KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chính trị
Đăng ngày: 16/09/2024 - Lượt xem: 806
Bài 2: Kịp thời động viên, hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lũ

Hậu quả của bão số 3 và ngập lụt do nước từ thượng nguồn đổ về đã gây nhiều thiệt hại cho Nhân dân trong tỉnh. Cùng với công tác khắc phục hậu quả thiên tai gây ra, công tác cứu trợ, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng đã và đang được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các đội thiện nguyện trong và ngoài tỉnh thực hiện trên tinh thần: “Đảng và chính quyền sẽ luôn ở bên cạnh người dân, không để ai phải đơn độc trong cuộc chiến chống thiên tai” như lời khẳng định của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa trong chuyến thăm, động viên các gia đình bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Không ai phải đơn độc trong bão lũ.

Ngay khi bão số 3 suy yếu, từ rạng sáng ngày 8/9, các lực lượng công an, quân đội, điện lực, viễn thông và các đơn vị chức năng ở các cấp trong tỉnh đã ra quân chặt, cắt cây bị đổ; thu, dựng lại cột điện, cột viễn thông, dây cáp; khai thông cống rãnh thoát nước. Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh tổ chức bơm tiêu trên tất cả các trạm bơm, tổ bơm nhằm tiêu thoát nước trong đồng. Công tác vệ sinh môi trường, trồng lại cây xanh ở các khu vực bị ảnh hưởng được tăng cường, vừa để khôi phục môi trường, vừa tạo không gian xanh sạch đẹp cho người dân.

Đoàn viên thanh niên và hội viên phụ nữ xã Thụy Lôi (Tiên Lữ) dọn dẹp đường làng sau mưa lũ

Tuy nhiên, công việc dọn dẹp, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 còn chưa xong, thì nước sông Hồng, sông Luộc dâng cao gây ngập lụt cho các hộ dân sinh sống và canh tác ở ngoài đê. Nhưng với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị nên tỉnh ta đã thực hiện tốt việc hỗ trợ, bảo vệ tính mạng và giảm thiểu thiệt hại cho Nhân dân.

Thôn Vân Nghệ thuộc xã Mai Động (Kim Động) có hơn 357 hộ dân với trên 1.300 nhân khẩu sống giữa bãi sông Hồng. Những ngày bão số 3 đổ bộ vào cũng như khi nước sông Hồng dâng cao là những ngày các cấp, các ngành từ tỉnh đến xã rất lo lắng và đặc biệt quan tâm. Đồng chí Vũ Văn Tính, Chủ tịch UBND xã Mai Động cho biết: Ngay sau khi nước sông Hồng lên cao, thôn Vân Nghệ đã đón 1 đội gồm gần 20 cán bộ chiến sĩ lực lượng công an, quân đội cùng thuyền chuyên dụng ra ứng trực tại thôn. Khi nước sông Hồng dâng mức báo động II, người cao tuổi, trẻ em được lực lượng chức năng hỗ trợ di dời sang cư trú tại xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội); đàn vật nuôi được đưa lên bãi bồi cao của thôn; khoảng 100 hộ gia đình sinh sống trong nhà cấp 4 được bố trí di dời sang các hộ liền kề có nhà kiên cố cao tầng; các tàu thuyền được neo đậu an toàn. Đến ngày 13/9, khi nước rút, chính quyền địa phương đã chuyển hàng cứu trợ đến tay các hộ dân bị ảnh hưởng; đồng thời hỗ trợ tổ chức phun khử khuẩn, dọn vệ sinh môi trường giúp Nhân dân trong thôn.

Người cao tuổi là đối tượng ưu tiên được các lực lượng cứu hộ đưa đến nơi an toàn khi nước dâng cao

Với sự giúp sức của các lực lượng chức năng và Nhân dân địa phương, trên 1 nghìn con lợn của gia đình anh Trương Mạnh Quân ở xã Phụng Công (Văn Giang) được di chuyển kịp thời, hạn chế thiệt hại về kinh tế. Anh Quân trải lòng: Tôi rất biết ơn lực lượng công an, quân đội và Nhân dân địa phương đã hỗ trợ gia đình tôi di chuyển trang trại lợn đến nơi an toàn. Việc vận chuyển lợn trên cạn đã vất vả, việc di dời lợn trong tình hình mưa lũ, nước ngập sâu còn vất vả hơn nhưng tất cả mọi người không quản ngại khó khăn để giúp đỡ, chia sẻ với người dân vũng lũ chúng tôi. Còn ông Ngô Văn Kỳ ở xã Thụy Lôi (Tiên Lữ) xúc động cho biết: Gia đình tôi có trang chăn nuôi lợn ở ngoài đê, khi nước sông Luộc dâng cao, gia đình rất lo lắng. Tuy nhiên, gia đình nhà tôi đã được chính quyền địa phương và người dân trong xã hỗ trợ di dời đàn lợn gồm 500 con đến nơi tránh trú an toàn từ sớm, nhờ đó đàn lợn của gia đình không bị thiệt hại. Không những thế, gia đình tôi còn được chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên. Tôi biết ơn cán bộ và chính quyền địa phương nhiều lắm.

Theo tổng hợp, thiệt hại do bão, lũ gây ra trong toàn tỉnh tính đến ngày 14/9 là 3.678 nhà bị hư hại chủ yếu là do tốc mái; nhiều trường học, trụ sở của các cơ quan, doanh nghiệp, chuồng trại chăn nuôi, chợ, công trình văn hóa, di tích lịch sử, thiết bị giáo dục, thiết bị vật tư y tế… bị hư hại. Về trồng trọt, có 11.381 héc ta lúa, 2.727 héc ta cây rau màu, : 8.879 héc ta cây ăn quả, cây lâu năm, cây trồng khác bị thiệt hại. Hàng nghìn vật nuôi bị chết, hỏng lồng bè nuôi trồng thủy sản, cuốn trôi và thất thoát nhiều cá nuôi trong các ao, đầm, hồ. Ngoài ra còn hàng trăm cột anten, cột điện, trạm biến áp, cáp, thiết bị máy móc,… bị hư hại. 

Tính đến sáng ngày 13/9, trên tổng số 59km đê tả sông Hồng và 20,7km đê tả sông Luộc và 13 tuyến bối bảo vệ dân ở bãi sông, toàn  tỉnh Hưng Yên có 9 sự cố về sạt mái đê, đùn sủi, thẩm lậu… khi lũ lên cao. Đến sáng ngày 14/9/2024, trên tuyến bối Hoàng Hanh bị vỡ một đoạn dài 10m; một số tuyến bối khác trên địa bàn tỉnh có hiện tượng tràn mặt, đùn sủi, sạt trượt.

Như vậy, bão số 3 và mưa ngập lụt đã gây thiệt hại về tài sản là vô cùng lớn, tuy nhiên điều mừng nhất là trong những ngày mưa bão, ngập lụt vừa qua, tỉnh ta không có thiệt hại về người; có 4 người bị thương đã được chăm sóc sức khỏe kịp thời.

Lan tỏa tinh thần sẻ chia, tương trợ

Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị cũng như của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đã tiếp thêm sức mạnh để tỉnh ta vững vàng vượt qua sự khốc liệt của thiên tai.

Từ hình ảnh những anh Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ công an Nhân dân, dân quân tự vệ cõng trên lưng các cụ già, bế trên tay em nhỏ, kéo những chiếc xuồng đưa người già yếu thoát khỏi vùng nguy hiểm. Hay hình ảnh người chiến sĩ mang trên lưng bao gạo, khuân vác những cây cảnh, vật dụng thiết yếu… giúp người dân di chuyển đến nơi an toàn, đến việc cứu trợ giúp người dân những bữa ăn mà thấy thật ấm áp, đậm tình quân dân.

Trong những ngày qua, tại những nơi ngập lụt, nguy hiểm, bên cạnh lực lượng vũ trang hỗ trợ Nhân dân, chúng ta cũng không khó để bắt gặp hình ảnh những cán bộ, đoàn viên thanh niên cùng người dân dầm mình trong nước hoặc xắn quần lội bùn, lăn xả hỗ trợ Nhân dân. 

Cán bộ, hội viên phụ nữ thị xã Mỹ Hào tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân bị ngập úng

Các cấp hội Liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên trong tỉnh còn nhanh chóng kêu gọi và tổ chức giải cứu nông sản cho người dân; các tổ chức, cá nhân thiện nguyện trong tỉnh hăng hái  đứng lên vận động ủng hộ các vật dụng thiết yếu như đèn pin, áo phao, nước sạch, nến, thuốc thông thường; đồng thời nấu ăn chia thành từng suất ăn cùng các túi thực phẩm khác… để chuyển đến tay người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ, ngập lụt.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức Lễ phát động vận động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3. Ngay sau đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố cũng đồng loạt phát động ủng hộ. Tính đến ngày 13/9, toàn tỉnh đã vận động được gần 18 tỷ đồng, trong đó Quỹ cứu trợ trung ương chuyển 15 tỷ đồng, tỉnh Long An hỗ trợ 1 tỷ đồng và vận động ủng hộ tại tỉnh được gần 2 tỷ đồng. Cùng với đó, đến thời điểm này, MTTQ tỉnh đã tiếp nhận trên 4 nghìn thùng mỳ tôm, 3 tấn gạo, 400 thùng sữa; 100 thùng nước uống cùng một số hàng hóa khác từ nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ. Bên cạnh đó, sáng ngày 15/9, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam ủng hộ tỉnh 1 tỷ đồng và các huyện Kim Động, Văn Giang, Khoái Châu mỗi huyện 1 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp người dân huyện Kim Động vượt qua khó khăn do bão lũ.

Khi bão tan, lũ rút, các lực lượng chức năng, các đội xung kích, tình nguyện lại tích cực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của thiên tai, sửa chữa các công trình trường lớp, nhà văn hóa thôn, xã; giúp người dân di chuyển tài sản về để ổn định cuộc sống… Chị Vũ Thị Mai, người dân xã Thụy Lôi (Tiên Lữ) xúc động: 2 ngày vừa qua, gia đình tôi đã được các cán bộ, hội viên phụ nữ, đoàn viên, thanh niên trong xã đến hỗ trợ dựng lại khu chuồng trại bị tốc mái, dựng lại cổng bị đổ, nhà neo người, tình cảm và sự quan tâm của người dân trong xã dành cho gia đình thật quý giá.

Hội Phụ nữ xã Tân Dân (Khoái Châu) kết hợp với nhóm thiện nguyện tại huyện Khoái Châu tổ chức nấu cơm tặng các chốt trực đê

Không chỉ trong tỉnh, nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đã gửi hàng cứu trợ, lương thực và thuốc men đến giúp đỡ người dân Hưng Yên. Tình cảm đùm bọc, sự chung tay góp sức từ Nhân dân cả nước góp phần giúp Hưng Yên có thêm nguồn lực để nhanh chóng phục hồi sau bão lũ.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cộng với sự đồng lòng, gắn kết giữa các cấp chính quyền và Nhân dân không chỉ giúp tỉnh vượt qua cơn bão số 3 mà còn xây dựng niềm tin vững chắc cho tương lai. Trong khó khăn, tình người càng tỏa sáng, tinh thần đoàn kết càng được tô thắm. Dù còn phải đối mặt với bao nhiêu thử thách nữa, Hưng Yên sẽ luôn vững bước tiến lên.

Nguồn: https://baohungyen.vn/

Tin liên quan