh; tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cho uống vitamin C, chất điện giải, men tiêu hóa… Các địa phương tăng cường công tác kiểm dịch, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi nhằm phát hiện sớm dịch bệnh, báo cáo kịp thời để có biện pháp xử lý, ngăn chặn dịch bệnh lây lan; kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, gia cầm, không để động vật mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh...
Nguồn: https://baohungyen.vn