KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 12/11/2024 - Lượt xem: 105
Bác sĩ cây trồng

Với mục đích phát hiện sâu bệnh trên cây trồng và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ, chăm bón hiệu quả, giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã thành lập 5 bệnh viện cây trồng. Từ năm 2021 đến nay, mô hình bệnh viện cây trồng tuy không còn hoạt động tập trung, nhưng Chi cục BVTV vẫn duy trì bác sĩ cây trồng để hỗ trợ, tư vấn cho nông dân kỹ thuật phát hiện và biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng.

Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp BVTV tư vấn biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng cho nông dân huyện Phù Cừ

Thực hiện chương trình phối hợp giữa Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, năm 2013, Chi cục BVTV triển khai thí điểm mô hình bệnh viện cây trồng tại 5 điểm ở trong tỉnh gồm: Thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên), chợ Phố Son, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) và 3 điểm tại huyện Kim Động gồm: Thôn Đồng An (xã Toàn Thắng); các thôn Bằng Ngang, Động Xá (thị trấn Lương Bằng). Bệnh viện cây trồng là nơi tư vấn trực tiếp cho nông dân về kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và môi trường. Nội dung hoạt động là tiếp nhận ý kiến, các mẫu cây trồng bị dịch hại để tư vấn các giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Bệnh viện cây trồng gồm đội ngũ bác sĩ là cán bộ kỹ thuật của Chi cục BVTV trực tiếp khám bệnh cây trồng cho nông dân. Mọi hoạt động của bệnh viện cây trồng đều được thực hiện miễn phí cho nông dân.

Từ năm 2020 đến nay, Bệnh viện cây trồng thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên) không còn hoạt động tập trung nhưng vẫn được Chi cục BVTV duy trì bằng hình thức trực tuyến qua điện thoại, zalo, facebook để hỗ trợ nông dân. Bà Nguyễn Thị Hải, nông dân trong thôn cho biết: Khi bệnh viện cây trồng được thành lập, trên các loại rau màu xuất hiện nhiều loại sâu bệnh, để biết được rau màu bị nhiễm sâu bệnh gì, biện pháp phòng trừ như thế nào, tôi đã mang một số mẫu đến đây để được tư vấn trực tiếp. Từ khi bệnh viện cây trồng đi vào hoạt động, hàng trăm hộ nông dân trồng rau màu, cây ăn quả, cấy lúa đã hiểu rõ hơn nguyên nhân, thời điểm gây ra sâu bệnh và các biện pháp phòng trừ. Đặc biệt, các bác sĩ còn tư vấn cho chúng tôi kỹ thuật canh tác để hạn chế sâu bệnh gây hại. 

Đồng chí Lê Minh Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết: Bệnh viện cây trồng do tổ chức CABI (Trung tâm nghiên cứu sinh học nông nghiệp Quốc tế) tài trợ, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam triển khai thực hiện. Bệnh viện được trang bị đầy đủ các dụng cụ phục vụ công tác chuyên môn như: Kính lúp, tài liệu, mẫu kê đơn thuốc, biện pháp phòng trừ… Các loại vật tư, thiết bị được trang bị đáp ứng đủ điều kiện để phát hiện các loại sâu bệnh phổ biến trên cây trồng hiện nay, những loại sâu bệnh gây hại từ một loại vi rút lạ sẽ được chuyển lên “tuyến trên” để phân tích. Trong giai đoạn 2013-2020, bệnh viện cây trồng được bố trí hoạt động định kỳ vào các ngày 10 và 25 hằng tháng, thời gian từ 7h30 đến 10h hằng ngày. Ngoài ra, để đáp ứng công tác phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng của nông dân, đặc biệt trong các thời kỳ cao điểm của chiến dịch phòng trừ sâu bệnh, Chi cục BVTV chỉ đạo các bệnh viện hoạt động thêm hai buổi vào các ngày 2 và 17 hằng tháng. Đối với đội ngũ bác sĩ của bệnh viện, ngoài việc phân tích, phát hiện sâu bệnh còn hỗ trợ nông dân các biện pháp canh tác, khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc BVTV phù hợp. Ngoài khám bệnh, tư vấn kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng cho nông dân, bệnh viện luôn chủ động phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức BVTV, nâng cao kỹ năng chẩn đoán sâu bệnh hại cây trồng cho cán bộ nông nghiệp, cộng tác viên ở cơ sở và nông dân. Tham gia thông tin về tình hình phát sinh sâu bệnh hại cây trồng trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học mới nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất. 

Để nhân rộng mô hình, dự kiến từ năm 2025, Tổ chức CABI tiếp tục hỗ trợ tỉnh triển khai mô hình bệnh viện cây trồng. Mô hình bệnh viện cây trồng trong giai đoạn 2025 trở đi sẽ được thực hiện theo mô hình công nghệ số, theo đó, Tổ chức CABI xây dựng phần mềm ứng dụng trên điện thoại, trong đó có chi tiết thông tin tình hình sâu bệnh, biện pháp phòng trừ, cán bộ nông nghiệp và nông dân chỉ cần tải phần mềm và tra cứu; đồng thời, gửi hình ảnh sâu bệnh qua phần mềm, sau đó bác sĩ cây trồng sẽ tư vấn… Để mô hình được triển khai trong giai đoạn tới, ngày 6/11, Chi cục BVTV phối hợp với Tổ chức CABI tổ chức tập huấn cho cán bộ nông nghiệp, BVTV và một số hộ nông dân việc ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu số về bệnh viện cây trồng. Thời gian tới, chi cục tiếp tục phối hợp tổ chức các lớp tập huấn tại các địa phương trong tỉnh để mô hình bệnh viện cây trồng ứng dụng công nghệ số hoạt động hiệu quả. 

Nguồn: https://baohungyen.vn/

Tin liên quan